Đối tượng mua nhà ở xã hội là người thu nhập thấp: Liệu có còn phù hợp?

PV

(Dân trí) - Theo luật sư, việc sửa đổi đối tượng được mua nhà ở xã hội thành: "Những người có tích lũy nhưng không đủ điều kiện tiếp cận với nhà ở thương mại" cũng là một ý kiến mà các nhà làm luật có thể lưu tâm

Những năm gần đây, nhu cầu về nhà ở xã hội (NOXH) ngày càng tăng cao, nhất là tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, các dự án NOXH dù nhận được nhiều sự quan tâm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng nhưng đà phát triển vẫn chưa đáp ứng được tính cấp thiết về nhu cầu "an cư" của người dân.

Một mặt là do nhiều chủ đầu tư không còn "mặn mà" với các dự án NOXH, mặt khác là do một trong các tiêu chí để được mua hiện nay là điều kiện về thu nhập của đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách mua NOXH đang gặp phải một số vướng mắc trong thực tiễn.

Gửi bình luận về bài viết Siết người thu nhập 11 triệu đồng/tháng mua nhà ở xã hội có cần thiết? , độc giả Nguyễn Quang Vinh chia sẻ: "Quy định về thu nhập để mua NOXH là không ổn, nhiều người chả có thu nhập nộp thuế họ vẫn có tiền mua nhà đất. Chúng ta chưa quản lý tốt nguồn tiền nên việc quy định này không ổn. Với chi phí cuộc sống bây giờ, thu nhập 11 - 15 triệu/tháng ở thành phố khó tích lũy được để trả góp tiền nhà hàng tháng".

Đối tượng mua nhà ở xã hội là người thu nhập thấp: Liệu có còn phù hợp? - 1

Khu nhà ở xã hội Định Hòa, phường Định Hòa (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) do Tổng Công ty Becamex IDC thực hiện (Ảnh: Hải Long).

Chủ tài khoản Quốc Hùng Châu Đình bày tỏ: "Người không nộp thuế dù có suất mua nhà thì họ cũng không thể mua nhà, và ngược lại. Giàu nghèo không phân định người đó có thu nhập bao nhiêu đâu". Bên cạnh đó, bạn đọc có tên Hien Hai cũng bộc bạch: "Thu nhập 20 triệu một tháng, nếu có gia đình không biết mua nổi NOXH, chứ đừng nói đến người thu nhập thấp dưới 11 triệu. Nên sửa luật bám vào đời sống xã hội".

"Căn cứ vào thu nhập thì bất khả thi. Dựa vào đâu, cơ sở nào để chứng minh chính xác được thu nhập của một người một cách khách quan?", bạn đọc có nickname T.M.N.com viết.

Bất cập trong việc xác định đối tượng được mua nhà ở xã hội

Trao đổi với phóng viên Dân trí, luật sư Đinh Thị Kim Liên (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, người thu nhập thấp được hiểu là người làm việc tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có mức thu nhập không phải đóng thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật. Dưới góc độ của Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, có thể hiểu đơn giản người thu nhập thấp là người có thu nhập trung bình hàng tháng dưới mức 11 triệu đồng.

Theo Điều 49 Luật Nhà ở 2014, người thu nhập thấp là một trong những đối tượng được mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, đây chỉ là "điều kiện cần". Còn để có "điều kiện đủ", người thu nhập thấp cần đáp ứng những quy định như sau:

Thứ nhất, chưa có nhà ở thuộc sở hữu bản thân, chưa được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội hay được hưởng các chính sách hỗ trợ khác về nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật;

Thứ hai, phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố nơi có nhà ở xã hội. Nếu không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại địa phương này;

Thứ ba, phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định pháp luật.

Bình luận về các quy định trên, luật sư Liên nhìn nhận các quy định của pháp luật liên quan tới thu nhập của người dân hiện còn bộc lộ những bất cập. Bởi lẽ, cơ chế quản lý thu nhập thực tế của người dân hiện nay còn nhiều "lỗ hổng" khi ngoài thu nhập cố định chịu sự quản lý của Nhà nước, nhiều cá nhân còn có các nguồn thu nhập khác mà chưa có biện pháp thống kê chính xác để tính tổng thu nhập đối với các trường hợp này.

Từ đó, hệ lụy có thể dẫn đến là việc người có tổng thu nhập hàng tháng trên 11 triệu đồng vẫn có thể được mua nhà ở xã hội khi họ kê khai không trung thực đối với các khoản thu của bản thân.

Còn với những trường hợp thực sự là "người thu nhập thấp", họ lại gặp khó trong việc mua loại nhà ở mang tính nhân văn này bởi dù đáp ứng đủ điều kiện về pháp lý để mua nhà, họ lại không đủ tài chính tích lũy để sở hữu căn hộ cho bản thân. Nhưng đến khi nỗ lực làm việc để cải thiện thu nhập cho bản thân, song vượt quá mức 11 triệu đồng/tháng, họ lại không còn thuộc nhóm đối tượng được mua nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật hiện hành.

Nên sửa luật để phù hợp hơn với người dân và cơ chế thị trường hiện nay?

Luật Nhà ở hiện hành quy định đối tượng được mua nhà ở xã hội là những người có thu nhập thấp với điều kiện mức thu nhập không phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Vì vậy theo luật sư Liên, quy định này cần có sự sửa đổi để phù hợp hơn với cơ chế thị trường hiện nay.

"Bởi lẽ, trên thực tế, có những người nộp thuế với khoản thu nhập trên 11 triệu đồng chưa hẳn là những người có thu nhập cao vì sau khi trừ đi các khoản chi tiêu trong cuộc sống, việc người lao động có thể tích góp để mua được nhà ở thương mại là rất khó khăn. Tuy nhiên, họ cũng không thuộc đối tượng được mua nhà ở xã hội", luật sư Liên bình luận.

Theo bà Liên, nhà ở xã hội không phải để bán cho người giàu nhưng bên cạnh các đối tượng có thu nhập thấp (dưới mức phải đóng thuế thu nhập cá nhân) như quy định của pháp luật hiện hành thì cũng cần hướng đến những đối tượng có thu nhập thuộc diện phải đóng thuế, có tích lũy song không tiếp cận được với nhà ở thương mại.

Bởi vậy, việc sửa đổi đối tượng được mua nhà ở xã hội thành: "Những người có tích lũy nhưng không đủ điều kiện tiếp cận với nhà ở thương mại" cũng là một ý kiến mà các nhà làm luật có thể lưu tâm để thay đổi điều kiện phụ thuộc vào mức thu nhập của cá nhân và phù hợp hơn với cơ chế thị trường hiện nay.

Nguyên Thảo