Đứng giữa đường để nhảy nhót, quay phim: Phải xử lý nghiêm!

PV

(Dân trí) - Hành vi chặn đường giao thông, cản trở lưu thông bình thường chỉ vì sở thích cá nhân, "tự sướng" cho bản thân là tiêu cực, tạo ra tiền lệ, trào lưu xấu, vô văn hóa trong đời sống xã hội.

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ việc một số người tụ tập, chặn đường để chụp ảnh hoặc livestream (phát sóng trực tiếp trên mạng xã hội). Thậm chí, có nhiều người rủ nhau tụ tập biến lòng đường thành sân, sàn để tập yoga, nhảy múa hay quay phim để đăng lên mạng xã hội... rất nguy hiểm, phản cảm.

Mặc dù, các cơ quan chức năng đã xử lý nhiều vụ việc tương tự liên quan đến hành vi này, kể cả xử lý trách nhiệm hình sự nhưng tình trạng này vẫn không giảm mà có chiều hướng ngày càng gia tăng rất đáng lo ngại.

Đứng giữa đường để nhảy nhót, quay phim: Phải xử lý nghiêm! - 1

Nhóm người tập Yoga giữa đường ở thị trấn Kiến Xương (Ảnh: Facebook).

Việc chặn đường chụp ảnh, nhảy múa hoặc livestream là rất nguy hiểm, nhất là những nơi đường hẹp, tầm nhìn hạn chế dễ gây tai nạn giao thông. Ngay cả khi đường rộng thì cũng rất nguy hiểm, vì thường khi đường rộng cũng đồng nghĩa với việc xe cộ sẽ chạy với tốc độ cao và nếu xảy ra tai nạn sẽ thảm khốc hơn, nặng hơn.

Điều đáng nói là nhiều người dù biết rằng hành vi của mình là vi phạm pháp luật, nguy cơ trở thành tội phạm nhưng vì muốn có nhiều like (lượt thích), nhiều view (lượng người xem) trên mạng xã hội và đua đòi mà bất chấp tất cả. Bởi chỉ cần xảy ra sự cố đáng tiếc như tai nạn giao thông hoặc tụ tập rồi xảy ra xô xát, đánh nhau gây thương tích ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội là có thể bị xử lý hình sự, đi tù như thường...

Đứng giữa đường để nhảy nhót, quay phim: Phải xử lý nghiêm! - 2

Đoàn xe dừng đỗ giữa đường chụp ảnh (Ảnh cắt từ clip).

Bên cạnh đó, hành vi thiếu ý thức, coi thường pháp luật của người lớn, nhất là khi đưa lên mạng xã hội sẽ làm cho trẻ em bắt chước làm theo sẽ rất nguy hiểm. Bởi khi trẻ bắt chước, làm theo thì đó không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của bản thân chúng và gây nguy hiểm cho cả những người xung quanh.

Hành vi thiếu ý thức này nếu không kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm còn ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam trong mắt du khách, người nước ngoài. Điều này nhất định sẽ tác động tiêu cực đến việc thu hút khách du lịch, về môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh của nước ta.

Có thể khẳng định rằng, hành vi chặn đường giao thông, cản trở lưu thông bình thường chỉ vì sở thích cá nhân, "tự sướng" cho bản thân là tiêu cực, tạo ra tiền lệ, trào lưu xấu, vô văn hóa trong đời sống xã hội. Khi đó, xã hội sẽ phải gánh chịu nhiều hệ quả xấu, tác động tiêu cực từ những hành vi thiếu chuẩn mực, phản cảm, vô văn hóa này.

Vì vậy, các cơ quan chức năng cần ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, có nguy cơ thành tội phạm này. Việc này không chỉ phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng gây mất an toàn giao thông mà còn hạn chế hành vi gây mất trật tự an toàn xã hội, có dấu hiệu gây rối trật tự công cộng, lộn xộn ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh đất nước.

  Luật gia Phạm Văn Chung