Dự thảo Luật giao thông đường bộ: Đồng tình nhưng cũng nhiều băn khoăn

PV

(Dân trí) - "Nhiều đề xuất trong dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ được người dân đánh giá là phù hợp với thực tiễn, song cũng cần phải làm điều tra xã hội đầy đủ", độc giả Dân trí bày tỏ.

Những ngày gần đây, dư luận đang bày tỏ sự quan tâm lớn đối với dự thảo Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ, với nhiều đề xuất mới được luật hóa từ các văn bản dưới luật hoặc xuất phát từ thực tiễn đời sống.

Đồng tình nhưng cũng băn khoăn!

Theo đó, tại Điều 9 dự thảo Luật này, Bộ Công an đề xuất trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35m không được ngồi cùng hàng ghế của người lái ô tô con khi tham gia giao thông. Ngoài ra, trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô (trừ ô tô kinh doanh vận tải hành khách).

Bày tỏ ý kiến về quy định "mới" này, anh tuấn Khanh Nguyễn thể hiện sự đồng tình: "Ủng hộ, nhà tôi trẻ con không ngồi ghế trước kể cả khi trống. Ghế sau luôn cài chốt trẻ em bên trái. Trẻ nhỏ không ngồi ghế trước là khuyến cáo từ nhà sản xuất mà tại sao vẫn nhiều người phản đối theo kiểu ngụy biện thế nhỉ". Đồng quan điểm, bạn đọc Luu Dung viết: "Quá tuyệt vời vì trẻ nhỏ không may chạm tay vào thiết bị trên ô tô rất nguy hiểm".

Dự thảo Luật giao thông đường bộ: Đồng tình nhưng cũng nhiều băn khoăn - 1

Nhiều nước trên thế giới cũng có quy định bắt buộc trẻ em dưới 10 hoặc 12 tuổi phải ngồi ở hàng ghế sau (Ảnh: Shutterstock).

"Trẻ em dưới 1m35 cần có ghế chuyên dụng, mà hơn nữa cho trẻ em dưới 10 tuổi ngồi phía trước nguy hiểm tới người lái vì trẻ con rất hay nghịch phá", độc giả Tiểu Bạch chia sẻ.

Tuy nhiên, cũng không ít bạn đọc bày tỏ sự băn khoăn với tính khả thi của điều luật này. Chủ tài khoản VAN THUAN bình luận: "Khi làm một vấn đề gì đó có ảnh hưởng đến nhiều người, nhiều đối tượng thì các cơ quan của chúng ta phải làm điều tra xã hội học đầy đủ. Cần phải làm rõ và có thống kê số lượng tai nạn khi cho em bé ngồi đằng trước chiếm bao nhiêu %. Nói chung là ngồi đằng trước ô tô vẫn an toàn hơn ngồi đằng sau xe máy".

Độc giả Hải Minh thắc mắc: "Vậy mỗi lần tham gia giao thông cùng con lại phải cầm theo giấy khai sinh của chúng để phòng trường hợp bị kiểm tra độ tuổi đúng không ạ? Vì nhiều cháu trên 10 tuổi nhưng lại còi, bé hơn so với tuổi thực".

Dự luật mới cho phép CSGT dừng xe không cần chuyên đề

Tại Điều 61 của dự thảo Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ cũng đưa ra quy định lực lượng CSGT có quyền dừng phương tiện để kiểm tra trong 4 trường hợp cụ thể mà không nhất thiết phải căn cứ vào chuyên đề như trước đây.

Đề xuất này cũng gây ra nhiều tranh luận, bên cạnh những ý kiến thể hiện sự đồng tình, cũng có không ít quan điểm bày tỏ sự lo lắng.

Dự thảo Luật giao thông đường bộ: Đồng tình nhưng cũng nhiều băn khoăn - 2

(Ảnh minh họa: Hoàng Thuận).

Độc giả Do Bui Sy bày tỏ: "Mình là dân đi phượt đã 20 năm nhưng rất ủng hộ luật mới này, cho mấy bạn bớt ảo tưởng sức mạnh đi. CSGT thi hành nhiệm vụ mà cứ phải chịu đựng mấy thành phần hỗn láo, thách thức trêu ngươi, vì ở ta chưa có chế tài đủ mạnh để bảo vệ người thi hành công vụ".

Cùng chung quan điểm, anh Trung Nguyen cho rằng: "CSGT dừng xe xử phạt đúng người đúng lỗi thì rất đồng tình ủng hộ. Người tham gia giao thông nếu vi phạm bị dừng xe xử lý thì chấp hành việc lập biên bản của CSGT để giải quyết theo đúng quy định, bằng cách xin biên bản để thực hiện việc xử phạt sau trên dịch vụ công quốc gia. Để việc thực thi pháp luật nghiêm minh, lực lượng chức năng và người dân phải cùng nhau chấp hành pháp luật".

Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến băn khoăn. Tài khoản khanghan cho rằng: "Thời buổi công nghệ, nên áp dụng camera giám sát trật tự giao thông như các nước bạn, hạn chế việc CSGT phải ra đường".

"Theo tôi xã hội chúng ta phải hướng tới ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân và giảm dần sự giám sát trực tiếp của lực lượng cảnh sát giao thông. Dự luật đang tư duy và khuyến khích lực lượng cảnh sát giao thông phải căng mình, túc trực có mặt trên đường hàng ngày. Buồn quá!", một ý kiến khác đến từ độc giả Phạm Đức Bình.

Tuy nhiên ý kiến này cũng vấp phải sự phản đối của nhiều độc giả khác bởi ý thức tham gia giao thông của người dân chưa cao, buộc lực lượng CSGT phải tham gia điều tiết, kiểm tra tại các điểm nóng.

"Ý thức tham gia giao thông của người dân còn chưa cao, làm sao phụ thuộc vào công nghệ thông tin hoàn toàn được. Khi nào không còn trò che biển, tẩy xóa, làm biển giả, người dân tự giác dừng đèn đỏ kể cả lúc 2h sáng, không lái xe khi có nồng độ cồn... thì CSGT mới không phải ra đường bạn nhé", độc giả Hải Hà

Kế thừa những quy định phù hợp, bổ sung những quy định mới thiết thực!

Trên thực tế, trong những năm gần đây, tình hình trật tự an toàn giao thông ở Việt Nam có nhiều chuyển biến do sự phát triển nhanh chóng của đời sống xã hội, việc cần thiết ban hành một luật mới để điều chỉnh giao thông đường bộ là phù hợp. Song, để một dự luật được thông qua, có hiệu lực và nhanh chóng được người dân tuân thủ, chấp hành, bản thân dự luật đó phải được kế thừa, phát huy từ những quy định cũ vẫn còn hiệu quả và thay thế, bổ sung các quy định mới phù hợp với tình hình tham gia giao thông của người dân.

Dự Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì soạn thảo được đánh giá là có nhiều đề xuất mới trên cơ sở tách một phần từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đang có hiệu lực và luật hóa một số quy định trong các văn bản dưới luật cũng như xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn.

Tuy nhiên, với tâm lý đám đông là e ngại những điều mới thì cũng khó tránh khỏi một số ý kiến chưa đồng tình hoàn toàn với những đề xuất nêu trên. Song, nếu nhìn rộng hơn, việc ban hành các quy định mới sẽ góp phần điều chỉnh hiệu quả tình hình trật tự giao thông, đảm bảo an toàn cho người dân khi lưu thông trên đường.

Nếu kết hợp với việc người dân được giải thích rõ những điểm mới này, có thể sẽ nhận được sự đồng tình nhanh chóng từ xã hội. Từ đây, có thể góp phần đưa những quy định trong dự luật nếu được Quốc hội thông qua vào thực tiễn một cách hiệu quả hơn.

Nguyên Thảo