Đắk Nông:

Gần 20 năm nhường đất cho thủy điện, hàng trăm hộ dân chưa thể tái định cư

Đặng Dương

(Dân trí) - Sau gần 2 thập niên triển khai dự án thủy điện Đắk R'tih, nhiều người dân xã Đắk R'moan và phường Nghĩa Phú (TP Gia Nghĩa) vẫn chưa thể tái định cư do hàng loạt bất cập tại nơi ở.

Hơn 15 năm, chỉ một người vào ở

Dự án khu tái định cư thủy điện Đắk R'tih ở thôn Tân Hòa, xã Đắk R'moan (TP Gia Nghĩa) bắt đầu khởi công xây dựng năm 2006 do Công ty cổ phần thủy điện Đắk R'tih làm chủ đầu tư.

Gần 20 năm nhường đất cho thủy điện, hàng trăm hộ dân chưa thể tái định cư - 1
Khu TĐC thủy điện sau gần 2 thập niên vẫn là bãi đất trống, không có người ở.

Dự kiến khu tái định cư (TĐC) này sẽ phục vụ cho hơn 250 hộ dân thuộc diện phải di dời để xây dựng thủy điện Đắk R'tih. Tuy nhiên, đến nay, dù chưa hoạt động như đúng mục tiêu ban đầu nhưng khu TĐC đã bộc lộ nhiều bất cập khiến người dân chưa thể vào ở.

Chị Nông Thị Đoan (ở thôn Tân Hòa, xã Đắk R'moan) sinh sống tại khu tái định cư này được 3 năm và cũng là hộ duy nhất chuyển về khu TĐC thủy điện Đắk R'tih này. Cũng từng đó thời gian, gia đình chị phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt bởi trạm cung cấp nước của khu TĐC đã xuống cấp, hư hỏng từ nhiều năm nay.

Gần 20 năm nhường đất cho thủy điện, hàng trăm hộ dân chưa thể tái định cư - 2
Chị Đoan là hộ duy nhất về đây sống nhưng hàng ngày phải đi chở nước về dùng.

Chị Đoan cho biết: "Nhà tôi ở đây, nhưng nước thì phải đi lấy từ nơi khác về sử dụng. Mùa khô thì đi xin nước về nấu ăn, riêng việc giặt giũ thì phải đi ra hồ chứ ở nhà không có nước. Mùa mưa thì phải tận dụng các loại thùng chứa để đựng nước mưa dùng dần".

Dự án khu tái định cư thủy điện Đắk R'tih có diện tích gần 17 ha, với tổng kinh phí xây dựng gần 30 tỷ đồng. Đã gần 2 thập niên kể từ ngày khởi công xây dựng, thế nhưng hiện nay cây cỏ mọc um tùm, nhiều hạng mục bị hư hỏng, xuống cấp. Những hộ dân trước đây nhường đất cho thủy điện, phải thuê nhà để ở và "mòn mỏi" chờ tái định cư.

Gần 20 năm nhường đất cho thủy điện, hàng trăm hộ dân chưa thể tái định cư - 3

Hàng loạt bất cập, nhiều hạng mục xuống cấp tại dự án TĐC khiến người dân không thể ở.

Ông Mã Văn Tại - trưởng thôn Tân Hòa (xã Đắk R'moan, TP Gia Nghĩa) - cho rằng, thôn Tân Hòa có khoảng 50 hộ dân thuộc diện được cấp đất TĐC sau khi thu hồi làm thủy điện.

Đến nay, phần lớn người dân chưa được nhận đất, bởi hàng loạt bất cập, cũng như sự xuống cấp của nhiều hạng mục công trình tại khu vực này.

Gần 20 năm nhường đất cho thủy điện, hàng trăm hộ dân chưa thể tái định cư - 4
Ông Tại cho rằng, tiền thuế đất tại khu TĐC này quá cao, trong khi đất sản xuất của người dân đã bị thu hồi.

Ông Tại dẫn chứng, ngoài thiếu nước sạch, tất cả con đường ở khu TĐC đều hư hỏng, bong tróc, không còn khả năng sử dụng. Hệ thống mương nước bị đất, cỏ vùi lấp, nhiều khu vực bị sạt lở.

Những hộ dân được cấp đất TĐC, nhưng mỗi lô đất chỉ rộng khoảng hơn 100 m2, rất ít so với số lượng đất bị thu hồi. Đặc biệt, nếu muốn nhận đất thì phải nộp thêm tiền thuế.

"Mỗi hộ dân khi vào đây ở phải đóng thêm tiền thuế đất, với giá khoảng hơn 400.000 đồng/m2. Điều này rất bất hợp lý, vì đất của người dân đã bị thu hồi, không có nguồn thu thì làm sao mà có tiền đóng thuế đất", ông Tại cho hay.

Phát điện 10 năm nhưng dân vẫn bị "nợ" đất

Tổ 7, phường Nghĩa Phú (TP Gia Nghĩa) có 56 hộ bị thu hồi đất và giải tỏa nhà cửa để làm hạng mục khu vực 3, thủy điện Đắk R'tíh. Tuy nhiên, đến nay, nhiều hộ dân vẫn chưa được hỗ trợ ổn định sản xuất và đời sống, bố trí đất tái định cư...

Gần 20 năm nhường đất cho thủy điện, hàng trăm hộ dân chưa thể tái định cư - 5
Đường nhựa xuống cấp, bong tróc chỉ còn lớp đá mặt.

Theo ông Nguyễn Văn Hòa - tổ trưởng tổ 7, năm 2003, Dự án thủy điện Đắk R'tih kiểm kê tài sản và đến năm 2007 ra quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án.

Tuy nhiên, nhiều nội dung đền bù chưa thỏa đáng. Riêng gia đình ông có 1,2 ha đất thuộc phường Nghĩa Phú, nhưng lại cấp đất TĐC cho gia đình ông ở xã Đắk R'moan.

Theo ông Hòa, ông cùng các hộ dân hai phường chỉ kiến nghị, nếu thu hồi đất ở thành phố thì phải bố trí đất tái định cư ở thành phố. Người dân không đồng ý về TĐC ở vùng hẻo lánh, hoang vu và cơ sở hạ tầng không đồng bộ.

"Tháng 10/2020, UBND thành phố Gia Nghĩa đã yêu cầu tạm dừng việc phân lô TĐC cho người dân phường Nghĩa Phú, Nghĩa Tân. Thế nhưng mới đây, họ lại niêm yết danh sách, yêu cầu chúng tôi bốc một lô đất ở khu TĐC xã Đắk R'moan này", ông Hòa bức xúc.

Gần 20 năm nhường đất cho thủy điện, hàng trăm hộ dân chưa thể tái định cư - 6
Một phần khu TĐC đã bị sạt lở, người dân lo sợ sẽ xảy ra sự cố nếu xây dựng nhà.

Bà Trần Thị Phượng (thôn Tân Hòa) thông tin thêm, năm 2007, gia đình bà có hơn 3 ha đất bị thu hồi để thực hiện dự án thủy điện nên thuộc diện được cấp đất ở tái định cư. Thế nhưng, từ ngày đó đến giờ, gia đình bà vẫn chưa nhận đất.

"Dự án thủy điện đã đi vào hoạt động ổn định nhiều năm nay, nhưng cuộc sống của những người dân bị thu hồi đất như chúng tôi vẫn chưa thể ổn định. Hạ tầng của khu TĐC này rất yếu, đất bị sạt lở, nếu chúng tôi xây nhà ở trên phần đất này thì rất dễ gặp rủi ro", bà Phượng nói.

Được biết, sau hơn 4 năm xây dựng, nhà máy Thủy điện Đắk R'tih chính thức phát điện, hòa vào lưới điện quốc gia vào tháng 8/2011 và hoàn thành 4 tổ máy vào ngày 16/10/2011. Nhà máy có tổng công suất 144MW với sản lượng điện bình quân hàng năm là 640 triệu KWh.

Gần 20 năm nhường đất cho thủy điện, hàng trăm hộ dân chưa thể tái định cư - 7
Người dân TP Gia Nghĩa mong mỏi chờ TĐC sau nhiều năm nhường đất cho thủy điện.

Ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh văn phòng UBND TP Gia Nghĩa - cho biết, tình trạng người dân chưa vào sống được khu TĐC sau khi làm thủy điện Đắk R'tih đã diễn ra nhiều năm nay.

Cuối tháng 5/2021, thành phố đã có buổi làm việc với chủ đầu tư là Công ty Thủy điện Đắk R'tih để bàn phương hướng giải quyết.

Trước thực tế cơ sở hạ tầng khu TĐC đã xuống cấp, quỹ đất tái định cư không đủ để bố trí cho các hộ dân, Chánh văn phòng UBND TP Gia Nghĩa thông tin thêm, thành phố vừa phê duyệt phương án bố trí đất bổ sung TĐC cho người dân, với tổng số 259 hộ. Riêng về cơ sở vật chất, trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư của dự án.