Đối tượng hành hung phóng viên Đài Hà Nội có thể đối diện hình phạt nào?

Bảo Khang

(Dân trí) - Theo luật sư, hai đối tượng hành hung phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội khi đang tác nghiệp sẽ bị pháp luật xử lý nghiêm minh, không loại trừ trường hợp xử lý hình sự.

Như đã đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Đống Đa (Hà Nội) đã quyết định tạm giữ hình sự đối với 2 kẻ hành hung phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội.

Cụ thể, đối tượng Phạm Văn Phương (SN 1981, chủ cửa hàng quạt Khánh Phương, ở phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) và Lê Văn Hưng (SN 1984, nhân viên cửa hàng) đã bị tạm giữ hình sự để điều tra hành vi cố ý gây thương tích.

Đối tượng hành hung phóng viên Đài Hà Nội có thể đối diện hình phạt nào? - 1

Phóng viên bị hành hung khi đang tác nghiệp tại khu vực Ô chợ Dừa - nơi không có biển cấm quay chụp (Ảnh: Đài Truyền hình Hà Nội).

Trao đổi về vụ việc này, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư thành phố Hà Hội cho biết, hành vi cản trở hoạt động nghề nghiệp báo chí là hành vi vi phạm pháp luật, bởi căn cứ tại khoản 12 Điều 9 Luật báo chí 2016 quy định về các hành vi bị cấm: "Đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật".

Bên cạnh đó, Điều 7 Nghị định 119/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP quy định về hành vi cản trở trái pháp luật của hoạt động báo chí. Cụ thể, tại khoản 1 Điều này quy định mức xử phạt đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên là phạt tiền từ 10.000.000 - 30.000.000 đồng. 

Trường hợp cá nhân có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp thì cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 - 70.000.000 đồng căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định này. 

Đối với trường hợp đối tượng vi phạm có hành vi dùng lời nói, hành động đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng căn cứ tại khoản 4 Điều này.

Ngoài ra, người vi phạm phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc xin lỗi đối với hành vi vi phạm theo quy định tại khoản 5 Điều này.

Trong trường hợp có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017, Tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự hiện hành.

Theo thông tin từ phóng viên, hai đối tượng có hành vi tấn công, hành hung phóng viên và khi nạn nhân ngã ra đường, các đối tượng vẫn dùng chân đá vào vùng đầu. Vì vậy, trong trường hợp cơ quan điều tra xác minh, xét thấy hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% có tính chất côn đồ, thì đối tượng có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm căn cứ tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017.

Bên cạnh đó, người có hành vi gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm theo quy định tại khoản 1 Điều 318 Bộ luật Hình sự hiện hành.

Trường hợp phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì người phạm tội có thể đối diện với mức hình phạt là phạt tù từ 02 - 07 năm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm