Đối tượng xăm trổ cầm vật giống súng xông vào nhà dân đối diện 3 tội danh?

Hải Hà

(Dân trí) - Theo luật sư, đối tượng cầm vật nghi là súng xông vào nhà anh V., bắn liên tiếp nhiều phát, đồng thời đe dọa các thành viên trong gia đình nạn nhân đối diện 3 tội danh.

Như đã đưa tin, khoảng 17h15 ngày 12/5, camera an ninh của nhà anh Phan C.V. (SN 1983, trú phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) ghi lại cảnh Nguyễn Đức Quý (SN 1983, trú phường Quảng Thọ) bất ngờ xông vào phòng khách, cầm vật nghi là súng bắn nhiều phát. Quý tiếp đó còn dí vật giống súng vào đầu anh V. và người nhà để đe dọa. Một lúc sau, Quý rời đi.

Ông Nguyễn Văn Hữu - Chủ tịch UBND phường Quảng Thọ xác nhận và cho biết sự việc đang được công an làm rõ. Cơ quan chức năng đã bắt khẩn cấp, khám xét nơi ở đối tượng này.

Độc giả Dân trí thắc mắc, với hàng loạt hành vi vi phạm pháp luật nêu trên, đối tượng Quý có thể đối diện những tội danh nào theo quy định của pháp luật?

Luật sư Trần Minh Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết, theo Hiến pháp 2013 và Bộ luật Dân sự 2015, mọi công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Do đó, việc Quý tự ý xông vào nhà anh V. là hành vi vi phạm pháp luật, có dấu hiệu của Tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo Điều 158 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Đối tượng xăm trổ cầm vật giống súng xông vào nhà dân đối diện 3 tội danh? - 1

Đối tượng Quý đe dọa các thành viên trong gia đình anh V. (Ảnh cắt từ clip).

Cụ thể, khoản 1, điều này quy định, người có các hành vi gồm khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác; đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ; chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở, người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ hoặc xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác sẽ bị xử lý hình sự về Tội xâm phạm chỗ ở của người khác.

Khung hình phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Phân tích thêm về tội danh này, luật sư Hùng cho biết, để xác định hành vi có phạm tội không, cần xem xét tới các yếu tố cấu thành của tội phạm. Theo đó, người thực hiện hành vi phạm tội phải là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, phạm tội với lỗi cố ý, hình thức phạm tội đa dạng nhằm hướng tới các mục đích khác nhau như khám xét, đuổi trái pháp luật, chiếm giữ hay xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác.

Đối tượng tác động là chỗ ở hợp pháp của công dân và được pháp luật bảo vệ. Chỗ ở có thể gồm những nơi như nhà ở, ký túc xá, tàu thuyền, phương tiện giao thông (trong trường hợp họ sinh sống trên đó)… và hành vi của đối tượng gây hậu quả là làm cho người khác mất chỗ ở, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt bình thường của họ.

Cùng tham gia bình luận về sự việc, luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, hành vi của Quý đã xâm phạm tới quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân theo Điều 22 Hiến pháp 2013 và sẽ bị xem xét xử lý về tội Xâm phạm chỗ ở của người khác.

"Theo nội dung clip, sau khi xông vào nhà anh V., đối tượng Quý đã dùng vật giống súng bắn nhiều phát rồi dí vào đầu chủ nhà để đe dọa. Như vậy, bên cạnh hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác, cơ quan công an cũng sẽ làm rõ vật đối tượng cầm trên tay có phải súng không? Nếu là súng, đây là vũ khí thô sơ hay vũ khí quân dụng?

Tùy thuộc kết quả xác minh, nếu là vũ khí quân dụng, đối tượng có thể bị xử lý hình sự về Tội tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng theo Điều 304 Bộ luật Hình sự 2015. Nếu là vũ khí thô sơ, tùy thuộc tính chất và mức độ của hành vi vi phạm, Quý có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự về Tội tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí thô sơ theo Điều 306 Bộ luật Hình sự năm 2015", luật sư Tiền cho biết.

Về mức hình phạt, nếu được xác định phạm tội theo Điều 304, đối tượng sẽ đối diện 1-7 năm tù. Trường hợp vật giống súng là vũ khí thô sơ, nếu phạm tội lần đầu, Quý có thể bị xử phạt hành chính về hành vi sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ theo khoản 3, Điều 11 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ với mức phạt tiền là 5-10 triệu đồng.

Nếu đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án về Tội tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí thô sơ, người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt là phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Đối với hành vi dùng vật nghi là súng dí vào đầu chủ nhà, luật sư Trần Xuân Tiền nhìn nhận để xác định hành vi này có phạm tội đe dọa giết người theo Điều 133 Bộ luật Hình sự năm 2015 hay không, cơ quan chức năng sẽ làm rõ những yếu tố cấu thành như sau:

Về hành vi, cần làm rõ đối tượng thực hiện hành vi đe dọa giết bằng lời nói, hành động, cử chỉ... có nhằm mục đích giết người hay không hay chỉ nhằm làm người bị hại phải lo lắng, sợ hãi, hình thành trong tư tưởng rằng người phạm tội sẽ thực hiện hành vi giết người bị hại như đã đe dọa.

Về mặt hậu quả, cần xác định hành động đó có gây nên tâm lý lo lắng, sợ hãi cho người bị hại, khiến người bị hại thật sự tin rằng hành vi đe dọa sẽ được thực hiện hay không.

Theo hướng dẫn tại Chương 2, Nghị quyết số 04-HĐTPTANDTC/NQ của TAND Tối cao, tội đe dọa giết người phải có hai dấu hiệu bắt buộc, đó là có hành vi đe dọa giết người và có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện. Ngoài ra, phải xác định hành vi đe dọa giết người là có thật (nói trực tiếp công khai là sẽ giết, giơ phương tiện như súng, dao đe dọa) và phải xem xét căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ một cách khách quan, toàn diện như: thời gian; hoàn cảnh; địa điểm diễn biến; nguyên nhân sâu xa (nếu có) và trực tiếp của sự việc, mối tương quan giữa bên đe dọa và bên bị đe dọa.

Như vậy, nếu đủ 2 yếu tố cấu thành nêu trên, đối tượng Quý sẽ bị xử lý thêm về Tội đe dọa giết người theo Điều 133 Bộ luật Hình sự năm 2015. Mức phạt đối với hành vi này là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.