Bàn về ý thức tham gia giao thông từ đề xuất trừ điểm GPLX của Bộ Công an

PV

(Dân trí) - Theo nhiều độc giả, vấn đề mấu chốt để giảm thiểu vi phạm giao thông là ý thức. Cần chấn chỉnh ý thức bằng các biện pháp giáo dục, thay vì chỉ tập trung vào việc áp dụng các chế tài.

Trong dự thảo báo cáo giải trình một số nội dung của dự Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định trừ điểm giấy phép lái xe (GPLX) đối với người vi phạm luật giao thông. Theo đó, mỗi tài xế có 12 điểm/năm và nếu trong một năm bị mất hết điểm, người đó sẽ phải thi lại GPLX.

Việc trừ điểm đối với các lỗi sẽ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và nguy cơ gây mất an toàn của hành vi vi phạm. Mức trừ điểm cụ thể mỗi lần vi phạm sẽ được quy định cụ thể. Trường hợp GPLX còn điểm sau một năm từ lần trừ điểm gần nhất, lái xe sẽ được phục hồi số điểm ban đầu.

Bàn về ý thức tham gia giao thông từ đề xuất trừ điểm GPLX của Bộ Công an - 1

(Ảnh minh họa: Đ.X.).

Đề xuất trên khi được công bố đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều và tạo ra hai luồng quan điểm ủng hộ - phản đối trong dư luận. Đối với độc giả Phạm Vũ Cảnh, anh thuộc nhóm có ý kiến ủng hộ dự thảo của Bộ Công an.

Người này viết: "Tôi có bằng và lái ô tô gia đình trên 15 năm, hoàn toàn đồng tình với việc trừ điểm bằng lái đối với người vi phạm. Nhưng trước tiên, cần trong sạch đội ngũ, tăng cường giám sát đối với lực lượng CSGT cũng như có thêm các hình thức phạt nguội nhằm đảm bảo sự minh bạch. Bộ Giao thông vận tải cũng phải nghiên cứu, phân loại mức độ lỗi vi phạm để áp dụng trừ điểm. Điều này vừa có tính răn đe, vừa nhằm mục đích giáo dục ý thức người dân".

Cũng thể hiện sự đồng ý, anh Hưởng Võ Đức viết: "Quá đúng, nên có cách để răn đe tài xế, đồng thời gắn trách nhiệm với chủ doanh nghiệp vi phạm. Không thể đổ hết lỗi cho lái xe. Doanh nghiệp phải biết đào tạo văn hóa và kỷ luật cho họ".

"Cần làm sớm việc chấm điểm này. Tôi tin chắc sẽ thay đổi ý thức của lái xe khi tham gia giao thông, buộc họ phải chấp hành nghiêm các quy định", người dùng Dương Trần Thanh viết.

Trong khi đó, với nhiều người khác, họ bày tỏ sự nghi ngờ về tính hiệu quả của đề xuất này. Với chủ tài khoản có tên TikTok, người này cho rằng việc trừ điểm này về bản chất không khác với hình thức phạt bấm lỗ bằng lái đã từng được áp dụng. "Đâu khác bấm lỗ ngày xưa, bản chất hình phạt vẫn vậy, chẳng giải quyết được triệt để vấn đề ý thức của tài xế. Để xử lý vấn đề ý thức tài xế thì phải phạt thật nặng, không bỏ sót và tăng cường phạt nguội", độc giả này nêu ý kiến.

Tương tự, độc giả Tinh Nguyen viết: "CSGT cứ làm đúng chức trách của mình thì mọi thứ sẽ nghiêm thôi. Ai vi phạm thì bị xử phạt, không thể nói chung chung rằng "ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông hiện nay còn kém" như vậy. Như thế là vơ đũa cả nắm".

Còn với độc giả Truong Nguyen, anh cho rằng ý thức mới là vấn đề cốt lõi nhằm nâng cao văn hóa giao thông: "Ý thức đã kém thì dù trừ hết điểm vẫn vi phạm thôi. Việc cần là đưa vào giáo dục và tuyên truyền nâng cao ý thức từ bé. Như vậy may ra mới có thể thay đổi được".

"Từ đề xuất này, tôi thấy rằng các nhà làm luật nước ta đang quá đam mê phạt và quên mất đi các chính sách thưởng. Theo tôi nên áp dụng chính sách theo kiểu "cây gậy và củ cà rốt", ủng hộ việc xử phạt thật nặng, áp dụng thêm các chế tài đối với người vi phạm nhưng cũng nên đề xuất thêm các chế độ ưu đãi, khen thưởng với những người nghiêm túc chấp hành pháp luật như miễn trừ các loại thuế, phí hay giảm mức phí khi sử dụng các dịch vụ an sinh xã hội như bảo hiểm, y tế, giáo dục.

Phải có "củ cà rốt", người dân mới có động lực để quyết tâm, phấn đấu, từ đó tự giác chấn chỉnh ý thức vì những lợi ích của bản thân và cả xã hội. Còn nếu mãi chỉ áp dụng những "cây gậy", người dân sẽ mãi mang trong mình tâm lý tránh né, sợ sệt và tìm cách đối phó lực lượng chức năng thay vì tự giác, nâng cao ý thức bản thân", độc giả Hoàng Linh viết.

Hoàng Diệu (tổng hợp)