Đừng để “chết” vì… thiếu hiểu biết

(Dân trí) - Cách đây không lâu “kỳ án” chế biến cà phê bẩn đã bị báo chí, truyền hình phanh phui. Dư luận lên án gay gắt trước việc làm bất chấp sức khỏe cộng đồng này. Vậy mà mới đây, người dân lại thêm một phen hoảng hốt trước công nghệ sản xuất chè "bẩn".

Đừng để “chết” vì… thiếu hiểu biết - 1

Sản xuất chè bẩn tràn lan tại Tuyên Quang. Người dân trộn bột đá, xi măng, phân lân vào chè (ảnh NLĐ)
 
Việt Nam là nước nông nghiệp, nông - lâm là lĩnh vực sản xuất quan trong đối với sự phát triển của nước ta. Nằm trong số những nông sản quan trọng hàng đầu của Việt Nam có gạo, cà phê, sợi bông, đậu phộng, cao su, đường, và chè. Vậy nhưng 2 trong số những sản phẩm “đinh” của ta là chè và cà phê đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, chất lượng vì sự kém hiểu biết, ham lợi trước mắt của những xưởng sản xuất tự do.

 

Vì lợi nhuận, một số cơ sở sản xuất kinh doanh chè nhỏ lẻ đã cho ra đời những sản phẩm mang tên “chè bẩn” với nguyên liệu là chè trộn bột đá, xi măng, phân lân...

 

Những sản phẩm này được tiêu thụ chủ yếu ở trong nước và hậu quả của nó đem lại cho người tiêu dùng như thế nào thì  hầu như ai cũng có thể đoán biết được. Bên cạnh đó, sức ảnh hưởng từ tiếng tăm "chè bẩn" đã mang đến hậu quả không nhỏ cho Hiệp hội chè Việt Nam trên thương trường quốc tế: những bản hợp đồng bị đối tác hủy bỏ, tiếng xấu bị gắn với chè Việt Nam.

 

Theo điều tra của báo Tiền Phong về phương thức buôn bán "chè bẩn" chui không có hóa đơn, chứng từ “Nhà nước sẽ thất thu ít nhất 60 triệu đồng/ tháng tiền thuế”.

 

Trong khi cả thế giới cùng hướng đến những sản phẩm tốt nhất đối với sức khỏe, thì chúng ta lại vướng phải những "vật cản" do chính con người tự tạo ra với chính mình và cộng đồng.

 

Có một câu nói rất hay phù hợp với hoàn cảnh đó: “Đừng để chết vì thiếu hiểu biết”. “Chết” ở đây được hiểu đúng cả về nghĩa đen và nghĩa bóng. Vì một chút lợi lộc bất chấp tính mạng con người, gây thiệt hại cho cả nền kinh tế đất nước.

 

Một lần nữa, người người, nhà nhà lại lên án mạnh mẽ trước việc làm không có tình người của những cơ sở sản xuất "chè bẩn", đồng thời bức xúc trước sự quản lý lỏng lẻo của ngành chức năng liên quan.
 
Đừng để “chết” vì… thiếu hiểu biết - 2
Cận cảnh công nghệ sản xuất chè bẩn. (nguồn ảnh: Tiền phong)

 

“Thật là buồn cho những người Việt Nam làm những trò quái đản để kiếm lợi bất chính. Có thời kỳ khi luộc bánh chưng cho pin đèn vào luộc cho nhanh chín... Nay lại cho phân lân, xi măng , bột đá vào chè... Đúng là tự mình hại chính mình. Chắc từ đây không ai dám mua chè của mình nữa, thế là thất nghiệp từ đây. Đúng là "hết thuốc chữa" - Quách Hữu Sinh: QHSINH@YAHOO.COM.VN thất vọng.

 

“Mỗi khi xảy ra việc gì, khi được đưa lên công luận thì chúng ta mới lại rút ra kinh nghiệm. Đến bao giờ chúng ta mới có bản lĩnh Việt Nam trên mọi lĩnh vực? Sao không có biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu mà cứ để tình trạng "ùn ùn" mới báo động, thì hậu quả trên trường quốc tế đã quá lớn rồi. Ai là người chịu trách nhiệm? Hay người nông dân cứ vì ham lời một chút lại làm tổn hại tới quốc gia?” - nguyễn hùng đức 101 NGUYỄN LƯƠNG BẰNG: ducnguyen0159@yahoo.com.vn  

 

Với những chia sẻ tâm huyết, hoài anh: huynhhoaianh2003@yahoo.com bày tỏ: “Đọc xong bài viết mà cảm thấy thật đau lòng. Đau lòng vì cách làm ăn phi đạo đức và chạy theo lợi nhuận cùa những người dân nói trên: chè + phân lân + ximăng = chè thơm-  một công thức rợn người! Đau lòng vì một đất nước nông nghiệp nhưng cơ chế quản lý nông nghiệp yếu kém để dẫn đến những hệ quả như hôm nay.

 

Nhà nước nên xác định Việt Nam là nước nông nghiệp và phải dựa trên nông nghiệp mà phát triển bền vững. Đừng chạy theo công nghiệp hóa - hiện đại hóa ồ ạt và thiếu kiểm soát như nhiện nay là không tốt. Đã có biết bao nhiêu dự án khu công nghiệp treo, biết bao nhiêu khu công nghiệp hoạt động không hiệu quả, trang thiết bi lạc hậu, gây ô nhiểm môi trường, thế mà đi đến địa phương nào cũng thấy dự án khu công nghiệp. Nếu ta làm như thế thì quỹ đất dành cho nông nghiệp sẽ không còn, gây tâm lý không ồn định cho nông dân vùng có khu công nghiệp quy hoạch treo (vì không biết bao giờ bị quy hoạch).

 

Chúng ta nên học hỏi nước bạn Thái Lan mà áp dụng, làm nông nghiệp từ nhà Vua. Nhà Vua là người thực hiện đồ án nông nghiệp và ưu tiên phát triển nông nghiệp, sản xuất nông sản, chế biến thủy hải sản với công nghệ cao, thiết lập hệ thống đảm bảo rủi ro cho nông dân an tâm sản xuất và đặc biệt chú trọng quỹ đất nông nghiệp... Chính vì những quan tâm từ chính sách như thế nên hàng Thái xâm nhập được những thị trường khó tính như EU, Nhật, Mỹ. Hy vọng Việt Nam sẽ thay đổi tư duy và phát triển bền vững để dân có giàu, nước mới mạnh. Thân ái” – độc giả này nói thêm.

 

Trong khi đó, binhminh: thanght3@gmail.com cho rằng cần nâng cao ý thức cũng như hướng dẫn người dân cách sử dụng thuộc BVTV hiệu quả mà không gây hại cho người tiêu dùng:

 

“Tôi cũng thấy lo là làm thế nào để nâng cao ý thức người dân trong sử dụng thuốc BVTV. Phải đẩy dân trí lên, khâu an toàn vệ sinh thực phẩm là cốt lõi của vấn đề nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao thể chất giống nòi. Phạm vi quản lý vĩ mô của ta hiện nay kém quá”.

 

“Người dân mình nên nhìn rộng vấn đề ra một chút, đừng vì lợi nhuận mà đánh mất thương hiệu chè của VN chúng ta. Các cán bộ trong ngành nên ra tay chấm dứt triệt để tình trạng này. Đúng là "ăn cũng chết mà không ăn cũng chết". Coi thường tính mạng và sức khỏe con người quá. Thật đáng buồn” Nguyễn Hồng Anh: bearnguyen89@yahoo.com 

 

tran bach ho: hobachhien@gmail.com nêu thực trạng cùng phân tích: “Hàng hóa nông sản phẩm và thực phẩm của ta bây giờ không còn an toàn nữa. Đó chính là do thuốc BVTV, các chế phẩm kích thích sinh trưởng, chế phẩm bảo quản...cả trong trồng trọt và chăn nuôi.

 

Ngoài ra còn nguyên nhân sâu xa hơn là do chúng ta đua nhau chạy theo năng suất và sản lượng, bỏ qua chất lượng thực. Từ đó dẫn đến một lượng hóa chất độc khổng lồ đổ vào môi trường, ăn sâu bám chắc vào từng người dân Việt Nam, người nông dân Việt Nam.

 

Vì vậy theo tôi, việc sử dụng hóa chất trong sản suất bây giờ cần phải xem xét lại. Ngày xưa nước ta thiếu lương thực, nhưng từ năm 1991 đến nay cơ bản không bị mất mùa, có chăng chỉ bị mất cục bộ từng địa phương hoặc khu vực. Từ lúc thiếu lương thực nay ta xuất khẩu lương thực đứng thứ nhất, thứ nhì thế giới. Song giá bán luôn luôn thấp hơn hàng hóa cùng loại với các nước khác. Nguyên nhân chính là chất lượng thấp vì có dư lượng hóa chất độc, hơn thế nữa nó gây ngộ độc và nguy hiểm lâu dài cho chính chúng ta và con cháu chúng ta.

 

Cho nên việc dùng hóa chất cho sản suất phải kiểm soát được và có lộ trình dần loại trừ dùng hóa chất cho sản suất. Chỉ dùng khi thực sự cần thiết, có chỉ định, được sự cho phép của cơ quan chức năng. Tăng cường tuyên truyền, khuyến khích áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp vào sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi theo hướng thân thiện với môi trường bền vững. Dùng phân bón, chế phẩm sinh học cho sản xuất” – bạn đọc này chia sẻ thêm.

 

Ngoài ra, rất nhiều độc giả kiến nghị cần phải có chế tài thật nghiêm, xử lý công khai đối với những nhà sản xuất thiếu trách nhiệm, thiếu lương tâm nghề nghiệp để răn đe:

 

“Chè bẩn không chỉ là sản phẩm của một số nhà sản xuất thiếu trách nhiệm, mà còn do hệ thống quản lý thiếu (hoặc không) hiệu quả! Tại sao đến nay chưa đưa ra pháp luật xét xử các vụ gây nhiễm độc thực phẩm, mà chỉ thấy nêu trên phương tiện truyền thông rồi lại đi vào quên lãng?” - Hà Tân: babinbeo@yahoo.com   

 

“Người sản xuất chè bẩn cần phải bị nghiêm trị. Để như vậy thì với trách nhiệm của các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương nơi dân sản xuất, họ có biết hay không??? Nếu không biết thì thật là không tin nổi??? Cần xem xét trách nhiệm của các cơ quan quản lý và chính quyền. Nếu làm nghiêm thì không thể có chuyện này đến mức tràn lan như thế” - nguyen thuy duong: baohahp@vnn.vn đề nghị.

 

Nguyệt Thu