Lao ra đường chặn xe, cảnh sát giao thông đang tự gây nguy hiểm cho mình?
(Dân trí) - Các phương tiện đang lưu thông trên đường thì bất ngờ bị cảnh sát giao thông lao ra chặn đầu. Tình huống trên đã gây ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng cho cả CSGT lẫn người tham gia giao thông.
Rất nhiều vụ việc cảnh sát giao thông ra giữa đường chặn xe vi phạm, rồi bị đâm trúng xảy ra gần đây. Vụ việc hai thanh niên cố tình vượt đèn vàng rồi tông trúng một thiếu tá CSGT tại Ninh Bình đã khiến nhiều người lo ngại về sự an toàn của hành động chặn đầu xe vi phạm.
Độc giả Nguyễn Văn Hải băn khoăn, CSGT không biết bảo vệ tính mạng của mình thì làm sao bảo vệ được người khác? Đu bám, chặn đầu xe vi phạm mà không biết tính toán vận tốc cũng như tâm lý của người vi phạm để giữ an toàn cho bản thân.
"Tôi lái xe máy thuộc loại cứng, xe hơi thuộc dạng được nhưng có mấy lần gặp CSGT lao ra giữa dòng xe cộ để chặn bắt xe mà tay lái lảo đảo suýt ngã. Đây là một trong những hành động gây cản trở giao thông mất an toàn cho người khác. Kính mong ngành CSGT quán triệt để bỏ phong cách này", độc giả Hải nêu quan điểm.
Độc giả Lê Tùng cho rằng, phải cấm CSGT đứng ngã tư với chỗ khuất "úp" người vi phạm giao thông. Thật sự rất nguy hiểm và thực tế đã gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông. CSGT phải đi trên đường, nếu phát hiện người vi phạm thì yêu cầu người ta dừng lại. Trường hợp người ta không dừng thì phải quay chụp lại thông tin chuyển về địa phương xử lý.
Tuy nhiên, độc giả Mạnh Hiển lại phản biện rằng, trường hợp trộm xe, chở hàng lậu, hàng cấm thì phương án phạt nguội lại không có tác dụng. Hơn nữa, nếu trong xe có 1-2 kg ma túy được đưa đi tiêu thụ sẽ gây hệ lụy không nhỏ. Bản thân mỗi người là công dân cần phải tuân thủ luật pháp, chuyện cảnh sát có đúng hay sai thời điểm nào đó hãy dừng xe rồi tính.
Đồng quan điểm với độc giả Mạnh Hiển, bạn đọc Lê Đình Phong (Vũ Tông Phan, Hà Nội) cho rằng, mỗi người mỗi nghề đều phải có trách nhiệm với công việc. Bác sĩ có trách nhiệm cứu người bằng mọi giá thì CSGT cũng phải đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.
"Việc ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật gây nguy hiểm cho xã hội là cần thiết. Tình huống xảy ra chỉ trong một tích tắc, mỗi người sẽ đưa ra những cách xử lý của riêng họ. Do đó, chúng ta không nên dẫn chứng ở các nước khác để áp dụng vào hiện trạng Việt Nam", độc giả Phong phân tích.
Hơn nữa, theo anh Đắc Huy (Cầu Giấy, Hà Nội), các quốc gia phát triển đã hoàn thiện về hạ tầng giao thông và kiểm soát giao thông, mật độ giao thông lại thấp nên việc phạt nguội không khó. Ở ta, nếu CSGT không đảm bảo an ninh trật tự, các trường hợp tương tự sẽ tái diễn và có chiều hướng gia tăng.
Thế nhưng, dù CSGT sử dụng biện pháp nghiệp vụ nào thì độc giả Dân trí đều khẳng định nguyên nhân xuất phát từ ý thức của người dân. Việc học bằng lái xe qua loa, đút lót để đỗ phần thi luật, hay sự dung túng của cha mẹ khi để con cái chưa đủ tuổi, chưa có bằng lái vô tư chạy xe đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Ý kiến của bạn về vấn đề này thế nào? Hãy gửi vào khung bình luận bên dưới nhé!