Điều cần biết về quyền kháng cáo từ vụ tranh chấp vé số 2 tỷ đồng
(Dân trí) - Theo luật sư, đương sự chỉ có thể kháng cáo nếu tòa án giải quyết tranh chấp bằng bản án. Trường hợp giải quyết bằng quyết định của tòa án, đương sự không có quyền kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm.
Như Dân trí thông tin, TAND thị xã Hương Thủy (TP Huế) đã thụ lý hồ sơ khởi kiện của bà Nguyễn Thị Nguyệt (54 tuổi, ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) về việc yêu cầu tòa án giải quyết, buộc Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Thừa Thiên Huế phải trả cho bà Nguyệt số tiền 2 tỷ đồng từ tờ vé số trúng thưởng đặc biệt.
Trước đó, bà Nguyệt là người mua 2 tờ vé số và trúng giải với giá trị lần lượt là 2 tỷ đồng và 50 triệu đồng. Tuy nhiên, do tờ vé số trúng giải đặc biệt trị giá 2 tỷ đồng bị ướt mưa, công ty xổ số không chấp nhận trả thưởng nên bà Nguyệt đã khởi kiện, yêu cầu tòa án giải quyết. Về phía công ty xổ số, đại diện doanh nghiệp cho biết nếu Tòa án xác định tờ vé số là hợp lệ, doanh nghiệp sẽ trả thưởng cho khách hàng và không kháng cáo.
Từ vụ việc trên, nhiều người đặt câu hỏi về quyền kháng cáo của đương sự trong các vụ án dân sự ra sao, và đối với những trường hợp nào, đương sự có thể kháng cáo.
Luật sư Trần Hoàng Linh (Công ty Luật Bizlawyer & Partners, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết theo Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, kháng cáo là một trong các quyền của đương sự nhằm yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại nội dung bản án sơ thẩm, đảm bảo vụ án được giải quyết một cách toàn diện, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự theo quy định của pháp luật.
Theo Điều 271 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, người có quyền kháng cáo bao gồm đương sự (nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan), người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện. Đối tượng có thể bị kháng cáo bao gồm bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự và quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm.
Như vậy, quyền kháng cáo là một trong các quyền hợp pháp của đương sự trong vụ án dân sự. Tuy nhiên, không phải trong trường hợp nào, những người tham gia tố tụng cũng có thể kháng cáo.
Cụ thể, luật sư cho biết trong các tranh chấp dân sự thông thường, sau khi xem xét và thụ lý hồ sơ khởi kiện, Tòa án sẽ tiến hành hòa giải giữa các bên thông qua các buổi hòa giải và hòa giải, công khai tài liệu, chứng cứ. Khi đó, có thể xảy ra 2 tình huống như sau:
Thứ nhất, nếu các bên có thể thống nhất quan điểm và đồng ý hòa giải, căn cứ Điều 212 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, thẩm phán sẽ lập biên bản hòa giải thành giữa các đương sự. Sau thời hạn 7 ngày từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến, thẩm phán sẽ ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Quyết định sẽ chỉ được đưa ra nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án.
Theo Điều 213 Bộ luật này, Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm và có hiệu lực, giá trị thi hành tương đương Bản án có hiệu lực của Tòa án.
Tuy nhiên, Quyết định này có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu có căn cứ cho rằng sự thỏa thuận đó là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hoặc vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội.
Như vậy, nếu trường hợp tranh chấp được giải quyết bằng một Quyết định của Tòa án, đương sự sẽ không thể kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm.
Thứ hai, nếu các bên không thể thỏa thuận thông qua các phiên hòa giải, Tòa án sẽ đưa vụ án ra xét xử và giải quyết bằng một Bản án sơ thẩm. Đối với trường hợp này, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, đương sự có quyền kháng cáo để yêu cầu xem xét lại các nội dung mà họ không đồng ý được ghi nhận tại Bản án sơ thẩm.
Trường hợp kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp sơ thẩm sẽ yêu cầu người kháng cáo trình bày rõ lý do và xuất trình tài liệu, chứng cứ (nếu có) để chứng minh lý do nộp đơn kháng cáo quá hạn là chính đáng. Khi đó, Tòa án cấp phúc thẩm sẽ xem xét có giải quyết kháng cáo quá hạn hay không.
Trường hợp đơn kháng cáo chưa đúng quy định tại Điều 272 của Bộ luật này, Tòa án cấp sơ thẩm sẽ yêu cầu người kháng cáo làm lại hoặc sửa đổi, bổ sung đơn kháng cáo.
Việc trả lại đơn kháng cáo sẽ được thực hiện nếu người kháng cáo không có quyền kháng cáo; người kháng cáo không làm lại đơn kháng cáo hoặc không sửa đổi, bổ sung đơn kháng cáo theo yêu cầu của Tòa án hoặc không nộp án phí phúc thẩm trong thời hạn tòa án yêu cầu.