Đường “rách” sau bão số 9: Lỗi tại địa chất và khí hậu?
(Dân trí) - Sự cố nứt nẻ, sạt lở, sụp đổ nghiêm trọng trên tuyến đường nối Cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh) với Cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình) khiến dư luận đặc biệt quan tâm và đặt dấu hỏi về chất lượng công trình trị giá hàng nghìn tỉ đồng này.
PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Duy Khánh - Phó Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án 85 (PMU 85, Bộ GTVT) - người được giao trực tiếp chỉ đạo dự án này.
Trước hết tôi xin nói đây là tuyến đường làm mới hoàn toàn, mục tiêu là phục vụ phát triển Cảng Vũng Áng, giao thương giữa một phần Hà Tĩnh, Quảng Bình và Lào. Tuyến đường chia làm 3 BQL dự án, ngoài PMU 85 còn có Sở GTVT Hà Tĩnh, Sở GTVT Quảng Bình. Tổng vốn đầu tư do PMU85 quản lý là gần 1.100 tỷ đồng, gồm có có 11 gói thầu. Toàn bộ phần nứt nẻ, sạt lở nằm trên lý trình từ Km33 - Km79 của chúng tôi.
Cụ thể, mái dốc taluy từ Km 53+875 đến Km 54+030 và km 52+815 đến Km 52+835 thuộc gói thầu số 3 (do liên doanh Công ty 423 thuộc Tổng Công ty xây dựng 4 - Bộ GTVT) với công ty 823 và công ty 824, thuộc Tổng Công ty xây dựng 8 - Bộ GTVT làm tổng thầu) bị xô ngang, gây vỡ tường chắn chân bằng đá hộc.
Tại gói thầu số 7 từ Km 64 đến Km 66+500 do Công ty 512 thuộc Tổng công ty Xây dựng 5 (Đà Nẵng) thi công, mặt đường bị trồi, taluy dương bị sạt lở gây nứt hư hỏng hoàn toàn rãnh dọc thoát nước.
Cái đó thì chúng tôi chưa thể tính được vào lúc này.
Dư luận đang rất quan tâm một tuyến đường mới làm, chưa được bàn giao nhưng đã hư hỏng nặng. Vậy đâu là nguyên nhân thưa ông?
Phải nói rằng điều kiện tự nhiên, trong đó địa chất và khí hậu ở đây hết sức phức tạp là nguyên nhân khiến đường bị hỏng như hiện nay. Có những đoạn địa chất khi nắng thì bắn mìn cũng không ăn thua, nhưng khi mưa nước ngấm thì đất bắt đầu phong hóa, nứt nẻ, tính liên kết kém gây sụt lún. Nhiều chỗ trên triền núi có cả những đống đất lù lù trượt xuống đường, phá vỡ luôn cả công trình ở dưới. Như thế thì có trời mà chống đỡ được.
Về vết nứt dọc ngay giữa đường tại gói thầu số 8 từ Km 66+500 đến Km 72 là do khi mưa nước ngấm xuống tạo thành những dòng nước ngầm chảy trong lòng đất. Lượng nước ngầm tập trung lớn, đẩy toàn bộ phần cơ phía dưới kéo theo phần đường bị nứt nẻ.
Còn thảm đường bị trồi lên từ Km 64 đến Km 66+500 là do trên núi xuất hiện vết nứt gãy của địa chất dẫn đến việc sụt lở các lớp đất ở trên xuống, ép trồi mặt đường lên.
Tất nhiên, nói các đơn vị thi công làm đúng hoàn toàn thì không có, nhưng ở công trình này mức độ thi công là chấp nhận được. Bởi vì tất cả các hạng mục ở đây đã được kiểm nghiệm qua vài năm rồi, như năm 2007 mưa rất lớn nhưng không có vấn đề gì. Chẳng hạn nếu thi công phần mặt đường kém thì nó đã xuất hiện vết nứt ngay từ cơn bão ấy rồi.
Như vậy trách nhiệm của đơn vị khảo sát, thiết kế như thế nào?
Khi nghiên cứu bên tư vấn đã đưa ra các giải pháp để thực thi, nhưng trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, việc nghiên cứu hết địa chất ở đó là vấn đề không đơn giản. Làm sao mà nghiên cứu hết cả vùng rừng núi rộng lớn được khi mà kinh phí có hạn. Bởi vậy, có những giai đoạn tư vấn thiết kế đã phải vào trực tiếp tại hiện trường để xử lý thiết kế cho phù hợp với điều kiện địa chất.
Hướng khắc phục tuyến đường trên như thế nào, thưa ông?
Chúng tôi đã mời Cục Giám định chất lượng công trình thuộc Bộ GTVT, Tư vấn thiết kế vào kiểm tra đánh giá lại nguyên nhân, trên cơ sở đó trưng dụng phương án xử lý thích hợp. Sau khi có phương án cụ thể chúng tôi sẽ trình lên Bộ Giao thông vận tải xin chủ trương sửa chữa. Đây là một vấn đề cần khá nhiều thời gian.