Bài 29:

Vụ cổ phần hoá tai tiếng tại HACINCO, các bộ ngành đã từng kết luận như thế nào?

(Dân trí) - Sau gần 30 bài báo điều tra của Báo Dân trí quyết liệt làm rõ những sai phạm trong vụ cổ phần hoá tại Công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (HACINCO), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức chỉ đạo nhanh chóng xử lý dứt điểm vụ việc này. Trước đó, nhiều bộ ngành đã từng đưa ra quan điểm, kết luận về sự việc.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Công văn số 3229/VPCP-V.I truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến Bộ Tài chính, Bộ Lao động thương binh và Xã hội, Thanh tra Chính phủ, UBND TP Hà Nội và Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp.

Công văn cho biết: Xét báo cáo số 438/BC-TTCP ngày 2/3/2017 của Thanh tra Chính phủ về kết quả thực hiện Kết luận thanh tra số 2125/KL-TTCP ngày 1/9/2009 chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần tại Hà Nội và các nội dung phản ánh, kiến nghị của Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội, Công ty cổ phần Đầu tư NCX liên quan đến cổ phần hoá Công ty HACINCO, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo:

Bộ trưởng Bộ Tài chính và Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẩn trương báo cáo kết quả thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 6561/VPCP-KNTN ngày 22/9/2009 của Văn phòng Chính phủ và kết luận thanh tra số 2125/KL-TTCP ngày 1/9/2009 của Thanh tra Chính phủ trước ngày 10/5/2017.


Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ cổ phần hoá tai tiếng tại HACINCO.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ cổ phần hoá tai tiếng tại HACINCO.

Thủ tướng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Lao động thương binh và Xã hội, Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp, UBND TP Hà Nội kiểm tra, xem xét, có biện pháp giải quyết dứt điểm các nội dung phản ánh, kiến nghị của Công ty cổ phần đầu tư NCX Hà Nội và Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội về quá trình cổ phần hoá tại công ty HACINCO, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/5/2017.

Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ khiến các nhà đầu tư, những người lao động cũng như dư luận xã hội đã theo dõi vụ việc cổ phần hóa tai tiếng này rất phấn khởi và hi vọng vụ việc sẽ được giải quyết nhanh chóng, đúng pháp luật để họ được chạm tay vào quyền - lợi ích hợp pháp của mình sau hơn một thập kỷ mòn mỏi chờ đợi.

Ngược dòng thời gian trở về trước, đối với những sai phạm trong quá trình chuyển nợ thành vốn góp cổ phần của HACINCO, Bộ Tài Chính đã từng khẳng định: “…Việc một số nhà đầu tư thực hiện chuyển nợ thành vốn góp khi thanh toán tiền mua cổ phần theo kết quả đấu giá tại Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội theo báo cáo của Sở Tài Chính Hà Nội là không đúng chế độ Nhà nước đã quy định…”. (theo Công văn số 11083/BTC-TCDN ngày 11/9/2006 của Bộ Tài chính về việc triển khai cổ phần hóa HACINCO gửi Sở Tài Chính Hà Nội). Có thể thấy rằng, Bộ Tài chính đã thể hiện rõ quan điểm về việc không chấp nhận những sai phạm của HACINCO trong việc chuyển nợ thành vốn góp cổ phần.

Đối với sai phạm của HACINCO trong việc tính toán số cổ phần ưu đãi cho người lao động, vào năm 2006, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội cũng thể hiện rõ quan điểm không chấp nhận những sai phạm này của HACINCO, cụ thể:

“…1. Việc vận dụng cho phép toàn bộ công nhân viên của Công ty Đầu tư xây dựng số 2 để hưởng chính sách mua cổ phần ưu đãi giảm giá khi thực hiện cổ phần hóa bộ phận doanh nghiệp - khách sạn Hacinco là chưa đúng với quy định của Nhà nước tại Nghị định số 44/1998/NĐ-CP ngày 29/6/1998 và Nghị định số 64/2002/NĐ-CP ngày 19/6/2002 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần.

2. Đối với người lao động đã được mua cổ phần ưu đãi khi cổ phần hoá bộ phận doanh nghiệp - khách sạn Hacinco cần được xoá bỏ hoặc giảm trừ quyền mua cổ phần ưu đãi của những người này khi cổ phần hoá Công ty Đầu tư xây dựng số 2….”. (theo Công văn số 2443/LĐTBXH-LĐVL ngày 19/7/2006 của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội về việc giải đáp chính sách mua cổ phần ưu đãi giảm giá đối với người lao động gửi Sở Lao động – Thương binh và xã hội).


Bộ LĐTB&XH từng đưa ra quan điểm về vụ cổ phần hoá tại HACINCO.

Bộ LĐTB&XH từng đưa ra quan điểm về vụ cổ phần hoá tại HACINCO.


Bộ Tài chính từng đưa ra quan điểm về vụ cổ phần hoá tại HACINCO.

Bộ Tài chính từng đưa ra quan điểm về vụ cổ phần hoá tại HACINCO.

Quan điểm của Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và xã hội nhận được sự đồng thuận của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp. Cơ quan này đã khẳng định lại một lần nữa ý kiến thống nhất không chấp nhận sai phạm của HACINCO trong cả quá trình chuyển nợ thành vốn góp mua cổ phần khi khẳng định:“…chỉ có các khoản nợ của doanh nghiệp phải trả đến hạn trả nợ mà chủ nợ và doanh nghiệp đã thỏa thuận thì mới được chuyển các khoản nợ đó thành vốn góp cổ phần, các khoản nợ khác không được áp dụng điều khoản trên…” cũng như đối với vấn đề tính trùng số năm công tác cho người lao động khi nêu rõ: “…người lao động chỉ được mua cổ phần ưu đãi một lần cho mỗi năm thực tế làm việc tại khu vực Nhà nước, các trường hợp mua cổ phần ưu đãi nhiều hơn một lần cho một năm làm việc tại khu vực Nhà nước là không đúng với quy định của Nghị định số 187/2004/NĐ-CP, cần phải thu hồi…” (theo Công văn số 167/BĐMDN ngày 19/4/2010 của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp về việc trả lời Công văn số 2432/UBND-KT ngày 12/4/2010 gửi UBND TP Hà Nội).

Như vậy, có thể thấy rõ rằng quan điểm và đường lối chỉ đạo của các cơ quan chức năng có liên quan là khá thống nhất trong việc không chấp nhận những sai phạm của HACINCO trong quá trình chuyển nợ thành vốn góp mua cổ phần cũng như sai phạm của HACINCO trong việc tính toán sai số cổ phần ưu đãi bán cho người lao động. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, sau đó, Thanh tra Chính phủ trong quá trình thanh tra và ban hành Kết luận Thanh tra số 2125/KL-TTCP ngày 01/09/2009 lại đi ngược với các quy định pháp luật về cổ phần hóa, đi ngược với quan điểm chuyên môn và tư tưởng chỉ đạo của các đơn vị liên quan để đưa ra một kiến nghị hoàn toàn trái pháp luật và không thể thực hiện trên thực tế đó là:

“…+ Chấp nhận việc chuyển nợ thành vốn góp khi thanh toán tiền mua cổ phần và công nhận kết quả bán cổ phần của công ty.

+ Giữ nguyên vốn điều lệ theo Quyết định số 7867/QĐ-UB là 47.168.600.000 đồng; chuyển 397.100.000 đồng từ cơ cấu vốn cổ đông mua ưu đãi sang vốn cổ đông mua đấu giá (số lượng cổ phần ưu đãi đã bán cho cán bộ công nhân viên khi cổ phần hóa khách sạn HACINCO năm 1998); công nhận kết quả Đại hội cổ đông lần thứ nhất ngày 02/12/2005 của công ty”.


Quan điểm của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp trong vụ cổ phần hoá tại HACINCO.

Quan điểm của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp trong vụ cổ phần hoá tại HACINCO.

Trên thực tế, UBND TP Hà Nội căn cứ vào ý kiến của các Sở, ban ngành có thẩm quyền, không đồng ý với những kiến nghị nêu trên của Thanh tra Chính phủ nên đã không lựa chọn phương án này để cổ phần hóa HACINCO từ năm 2009. Tại Công văn số 830/UBND-KT ngày 29/01/2011 về việc giải quyết tồn tại trong quá trình cổ phần hóa HACINCO gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội khẳng định rõ: kiến nghị chấp nhận việc chuyển nợ thành vốn góp khi thanh toán tiền mua cổ phần và công nhận kết quả bán cổ phần của HACINCO theo nội dung Kết luận số 2125/KL-TTCP ngày 01/9/2009 của Thanh tra Chính phủ là không phù hợp với quy định pháp luật bởi quá trình chuyển nợ thành vốn góp tại HACINCO có nhiều sai phạm. UBND TP Hà Nội cũng khẳng định kiến nghị chuyển số tiền 397.100.000 đồng từ cơ cấu vốn cổ đông mua ưu đãi sang vốn cổ đông mua đấu giá khi cổ phần hóa HACINCO là không phù hợp với nội dung giải đáp của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội tại Công văn số 2443/LĐTBXH-LĐVL.

Ngày 10/11/2016, để cổ phần hóa dứt điểm HACINCO Ban cán sự Đảng UBND TP HN đã chính thức trình Báo cáo số 410/BC-BCS báo cáo Thường trực Thành ủy về quá trình cổ phần hóa HACINCO. Tại nội dung báo cáo này cũng chỉ đề xuất 02 phương án xử lý tồn tại vướng mắc để chuyển HACINCO thành Công ty cổ phần:

- Phương án thứ nhất: Tiếp tục thực hiện Quyết định số 1886/QĐ-UNBD ngày 22/4/2010 của UBND TP.

- Phương án thứ hai: Thực hiện điều chỉnh quy mô vốn điều lệ và cơ cấu vốn điều lệ theo giá trị thực tế góp vốn của các nhà đầu tư hợp pháp – phương án này nhận được sự đồng tình của các nhà đầu tư và những người lao động đã mua cổ phần hợp pháp tại HACINCO.

Tuy nhiên, ngày 15/12/2016, Ban cán sự Đảng UBND TP HN bất ngờ có Báo cáo số 484/BC/BCS gửi Thường trực thành ủy Hà Nội bổ sung phương án xử lý tồn tại, vướng mắc để chuyển HACINCO thành Công ty cổ phần. Theo đó, Báo cáo 484/BC/BCS bổ sung phương án thứ ba, bên cạnh hai phương án đã được đề xuất tại Báo cáo số 410/BC-BCS:

- Phương án thứ ba: Điều chỉnh vốn điều lệ và cơ cấu vốn điều lệ khi xử lý cổ phần ưu đãi tính trùng và xử lý số cổ phần chuyển nợ để thanh toán tiền mua cổ phần theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ tại Kết luận số 2125/KL-TTCP ngày 01/9/2009.

Ngày 08/02/2017, UBND TP Hà Nội có Công văn số 440/UBND-KT về việc triển khai thực hiện chuyển HACINCO thành Công ty cổ phần với nội dung chấp thuận cổ phần hóa HACINCO theo phương án thứ ba nêu trên.

Liên quan đến phương án cổ phần hóa dứt điểm HACINCO, Luật sư Phan Thị Lam Hồng - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội khẳng định:

Phương án thứ ba được đề xuất tại Báo cáo số 484/BC-BCS ngày 15/12/2015 của Ban cán sự Đảng UBND TP Hà Nội căn cứ vào Kết luận số 2125/KL-TTCP để cổ phần hóa dứt điểm HACINCO chứa đựng nhiều nội dung trái quy định pháp luật và không thể thực hiện được trên thực tế. Việc UBND TP Hà Nội chấp thuận phương án thứ ba nêu trên và chỉ đạo cổ phần hóa dứt điểm HACINCO theo hướng này là vô cùng bất hợp lý, sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường: đi ngược lại chủ trương của Chính phủ trong việc hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp được quy định tại Nghị Quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, phá vỡ nguyên tắc giao dịch trên sàn chứng khoán, tạo ra tiền lệ xấu cho các cơ quan Nhà nước trong việc áp dụng pháp luật, tạo hình ảnh xấu và gây mất niềm tin cho các nhà đầu tư, những người lao động cũng như dư luận xã hội trong việc thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước của Đảng và Chính phủ.

Để giải quyết dứt điểm các nội dung phản ánh, kiến nghị của các nhà đầu tư về quá trình cổ phần hóa HACINCO nhằm nhanh chóng hoàn tất cổ phần hóa doanh nghiệp này, đảm bảo cân bằng quyền lợi hợp pháp của Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động, các cơ quan ban ngành cần xem xét, quyết định điều chỉnh giảm vốn điều lệ tương ứng với số cổ phần không bán được, bán sai quy định để điều chỉnh giảm vốn điều lệ của HACINCO theo nội dung phương án thứ hai được đề xuất tại Báo cáo số 410/BC-BCS ngày 10/11/2016.


Vụ cổ phần hoá tại HACINCO đang được dư luận cả nước quan tâm.

Vụ cổ phần hoá tại HACINCO đang được dư luận cả nước quan tâm.

Việc điều chỉnh giảm vốn điều lệ về vốn thực góp là phù hợp với phương án cổ phần hóa ban đầu đã được phê duyệt tại Quyết định 6680/QĐ-UB ngày 29/9/2005, theo đó hình thức cổ phần hóa là “Bán một phần vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp hoặc kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để thu hút vốn”; đúng theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định 187/2004/NĐ-CP; phù hợp với tinh thần của Quyết định số 94/2005/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ: “Nhà nước giữ cổ phần ở mức thấp hoặc không giữ cổ phần”.

Cụ thể, vốn điều lệ của HACINCO cần được điều chỉnh về số vốn thực góp như sau:

Tổng vốn điều lệ của HACINCO là: 30.964.150.000 đồng, trong đó:

+ Vốn góp của Nhà nước: 7.189.590.000 đồng; tương ứng 23.22 % vốn điều lệ;

+ Vốn góp của cổ đông trong doanh nghiệp mua theo giá ưu đãi: 1.889.790.000 đồng, tương ứng 6.1 % vốn điều lệ;

+ Vốn của cổ đông mua đấu giá trên sàn giao dịch: 21.884.770.000 đồng, tương ứng 70.68 % vốn điều lệ.

Sau khi xử lý kết quả bán cổ phần đúng theo quy định pháp luật, UBND TP Hà Nội sẽ ban hành quyết định điều chỉnh quy mô và cơ cấu vốn điều lệ, làm cơ sở để HACINCO tổ chức Đại hội cổ đông theo đúng quy định của pháp luật hiện hành và ra Quyết định công nhận HACINCO trở thành Công ty cổ phần.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc!

Anh Thế