"Diện tích hồ nội đô ngày càng ít, sự biến mất này là do đâu?

Hoàng Diệu

(Dân trí) - "Ai cũng biết diện tích hồ, không gian công cộng khu nội đô rất ít, nhưng hàng năm vẫn bị cắt xén. Vậy sự biến mất như vậy là do đâu?", băn khoăn của nhiều độc giả Dân trí.

Những ngày qua, thông tin liên quan tới việc hồ Đống Đa (hồ Hoàng Cầu) trên địa bàn quận Đống Đa (Hà Nội) được quây rào để thực hiện dự án cải tạo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật cảnh quan đô thị hồ và bị nhà thầu san lấp khoảng 6.500m2 diện tích mặt hồ thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân thủ đô.

Theo chỉ huy trưởng tại công trường, đơn vị thi công và chủ đầu tư đã nghiên cứu nhiều phương án tập kết vật liệu quanh hồ nhưng không khả thi nên phải tạm lấp lòng hồ để phục vụ thi công dự án. Việc lấp tạm như vậy đã được Sở Xây dựng và Công ty Thoát nước Hà Nội chấp thuận.

Sau khi dự án hoàn thiện, nhà thầu sẽ hoàn trả nguyên trạng diện tích mặt hồ. 

Diện tích hồ nội đô ngày càng ít, sự biến mất này là do đâu? - 1

Một phần lòng hồ Hoàng Cầu bị lấp để làm nơi tập kết vật liệu (Ảnh: Bạch Huy Thanh).

Bất chấp những lời giải thích, phần lớn người đọc vẫn tỏ ra bất bình trước cách giải quyết như trên của chủ đầu tư. Gửi ý kiến bình luận (comment), độc giả Phan Trọng viết: "Công viên hồ Hoàng Cầu dành cho người dân mà giờ đây họ còn sẵn sàng đuổi gia đình nào đưa trẻ vào chơi.

Cả cái công viên phục vụ người dân khu vực này, giờ thành tài sản riêng của công ty, vô lý một cách trắng trợn trong khi người dân thiếu đi không gian để vui chơi". 

"Tôi ủng hộ cách làm của thành phố Hà Nội. Ai cũng biết diện tích hồ, không gian công cộng khu nội đô rất ít, nhưng hàng năm vẫn bị cắt xén. Vậy sự biến mất như vậy là do đâu?", độc giả Vu Ba Tien đặt câu hỏi ẩn ý. 

"Tôi ủng hộ việc đề xuất thu hồi đất theo nguyện vọng của người dân và lãnh đạo thành phố. Đừng chỉ nhìn vào cái trước mắt, họ lấp hồ và sau đó sẽ biến tướng thành một dãy nhà kinh doanh bên hồ. Nếu lãnh đạo Hà Nội không cương quyết, họ sẽ nhờn mặt, khiến người dân mất lòng tin. Nên xử lý nghiêm  vụ này", anh Tạ Viết Thọ cảnh tỉnh. 

Việc 6.500m2 hồ Hoàng Cầu bị "tạm lấp" khiến nhiều người lập tức liên tưởng tới trường hợp của hồ Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội) trước đây. Anh Nguyễn Thế Trung bình luận: "Sớm hay muộn thì việc lấp hồ cũng gây ra biến tướng và sẽ có một công trình nào đó được xây dựng trên phần đất này. Trước đây, hồ đoạn đối diện số 87 Láng Hạ cũng vậy, họ lấp hồ xong giờ là cả một tòa nhà văn phòng được xây lên". 

"Ngay cả khi thi công những trụ cầu của dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, một dự án trọng điểm với thành phố mà người ta còn không đề xuất lấp một phần hồ để thi công và tập kết vật liệu, thì việc cải tạo hồ lấy lý do gì để lấp hồ làm chỗ tập kết? Trong khi diện tích công viên đảo hồ Hoàng Cầu đang cho thuê làm nhà hàng tiệc cưới bao năm chưa thu hồi lại được, sao không dùng ngay diện tích đó để tập kết vật liệu", anh Hoàng Long đặt câu hỏi. 

"Hà Nội hiện nay hàng quán quá nhiều và nhếch nhác, trong khi lại thiếu công viên và lối đi bộ cho người dân. Nếu lấp hồ vì mục đích phục vụ xây dựng thì cần có cam kết thời gian hoàn trả mặt bằng, nhưng nhìn cách bố trí như này thì có vẻ nhà đầu tư đã có một chiến lược sử dụng lâu dài hơn là một kế hoạch ngắn hạn, tạm thời", độc giả Tran Nga có chung sự quan ngại.

Diện tích hồ nội đô ngày càng ít, sự biến mất này là do đâu? - 2

Đơn vị thi công đóng cọc cừ để xây dựng đường dạo ven hồ (Ảnh: Huy Thanh).

Từ câu chuyện lấp hồ, nhiều người đề xuất UBND TP Hà Nội thu hồi diện tích đất quanh hồ để xây dựng công trình phục vụ mục đích sử dụng chung của người dân. Anh Hiếu Duy gợi ý: "Lại chuẩn bị xây một công trình kiên cố gì đây chăng mà lấp hồ nhiều vậy? Đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo giải phóng mặt bằng Khu bán đảo, làm khu thể thao công cộng thay vì cho thuê nhà hàng". 

"Sợ nhất là xây xong rồi biến tướng cho thuê nhà hàng, trung tâm tiệc cưới, văn phòng, quán ăn, rồi sau đó cơi nới, phá hỏng hết quy hoạch, trông nhếch nhác, mất mỹ quan, mất vệ sinh vô cùng. Tôi thấy quá ngán kiểu phố đi bộ, phố ẩm thực như hiện nay. Cứ nhìn phố Tống Duy Tân ở Hoàn Kiếm, ngoài cổng ghi phố ẩm thực, bên trong không có gì khác biệt, hàng quán vẫn lôm nhôm như trước. Không nên để phố ẩm thực hay kinh doanh, cần trả lại không gian xanh để người dân có thể sinh hoạt chung tại đây", chủ tài khoản Tommy tiếp lời. 

"Hà Nội giờ mưa to là ngập thì mới thấy giá trị của ao hồ và mương tiêu nước, chứa nước. Cứ đô thị hóa mạnh mà không có phương án cải tạo gìn giữ các hồ, ao thì sau này con cháu thế hệ sau lãnh đủ", độc giả Tam Nguyen bức xúc. 

Nhiều độc giả cùng chung nỗi niềm băn khoăn: "Ai cũng biết diện tích hồ, không gian công cộng khu nội đô rất ít, nhưng hàng năm vẫn bị cắt xén. Vậy sự biến mất như vậy là do đâu?".