Đường “rách” đổ tại “trời”: Làm lãnh đạo thế thì dễ quá!

Đọc lời lý giải của ông Phạm Duy Khánh, Phó TGĐ PMU85 - Bộ GTVT về hiện tượng đường nối Cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh) với Cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình) “rách” sau bão số 9, nhiều bạn đọc “nói mát”: Cứ đường hỏng là đổ tại trời thì làm lãnh đạo dễ quá!

Dân trí xin trích đăng một vài ý kiến điển hình: 

 
Đường “rách” đổ tại “trời”: Làm lãnh đạo thế thì dễ quá! - 1
Cách lý giải của ông Phạm Duy Khánh (trái) khiến nhiều độc giả bức xúc (Ảnh: V. Tuân)
  

Bạn đọc: Van Long

 

Phần trả lời phỏng vấn của ông Khánh không lô gíc: Trên thì nói do điều khiện khí hậu, địa chất nên đường hỏng, dưới thì nói các hạng mục đã được kiểm nghiệm qua vài năm kể cả khi có mưa lớn cũng không sao? Vậy đâu là câu trả lời đúng? Tất nhiên có những nơi, những lúc thiên nhiên tàn phá là bất khả kháng. Nhưng phải làm rõ chỗ nào do con người? Vì nếu không thì tiền tỷ của nhân dân mất đi chỉ đổ tại trời thì ai cũng có thể làm lãnh đạo.

 

Bạn đọc: Phan Văn Mích

 

Các lý do mà PMU85 đưa ra để thanh minh các hư hỏng của công trình đường Cảng Vũng Áng là không đúng. - Đoạn đường nứt dọc ở giữa là do đơn vị thi công không đúng quy trình dẫn tới nền không liên kết với nhau và không liên kết với nền thiên nhiên. - Đoạn đường bị sụp mái taluy âm là do đầm nền không đạt yêu cầu, lỗ rỗng lớn tạo cơ hội cho nước xói mòn phía trong. Phải xem lại chất lượng công trình chứ không thể đổ lỗi cho thiên nhiên. 

  

Bạn đọc: letin

 

Đọc xong bài báo thật không có gì ấn tượng hơn câu “Như thế thì có trời mà chống đỡ được”. Riêng tôi rất cám ơn ông trời đã chống đỡ được cho ông PMU85 này!

 

Bạn đọc: Nguyen 

 

Không có bất cứ lý do gì để có thể bào chữa. Có chăng đó là lý do pháp luật Việt Nam còn quá nhẹ?!

 

Bạn đọc: Đỗ

 

Cứ hễ có vấn đề xảy ra là lại đổ tội cho thiên nhiên, hoàn cảnh... Thật nực cười vì nhà thầu đã nhận thầu thì phải tính toán được hết các yếu tố sẽ xảy ra chứ, đằng này lại hất trách nhiệm thì thật là khổ cho người đóng thuế. Hãy điều tra lại một cách nghiêm túc và qui kết rõ ràng, có như vậy mới mong có được những công trình bền vững và mới ngẩng đầu lên để tự hào với bạn bè.

 

Bạn đọc: Nguyễn Thị Hương    

 

Em chỉ xin hỏi các cơ quan chức năng một câu thôi: Vừa qua em thấy chỉ sau một trận bão lớn mà các công trình ở Đà Nẵng, Quảng Bình, Hà Tĩnh đã bị hư hỏng khá nhiều. Phải chăng ở Việt Nam không có các tiêu chuẩn tư vấn thiết kế theo điều kiện khí hậu đất đai của từng vùng, đặc biệt là theo cấp độ của các cơn bão?

 

Bạn đọc: Công Minh

 

Nhà nước kêu gọi mọi người đóng thuế để xây dựng đất nước. Nếu không có cơn bão vừa qua thì chẳng ai biết được công trình xây dựng này chất lượng thấp như thế nào.

 

Bạn đọc: Hoàng Tiết Kiệm 

 

Chứng kiến hình ảnh hư hỏng của con đường sau bão, theo nhìn nhận của cá nhân, tôi nghĩ hoặc là “vứt bỏ” hoặc sẽ phải bỏ ra một lượng tiền tương đương đầu tư ban đầu và với một “thái độ” thực hiện nghiêm túc để có con đường mới đủ chất lượng. Dù bằng cách nào, hậu quả cuối cùng vẫn là người dân vì tiền thuế họ đóng góp bằng mồ hôi - công sức bị xà xẻo và sử dụng vô tội vạ. Luật pháp cần có biện pháp cứng rắn và xử lý nghiêm.

 

Bạn đọc: Nguyễn Thanh Minh 

 

“Khi nghiên cứu bên tư vấn đã đưa ra các giải pháp để thực thi, nhưng trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, việc nghiên cứu hết địa chất ở đó là vấn đề không đơn giản. Làm sao mà nghiên cứu hết cả vùng rừng núi rộng lớn được khi mà kinh phí có hạn”. Như thế này mà vẫn cho thi công thì phải chăng các ngài đã lãng phí tiền của nhà nước của nhân dân?

 

Bạn đọc: Trần Trí Dũng

 

Tôi không đồng tình với những giải thích của ông Phạm Duy Khánh, chất lượng công trình hoặc kinh nghiệm thi công của các ông là vấn đề cần phải được xem xét nghiêm túc.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm