Bài 20:

Hà Nội: Bao giờ pháp luật được thực thi trong vụ thi hành án vô trách nhiệm tại Đông Anh?

(Dân trí) - Như Dân trí đã đưa tin, Bà Lê Thị Hồng Hạnh trúng đấu giá hơn 10 năm nhưng vẫn chưa được bàn giao tài sản trong khi khối tài sản này lại bị ông Đào Xuân Mai - một người không hề có liên quan gì đến cuộc bán đấu giá tài sản hợp pháp này chiếm giữ, phá huỷ toàn bộ và ngang nhiên xây mới nhưng không hề bị bất cứ một cơ quan chức năng huyện Đông Anh (Hà Nội) ngăn chặn, xử lý.

Tháng 7/2002, bà Lê Thị Hồng Hạnh đã tham gia đấu giá và trúng đấu giá tài sản là nhà đất tại địa chỉ nhà 14B, tổ 1, Khối 3C Thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, cho tới nay bà Hạnh vẫn chưa nhận được tài sản trúng đấu giá, dù trong hơn 14 năm qua bà Hạnh đã nhiều lần đề nghị Cơ quan Thi hành án dân sự huyện Đông Anh bàn giao tài sản cũng như đã gửi rất nhiều đơn thư đến các cơ quan chức năng kêu cứu, kiến nghị về vấn đề này.

Theo quy định của Luật Đất đai, Luật xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành, UBND huyện Đông Anh và UBND thị trấn Đông Anh là các cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai và xây dựng. Năm 2005, ông Đào Xuân Mai đã có hành vi phá huỷ tài sản kê biên, xây dựng nhà 04 tầng kiên cố trên diện tích đất bà Lê Thị Hồng Hạnh đã trúng đấu giá nhưng không bị ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật. Đây lại là sự việc xảy ra ngay tại thủ đô và kéo dài đã 14 năm nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết, trách nhiệm này thuộc về cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương.


Trúng đấu và và nộp tiền từ hơn 10 năm trước, bà Lê Thị Hồng Hạnh vẫn chưa được bàn giao tài sản.

Trúng đấu và và nộp tiền từ hơn 10 năm trước, bà Lê Thị Hồng Hạnh vẫn chưa được bàn giao tài sản.

Theo luật sư Nhâm Mạnh Hà, có thể thấy rằng UBND huyện Đông Anh và UBND thị trấn Đông Anh giữ vai trò rất quan trọng trong việc thi hành án và bàn giao tài sản trúng đấu giá cho gia đình bà Hạnh. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà các cơ quan này đã không thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của mình dẫn tới việc cưỡng chế thi hành án không thực hiện được, từ đó tài sản bà Hạnh mua bị hủy hoại nghiêm trọng và bị gia đình ông Mai ngang nhiên sử dụng suốt hơn 10 năm qua. Đây là các sai phạm cần được các cơ quan chức năng làm rõ và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Hành vi phá huỷ toàn bộ tài sản bà Hạnh mua trúng đấu giá là hành vi vi phạm pháp luật, đầy đủ dấu hiệu cấu thành Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 143 Bộ Luật hình sự) với lỗi cố ý. Mặc dù, Chi cục THADS huyện Đông Anh đã nhiều lần có văn bản đề nghị Công an huyện Đông Anh điều tra, làm rõ hành vi huỷ hoại tài sản đã kê biên của ông Mai, cũng như việc đề nghị cung cấp thông tin về quá trình xử lý hồ sơ vụ việc nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Không biết đến khi nào Cơ quan CSĐT công an huyện Đông Anh mới có thể điều tra xong được hành vi trên? Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân thị trấn Đông Anh cũng không có một động thái nào đối với hành vi xây dựng trái phép trên địa bàn mình quản lý.

Theo quy định tại Điều 113 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và UBND 2003 thì trong lĩnh vực xây dựng, UBND xã, thị trấn thực hiện một trong những nhiệm vụ quyền hạn đó là: Quản lý việc xây dựng, cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ ở điểm dân cư nông thôn theo quy định của pháp luật, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về xây dựng và xử lý vi phạm pháp luật theo thẩm quyền do pháp luật quy định. Do đó, UBND thị trấn Đông Anh có thẩm quyền trong việc quản lý xây dựng tại địa phương.

Theo thông tin từ một lãnh đạo Chi cục thi hành án huyện Đông Anh, hiện nay trên diện tích nhà đất bà Hạnh mua trúng đấu giá, người sinh sống trong ngôi nhà này là ông Nguyễn Minh T, lãnh đạo tại Công ty TNHH MTV Xích líp Đông Anh. Nhận thấy, việc ông Mai ngang nhiên phá huỷ tài sản đã kê biên, ngang nhiên xây dựng trái phép trên diện tích đất bà Hạnh mua trúng đấu giá và cho người khác sinh sống trên diện tích đất đó là việc làm vi phạm pháp luật. Hành vi này kéo dài hơn 14 năm nay, nhưng cơ quan chức năng lại bỏ ngỏ, làm ngơ.


Chi cục trưởng Chi cục THA huyện Đông Anh khẳng định sẽ giải quyết dứt điểm vụ thi hành án “sống chết mặc bay”.

Chi cục trưởng Chi cục THA huyện Đông Anh khẳng định sẽ giải quyết dứt điểm vụ thi hành án “sống chết mặc bay”.

Việc gia đình ông Nguyễn Minh T sinh sống trên diện tích nhà đất ông Đào Xuân Mai xây dựng có thể do ông T thuê nhà, mua nhà hoặc ở nhờ nhà ông Mai. Dù vì bất cứ lý do gì, hành vi của ông T đều vi phạm pháp luật bởi, nhà đất đó không thuộc quyền sở hữu của ông Mai. Vì vậy, ông Mai không có quyền chuyển nhượng, cho thuê hay cho người khác ở nhờ.

Mặt khác, khi ông T sinh sống ở số nhà 14B, tổ 1 thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội, ông T có nghĩa vụ phải làm làm thủ tục đăng ký tạm trú hay thường trú. Theo quy định tại Điều 18 Luật cư trú năm 2006: “Đăng ký thường trú là việc công dân đăng ký nơi thường trú của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký thường trú, cấp sổ hộ khẩu cho họ.”

Điều 20 Luật cư trú quy định:

1. Đăng ký tạm trú là việc công dân đăng ký nơi tạm trú của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký tạm trú, cấp sổ tạm trú cho họ.

2. Ng­ười đang sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn nhưng không thuộc trường hợp được đăng ký thường trú tại địa phương đó thì trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày đến phải đăng ký tạm trú tại Công an xã, phường, thị trấn.”

Nhận thấy, việc ông T sinh sống trên diện tích nhà đất nêu trên, ông T có nghĩa vụ phải đăng ký thường trú hoặc đăng ký tạm trú. Điều này đặt ra câu hỏi, ông T đã thực hiện nghĩa vụ này chưa và Công an thị trấn Đông Anh có giám sát, kiểm tra hoạt động đăng ký thường trú, tạm trú của người dân sinh sống trên địa bàn mình đang quản lý hay không?

Hà Nội: Bao giờ pháp luật được thực thi trong vụ thi hành án vô trách nhiệm tại Đông Anh? - 3

Kết luận sai phạm và đề nghị khởi tố vụ án nhưng sau 11 năm Chi cục Thi hành án huyện Đông Anh vẫn được Công an huyện Đông Anh trả lời đang điều tra.

Kết luận sai phạm và đề nghị khởi tố vụ án nhưng sau 11 năm Chi cục Thi hành án huyện Đông Anh vẫn được Công an huyện Đông Anh trả lời đang điều tra.

Việc UBND huyện Đông Anh để gia đình ông Nguyễn Minh T ngang nhiên sinh sống tại căn nhà ông Mai xây dựng trái phép là vi phạm pháp luật. Điều 30 Luật cư trú năm 2006 quy định đăng ký tạm trú là việc công dân đăng ký nơi tạm trú của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký tạm trú, cấp sổ tạm trú cho họ.

Đối chiếu với khoản 3 Điều 6 Luật cư trú năm 2006 quy định: “Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về cư trú tại địa phương theo quy định của Luật này, các quy định khác của pháp luật có liên quan và phân cấp của Chính phủ”. Như vậy, ông Nguyễn Minh T sinh sống trên diện tích nhà đất của ông Mai cần đăng ký tạm trú theo quy định pháp luật và phải được UBND thị trấn Đông Anh cho phép.

Ông Đào Xuân Mai liên tiếp có những hành vi vi phạm pháp luật, kéo dài hơn 14 năm nay nhưng chưa bị cơ quan chính quyền nào xử lý. Điều này, đặt ra câu hỏi, liệu có sự bao che, mờ ám đằng sau của chính quyền huyện Đông Anh hay hệ thống chính quyền yếu kém, làm ngơ trước hành vi vi phạm pháp luật của người dân?

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế