Chiếc Rolls-Royce và giá trị của văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Văn hóa ứng xử luôn hết sức quan trọng. Đôi khi, thái độ tốt có thể thay đổi số phận pháp lý, thậm chí cả cuộc đời của một con người.

Những ngày qua, sự việc siêu xe Rolls-Royce lõm cánh cửa sau cú tông của chiếc Hyundai Kona trên phố Lê Thánh Tông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) trở thành chủ đề được nhiều người quan tâm, bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội. Từ hình ảnh hiện trường, có thể thấy mức độ thiệt hại đối với chiếc "biệt thự di động" này là không hề nhẹ. 

Cụ thể, lấy ví dụ tham khảo trên trang Scuderia Car Parts, một website thương mại điện tử cung cấp phụ tùng cho nhiều dòng xe, giá trị của cánh cửa sau bên trái chiếc Rolls-Royce Ghost ước tính khoảng gần 170 triệu đồng. Cần lưu ý rằng đây là chi phí dành cho những chiếc Ghost đời cũ, đối với dòng xe mới mức giá có thể sẽ còn cao hơn.

Cộng với các chi phí như sơn xe, phí vận chuyển phụ tùng về Việt Nam cùng phụ phí phát sinh trong quá trình vận chuyển, lắp ráp, con số ước tính có thể còn lớn hơn rất nhiều. 

Chiếc Rolls-Royce và giá trị của văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông - 1

Thiệt hại ước tính đối với chiếc Rolls-Royce Ghost là không nhỏ (Ảnh: Hoàng Lê).

Dù chưa thể xác định chính xác mức độ thiệt hại, nhưng có thể thấy dù tính như thế nào, mức độ thiệt hại nhiều khả năng có thể vượt ngưỡng 100 triệu đồng. Đối chiếu theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015, đây là ngưỡng thiệt hại về tài sản đủ để cơ quan chức năng có thể xem xét khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ để điều tra, xử lý theo thẩm quyền. 

Dưới góc độ khoa học pháp lý, để xem xét dấu hiệu của tội danh trên, có 2 vấn đề chính cần được làm rõ, đó là yếu tố lỗi của các tài xế trong vụ va chạm và giá trị tài sản thiệt hại. Đối với yếu tố thứ nhất, việc xác định không quá khó khăn dựa trên dữ liệu camera, dấu vết hiện trường và lời khai của các tài xế. 

Với yếu tố thứ hai, chiếu theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, cơ quan điều tra sẽ đề nghị thành lập hội đồng định giá và đưa tài sản thiệt hại đi định giá để xác định chính xác mức độ tổn hại do hành vi có lỗi gây ra. Khi có đủ 2 căn cứ nêu trên, quyết định khởi tố vụ án hình sự có thể được tống đạt theo quy định của pháp luật. 

Cần lưu ý rằng theo Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, hành vi phạm tội theo Điều 260 Bộ luật Hình sự không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại. Do đó, khi cơ quan điều tra đã củng cố đầy đủ chứng cứ, thu thập đầy đủ tài liệu và "làm tròn" hồ sơ vụ án, quyết định khởi tố sẽ được tống đạt bất chấp việc các bên trong vụ án có đạt được thỏa thuận về việc hòa giải hay không. 

Như vậy, dù trong trường hợp phía chủ xe Rolls-Royce không có yêu cầu xử lý hình sự nhưng hồ sơ, tài liệu đã được công an thu thập đầy đủ, chủ xe Kona hoàn toàn có nguy cơ vướng vào lao lý. Đối với trường hợp như trên, người có lỗi gây ra thiệt hại có thể làm gì để có thể bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của bản thân?. 

Câu trả lời có lẽ nằm ở văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông. 

Chiếc Rolls-Royce và giá trị của văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông - 2

Cánh cửa xe Rolls-Royce lõm sâu sau cú tông của xe Kona (Ảnh: Hoàng Tuấn).

Đôi khi, thái độ tốt có thể thay đổi số phận pháp lý, thậm chí cả cuộc đời của một con người

Thông thường, đối với các vụ việc có dấu hiệu xâm phạm tới tài sản, cơ quan chức năng sẽ tiến hành lập biên bản, củng cố hồ sơ ban đầu và chuyển hồ sơ tới cơ quan điều tra có thẩm quyền tiếp tục giải quyết theo quy định. Quá trình giải quyết vụ việc, để có thể đảm bảo đầy đủ cơ sở khởi tố vụ án hình sự, cần thành lập hội đồng định giá và đưa tài sản thiệt hại đi định giá để xác định chính xác mức độ tổn thất. 

Dẫu vậy, trên thực tế, không ít trường hợp người có tài sản thiệt hại từ chối đưa tài sản đi định giá bởi các nguyên nhân khác nhau, mà một trong số đó là việc xin không định giá tài sản để các bên đàm phán và giải quyết sự việc bằng một thỏa thuận dân sự.

Tuy nhiên, để các bên có thể tiến tới thỏa thuận và thực thi, đặc biệt khi giá trị tài sản thiệt hại đặc biệt lớn, là một hành trình dài đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại; tinh thần cầu thị, thiện chí, hợp tác cùng cách ứng xử văn hóa, lịch sự của các bên khi giải quyết vấn đề, đặc biệt từ phía người có lỗi gây ra thiệt hại. Thái độ và cách ứng xử của bên gây ra thiệt hại sẽ là căn cứ để bên bị thiệt hại xem xét, đánh giá có chấp nhận thương lượng, hòa giải hay không.

Thông thường, khi sự việc chưa vượt quá những giới hạn cho phép, không ai muốn ép một con người phải vướng vào lao lý. Văn hóa ứng xử vì thế là hết sức quan trọng, bởi nó có thể thay đổi số phận pháp lý của cả một con người, giúp họ tránh khỏi những rủi ro tiềm ẩn về pháp lý. 

Ngược lại, sự thiếu thiện chí, bất hợp tác, thoái thác hay đùn đẩy trách nhiệm có thể dẫn tới phản ứng phẫn nộ, bức xúc của phía bị thiệt hại. Và nếu họ chấp thuận để cơ quan điều tra tiến hành định giá tài sản thiệt hại, trách nhiệm pháp lý đối với cá nhân có lỗi là khó tránh khỏi. 

Chiếc Rolls-Royce và giá trị của văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông - 3

Thiệt hại từ vụ va chạm ước tính có thể lên tới hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng (Ảnh: Hoàng Tuấn).

Cần nói thêm rằng đối với các vụ việc có dấu hiệu hình sự, trong trường hợp người bị thiệt hại từ chối định giá tài sản, cơ quan tiến hành tố tụng có thể lựa chọn một trong 2 phương án giải quyết, đó là định giá tài sản thông qua loại tài sản tương tự hoặc áp dụng nguyên tắc có lợi cho người vi phạm và chỉ xử lý hành vi dựa trên những chứng cứ, tài liệu đã có theo hồ sơ vụ việc. 

Tuy nhiên, việc định giá dựa trên tài sản tương tự chỉ là phương pháp mang tính tương đối, có thể gây ra sự thiếu chặt chẽ cho hồ sơ và khiến vụ việc không thể giải quyết dứt điểm. Bởi vậy, phương án thứ hai sẽ là phù hợp và bảo đảm hơn theo quy định của pháp luật. 

Vì lẽ đó, văn hóa ứng xử lại càng trở nên quan trọng hơn. Đôi khi, thái độ tốt có thể thay đổi số phận pháp lý, thậm chí cả cuộc đời của một con người. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm