Đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng: Đúng luật nhưng không hợp lý ở điểm nào?
(Dân trí) - Sự việc một thợ điện Nguyễn Cà Rê (ngụ Cần Thơ) vừa bị phạt 90 triệu đồng vì hành vi đem 100USD đi bán cho 1 tiệm vàng ở cùng địa bàn đã khiến không ít người dân quan tâm.
Vào ngày 23/10, UBND TP Cần Thơ đã có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 90 triệu đồng đối với ông Nguyễn Cà Rê (38 tuổi, ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều) vì đã mang đổi 100 USD tại tiệm vàng. Đồng thời, ông Rê còn bị tịch thu gần 2,3 triệu đồng đã đổi được.
Theo lời khai của ông Rê, 100 USD là tiền của người thân gửi cho. Cuối năm 2017, ông mang đến tiệm vàng đổi thì bị lực lượng chức năng bắt quả tang. Sau nhiều lần làm việc, đến ngày 13/8, cơ quan chức năng mới có biên bản vi phạm.
Với tiệm vàng, UBND TP Cần Thơ cũng phạt 295 triệu đồng vì nhiều vi phạm, trong đó có việc nhận đổi 100 USD của ông Rê; đồng thời tịch thu số ngoại tệ đã đổi.
Trước thông tin này, nhiều người phản ứng vì việc người dân đi đổi ngoại tệ với số lượng nhỏ tại các tiệm vàng diễn ra rất phổ biến và hầu hết mọi người đều không biết là các tiệm vàng này có hay không có giấy phép được tổ chức thu đổi ngoại tệ. Người dân cũng không có quyền yêu cầu các địa điểm này trưng ra giấy phép cho họ kiểm tra.
Dân trí đã có buổi trao đổi cùng luật sư Nguyễn Đức Chánh (Giám đốc hãng luật DC Counsel) và luật sư Lê Ngọc Lam Điền về vấn đề này.
Bị phạt 90 triệu đồng vì bán 100USD tại tiệm vàng, hợp lý không? (Clip: Nguyễn Quang)
Thưa luật sư Nguyễn Đức Chánh, việc UBND TP Cần Thơ xử phạt 90 triệu đồng đối với cá nhân đi đổi 100 USD tại tiệm vàng là có đúng quy định pháp luật hay không?
Luật sư Nguyễn Đức Chánh:
Tại khoản a, điểm 3, Điều 24, Nghị định 96/2014 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có quy định: "Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ... ".
Do đó, việc UBND TP Cần Thơ xử phạt 90 triệu đồng đối với cá nhân đi đổi 100 USD tại tiệm vàng không có chức năng thu đổi ngoại tệ là đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, nếu căn cứ cụ thể vào trường hợp này thì rõ ràng là đúng luật nhưng chưa hợp lý.
Cụ thể đúng luật nhưng chưa hợp lý là như thế nào, thưa luật sư Nguyễn Đức Chánh?
Luật sư Nguyễn Đức Chánh:
Tức là họ vận dụng đúng quy định pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể này chưa hợp lý vì 2 lý do.
Thứ nhất là nhiều người dân không hề biết có quy định bắt buộc phải đổi ngoại tệ tại nơi được phép tổ chức thu đổi ngoại tệ. Đặc biệt là người lao động bình thường, thỉnh thoảng mới có nhu cầu đi đổi ngoại tệ với số lượng nhỏ, họ thường tìm đến các cơ sở như tiệm vàng để đổi cho thuận tiện. Vả lại, người dân cũng không thể yêu cầu nơi thu đổi ngoại tệ phải trưng ra giấy phép, mà quy định pháp luật cũng không yêu cầu đơn vị thu đổi ngoại tệ phải công khai giấy phép tại nơi tổ chức thu đổi ngoại tệ cho người dân được biết. Nhưng pháp luật nước ta thì xử phạt bất cứ ai vi phạm, dù người đó không biết hành vi này là vi phạm pháp luật. Điều này bất hợp lý đối với các lĩnh vực pháp luật chuyên ngành như tài chính.
Thứ 2, quy định này nhằm kiểm soát việc thu đổi ngoại tệ trái phép của các tổ chức là chính nên việc xử phạt cá nhân đi đổi ngoại tệ với số tiền lên đến 90 triệu đồng là quá bất hợp lý. Số tiền đó có thể là không đáng kể đối với các đơn vị thực hiện dịch vụ thu đổi ngoại tệ, nhưng nó quá lớn so với thu nhập bình quân của người lao động bình thường có nhu cầu đi đổi ngoại tệ. Ở trường hợp này, xử phạt tiệm vàng là đúng vì họ biết họ không được phép nhưng vì lợi nhuận họ vẫn làm. Họ gian dối khách hàng để thực hiện hành vi này. Nhưng cá nhân người dân thì khó biết tiệm vàng có chức năng thu đổi ngoại tệ hay không, ít người biết việc đổi ngoại tệ tại nơi không được cấp phép là vi phạm pháp luật.
Thưa luật sư Lê Ngọc Lam Điền , theo quy định trong Luật có quy định cụ thể nếu người dân bán (quy đổi) từ ngoại tệ ra tiền Việt Nam ở mức là bao nhiêu sẽ là phạm pháp? Và mức phạt có tuỳ thuộc vào tổng giá trị của giao dịch bán (hoặc quy đổi) ngoại tệ, thưa Luật sư?
Luật sư Lê Ngọc Lam Điền :
Căn cứ vào điểm a, khoản 3, điều 24, Nghị định 96 thì: phạt tiền từ 80 – 100 triệu đồng đối với hành vi “Mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ”. Ở đây điều luật không quy định mức tối thiểu hoặc mức tối đa của số ngoại tệ giao dịch, mà chỉ quy định xử phạt về hành vi vi phạm. Do đó, chỉ cần phát sinh hành vi vi phạm là sẽ bị xử lý.
Điều luật không quy định về giá trị giao dịch mà chỉ quy định về hành vi vi phạm và mức xử phạt. Do đó, khi phát sinh hành vi vi phạm thì sẽ bị xử phạt trong khung này, bất kể giá trị giao dịch là bao nhiêu.
Thưa luật sư Nguyễn Đức Chánh, trong trường hợp này có thể xử lý cơ sở thu đổi ngoại tệ là lừa đảo hay không? Hay cửa hàng phải chịu trách nhiệm về hành vi sai phạm của họ dẫn đến thiệt hại cho khách hàng là bị xử phạt đến 90 triệu đồng?
Luật sư Nguyễn Đức Chánh:
Đây là 1 giao dịch dân sự bình thường, chủ cơ sở nhận ngoại tệ và trả lại tiền đồng Việt Nam cho khách hàng nên không thể nói là lừa đảo. Chỉ có thể nói là gian dối trong kinh doanh vì họ không được phép tổ chức thu đổi ngoại tệ nhưng họ vẫn thực hiện.
Còn nếu khách hàng chứng minh được hành vi gian dối của chủ cơ sở và chứng minh được thiệt hại của mình vì hành vi gian dối đó thì hoàn toàn có thể kiện ra tòa để đòi bồi thường. Nhưng đó là 1 vụ án dân sự khác.
Thưa luật sư Nguyễn Đức Chánh, theo ông thì quy định xử phạt cá nhân đổi ngoại tệ tại nơi không được cấp phép tổ chức thu đổi ngoại tệ là bất hợp lý, vậy ông có kiến nghị gì để giải quyết vấn đề này không?
Luật sư Nguyễn Đức Chánh:
Quy định là chết, con người là sống. Quy định pháp luật nói chung cũng là do con người soạn ra để điều chỉnh các hành vi xã hội. Do đó, khi nó không phù hợp với đời sống thì nên điều chỉnh, sửa đổi lại cho phù hợp. Cụ thể ở đây là Ngân hàng Nhà nước - đơn vị quản lý nhà nước về lĩnh vực tài chính, phải có kiến nghị để Chính phủ sửa đổi quy định này cho phù hợp hơn với thực tế.
Thưa luật sư Lê Ngọc Lam Điền, vậy trong trường hợp anh Rê đến tiệm vàng nhưng không bán 100USD này, mà dùng 100USD để mua vàng hay nữ trang. Sau đó, anh ấy lại bán số nữ trang này để lấy tiền, thì có vi phạm luật hay không?
Luật sư Lê Ngọc Lam Điền:
Pháp lệnh ngoại hối số 28/2005/PL-UBTVQH ngày 13/12/2005 quy định: "Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các giao dịch với tổ chức tín dụng, các trường hợp thanh toán thông qua trung gian gồm thu hộ, ủy thác, đại lý và các trường hợp cần thiết khác được Thủ tướng Chính phủ cho phép".
Như vậy, người dân đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam không được sử dụng ngoại tệ để giao dịch. Những hoạt động mua bán, trao đổi ngoại tệ chỉ được thực hiện tại những đơn vị được Nhà nước cho phép.
Thưa luật sư Lê Ngọc Lam Điền, giả sử sau trường hợp anh Rê, người dân không đến bán ngoại tệ nữa, mà họ tặng cho chủ tiệm vàng 1 tờ ngoại tệ thuộc sở hữu của họ và sau đó tiệm vàng tặng lại họ 1 số tiền quy đổi tương đương thì có vi phạm Nghị định 96/2014 NĐ-CP hay không?
Luật sư Lê Ngọc Lam Điền:
Việc cho tặng ai đó tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình là quyền của công dân, miễn đó là tài sản mà không bị cấm trao đổi, giao dịch theo luật định.
Do vậy, nếu anh Rê đến tiệm vàng (nơi chưa có phép được mua bán/trao đổi ngoại tệ) và cho chủ tiệm 1 tờ 100USD. Và sau đó, 1 nhân viên của tiệm vàng cho anh Rê một số tiền tương đương (mà số tiền này không thể hiện lấy từ quầy ngân quỹ của tiệm vàng) thì vẫn không trái pháp luật và không thuộc đối tượng bị điều chỉnh bởi Nghị định 96/2014 NĐ-CP.
Tất nhiên, việc nhận tài sản cho/tặng sẽ bị nộp thuế Thu nhập cá nhân, nếu giá trị tài sản được cho tặng thuộc ngưỡng thu nhập chịu thuế.
Từ thực tế này, phát sinh ra một khía cạnh khác mà thiết nghĩ cơ quan quản lý nhà nước cũng cần quan tâm: Người dân có được tuyên truyền hay phổ biến về việc không được phép mua bán ngoại tệ ở những nơi không được/chưa được cấp phép để thực hiện hoạt động ngoại hối chưa? Khi người dân không được biết về pháp luật thì trách nhiệm thuộc về ai?
Thực tế, việc tuyên truyền pháp luật đến người dân còn nhiều hạn chế và hoạt động phổ cập kiến thức pháp luật không được xem trọng. Nếu làm 1 khảo sát nhỏ trong dân chúng sẽ thấy rõ rất ít công dân biết rằng việc đem ngoại tệ đến một nơi không được nhà nước cấp phép mua bán trao đổi ngoại tệ để bán là vi phạm pháp luật và việc xác định 1 nơi có được nhà nước cấp phép cho mua bán/trao đổi ngoại tệ hay không, dường như là 1 yêu cầu quá sức đối với 1 người dân bình thường.
Do vậy, nên chăng chính quyền cần có những hoạt động phổ biến tuyên truyền pháp luật thực tế hơn là những buổi tuyên truyền pháp luật mang nặng tính hình thức. Và nên chăng có những quy định khắt khe hơn về việc phải niêm yết công khai ở một mức độ cụ thể về một doanh nghiệp/đơn vị kinh doanh có được nhà nước cấp phép mua bán, trao đổi ngoại tệ hay không để tránh cho người dân không phải vi phạm pháp luật vì thiếu thông tin?
Xin cám ơn các luật sư về buổi trao đổi này!
Bài: Việt Khuê - Tùng Nguyên
Clip + hình ảnh: Nguyễn Quang