Tài xế xe Porsche chặn đầu, nhổ nước bọt vào xe khác đối diện 3 tội danh?

Hải Hà

(Dân trí) - Theo các luật sư, tài xế xe Porsche có thể đối diện 3 tội danh: Dừng xe, đỗ xe trái quy định gây ùn tắc giao thông; tội Gây rối trật tự công cộng và Xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.

Như đã đưa tin, Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) đã triệu tập tài xế điều khiển ô tô nhãn hiệu Porsche vì hành vi chặn đầu xe khác để chửi bới và nhổ nước bọt trên đường vành đai 3 trên cao.

Trước đó, ngày 11/2, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh một người đàn ông chặn đầu xe ô tô đang di chuyển cùng chiều (phía trước), để chửi bới và nhổ nước bọt.

"Ông chú đi Porsche, đi làn khẩn cấp, khi đường tắc định vào làn xe trong nhưng anh Hyundai không cho vào nên bác Porsche chặn lại khịa luôn, cụ Porsche hơi có mùi dấm ạ", nội dung người đăng tải clip chia sẻ.

Sự việc đã gây ùn tắc cho tuyến đường vành đai 3 trên cao, hướng từ Mai Dịch đi Linh Đàm (Hà Nội).

Tài xế xe Porsche chặn đầu, nhổ nước bọt vào xe khác đối diện 3 tội danh? - 1

Người đàn ông được cho là tài xế xe Porsche liên tục chửi bới tài xế xe Hyundai. (Ảnh cắt từ clip).

Bình luận về sự việc, nhiều độc giả Dân trí mong muốn lực lượng chức năng xử phạt thật nghiêm hành vi của người điều khiển xe Porsche. "Đề nghị CSGT tìm cho ra tài xế này, phạt thật nặng các lỗi đã vi phạm và xử luôn cả hành vi làm nhục người khác cho chừa cái thói hung hăng", độc giả Đăng Minh viết.

Trao đổi với phóng viên về vụ việc, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội cho biết, văn hóa giao thông được biểu hiện bằng hành vi xử sự đúng pháp luật, theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, không ít các trường hợp chỉ va chạm nhẹ về phương tiện khi tham gia giao thông nhưng vì cư xử, ứng xử thiếu văn hóa nên dẫn đến xô xát, gây ra mâu thuẫn lớn.

Trong vụ việc trên, chưa đề cập tới nguyên nhân gây mâu thuẫn giữa hai tài xế, nhưng hành vi chặn xe, chửi bới, thậm chí nhổ nước bọt vào người khác, gây ùn tắc giao thông là hành vi thiếu văn hóa khi tham gia giao thông và thậm chí vi phạm pháp luật khi làm nhục người khác.

Tùy vào tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi mà người tài xế xe Porsche có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Theo đó, hành vi chửi bới, nhổ nước bọt vào mặt người đi đường của người tài xế lái xe Porsche có thể được coi là cử chỉ xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng - 3.000.000 đồng, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 21 và Điều 54 Nghị định này.

Tuy nhiên, để có thể xác định liệu người đàn ông có bị xử lý hình sự vì hành vi này hay không thì cần phải xem xét mức độ nguy hiểm, tính nghiêm trọng của hành vi và mức độ ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe của nạn nhân do hành vi chửi bới, nhổ nước bọt của người đàn ông gây ra.

Nếu có đủ căn cứ chứng minh hành vi của người lái xe Porsche mang tính chất xúc phạm rất lớn, có khả năng gây sát thương cao đối với danh dự, uy tín, lòng tự trọng, tự tôn, bản ngã của nạn nhân, có thể dẫn đến hậu quả không thể lường trước được, làm người bị xúc phạm tức giận dẫn đến cố ý gây thương tích, hoặc tự sát, hoặc ảnh hưởng đến cuộc sống của người bị xúc phạm thì người lái Porsche sẽ bị truy cứu trách nhiệm về Tội làm nhục người khác quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Theo đó, người tài xế lái Porsche có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt nhẹ nhất là cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng - 30.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ và nặng nhất là có thể bị xử phạt đến 05 năm tù. Ngoài ra còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.   

Chặn đầu xe khác gây ùn tắc giao thông, bị xử tội gì?

Hành vi chặn đường, chặn đầu xe khác của tài xế ô tô Porsche đã gây ùn tắc, cản trở giao thông. Hành vi này của tài xế Porsche có thể đối diện 2 tội danh: dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe trái quy định gây ùn tắc giao thông và tội Gây rối trật tự công cộng.

Luật sư Tiền cho biết, đối với hành vi dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe trái quy định gây ùn tắc giao thông có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng theo Điểm đ Khoản 4 Điều 5 Nghị định 100/2019/ NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP. 

Trong trường hợp do dừng xe trên cao tốc mà gây ra hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản thì người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về giao thông đường bộ căn cứ quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Theo đó, căn cứ vào giá trị tài sản bị thiệt hại, thiệt hại về người thì người vi phạm có thể phải đối diện với mức hình phạt thấp nhất là bị phạt tiền từ 30.000.000 - 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 - 05 năm; cao nhất là 7 - 15 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Về tội Gây rối trật tự công cộng trong trường hợp này, Luật sư Nguyễn Thị Xuyến, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, đây là hành vi vi phạm quy tắc xử sự được đặt ra cho mỗi công dân ở nơi công cộng, xâm phạm tình trạng ổn định trong sinh hoạt chung của xã hội. Là các hành vi xâm phạm đến con người, đến quyền hoặc lợi ích hợp pháp của họ hoặc xâm hại đến quyền sở hữu và diễn ra tại nơi công cộng.

Hành vi gây rối trật tự công cộng tùy theo mức độ vi phạm có thể sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 7 của Nghị định 144/2021/NĐ-CP, theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, ở mức độ nghiêm trọng trên thì hành vi của tài xế Porsche có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng được quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:

"Điều 318. Tội gây rối trật tự công cộng

Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Có tổ chức; b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; d) Xúi giục người khác gây rối;

đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;

e) Tái phạm nguy hiểm".

Trong vụ việc này, về mặt khách quan, người lái xe Porsche phạm tội gây rối trật tự công cộng, thực hiện hành vi gây rối bằng nhiều phương thức khác nhau như: tập trung đông người ở nơi công cộng gây náo động làm mất trật tự công cộng… những nơi tập trung đông người.

Và hậu quả của hành vi gây rối trật tự công cộng là thiệt hại vật chất và phi vật chất được xác định là nghiêm trọng cho xã hội khi cả trục đường vành đai 3 bị ùn tắc. Theo đó, hậu quả xảy ra mà thuộc một trong các trường hợp sau đây bị coi là "gây hậu quả nghiêm trọng" và phải chịu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự: Cản trở, ách tắc giao thông đến dưới 2 giờ…

Đồng thời, hành vi của người này còn xâm phạm về mặt khách thể được pháp luật hình sự bảo vệ: xâm phạm đến trật tự, an toàn công cộng trên đường cao tốc, ảnh hưởng tới thời gian, công việc… của những người xung quanh.

Để xác minh tính chất hành vi phạm tội có nghiêm trọng và thỏa mãn được quy định của điều 318 Bộ luật Hình sự hiện hành thì cơ quan công an phải vào cuộc xác minh làm rõ.