Đi chợ dùng tiền mặt có nguy cơ lây Covid-19 không?

(Dân trí) - Trước diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã có khuyến cáo về nguy cơ lây nhiễm virus từ tiền mặt.

Khi mua hàng online hay thanh toán tại siêu thị tôi có thể chuyển khoản nhưng khi đi chợ dân sinh thì vẫn phải dùng tiền mặt. Vậy virus SARS-CoV-2 có bám trên tiền mặt? Virus có lây qua tiền mặt cũng như các vật dụng thường dùng khác như điện thoại, bàn phím máy tính không? Làm sao để phòng virus lây lan?

GS.TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho biết: Biến thể Alpha có khả năng lây nhiễm cao hơn đến 70% so với các biến thể cũ. Trong khi đó, biến chủng Delta có khả năng lây nhiễm nhiều hơn 40-60% so với biến chủng Alpha. Tỷ lệ lây nhiễm thứ phát (F1 dương tính) của các trường hợp nhiễm biến thể Delta cao hơn so với biến thể Alpha. Tại khu vực phía Nam, chúng ta đã ghi nhận một số trường hợp có dấu hiệu hoặc dương tính chỉ sau hơn một ngày tiếp xúc phơi nhiễm với người mắc Covid-19.

Lý giải tốc độ lây lan cực nhanh của biến chủng Delta, ông Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết nguyên nhân chính nằm ở tỉ trọng của biến chủng Delta. Biến thể này có tỉ trọng nhẹ hơn các biến chủng khác, do đó thời gian chúng lơ lửng, di chuyển trong không khí lâu hơn trước khi rơi xuống các bề mặt. Điều này làm bệnh dễ lây hơn với tốc độ nhanh, chu kỳ lây bệnh ngắn. Nhiều trường hợp, chỉ cần tiếp xúc gần, không trực tiếp, bệnh dịch vẫn có thể lây lan mạnh.

Theo tờ Telegraph (Anh), WHO đã phát đi thông điệp ngày 2/3/2021 khuyến cáo mọi người cần phải rửa tay sạch thường xuyên hơn và nếu có thể thì nên ngừng giao dịch bằng tiền mặt vì tiền có thể là một nguồn lây nhiễm Covid-19 chủng mới.

Trong thông điệp phát đi, WHO khuyến cáo mọi người hãy rửa tay thật sạch sau khi có tiếp xúc với tiền mặt trong khi tiến hành giao dịch vì virus này có khả năng tồn tại trong một số ngày trên các bề mặt như tờ tiền giấy.

Trước đó, Trung Quốc đã tiến hành khử trùng tiền mặt và phát hành tiền mới cho tâm dịch Vũ Hán để hạn chế mức độ lây truyền dịch bệnh. Cả Trung Quốc và Hàn Quốc đều đã bắt đầu triển khai việc tẩy uế và cô lập những tờ bạc đã sử dụng để phòng ngừa lây lan dịch Covid-19. Các nhà chức trách đã sử dụng ánh sáng tia cực tím hoặc xử lý ở nhiệt độ cao để khử trùng các tờ bạc, sau đó đưa số tiền này vào niêm phong 14 ngày trước khi đưa trở lại lưu hành.

Một người phát ngôn của WHO cho biết, để phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2, nếu có thể người dân nên sử dụng các phương thức thanh toán phi tiền mặt.

Tính đến thời điểm hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa thể xác minh chính xác virus chủng mới có thể tồn tại bao lâu bên ngoài cơ thể người, tuy nhiên, có thể khẳng định Covid-19 có thể "sống" được trên những bề mặt vật lý như tay nắm cửa, điện thoại, thẻ tín dụng... trong rất nhiều ngày ở nhiệt độ phòng.

Về rủi ro lây bệnh qua giao dịch tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến cáo tới người dân, bên cạnh việc áp dụng các biện pháp để bảo vệ bản thân thì cũng cần hạn chế dùng tiền mặt và hạn chế tiếp xúc hay đến chỗ đông người, tăng cường sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến để giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Để an toàn, trong thời gian có dịch, người dân nên cẩn thận rửa tay bằng xà bông sau khi giao dịch bằng tiền mặt. Nhiều người chia sẻ kinh nghiệm bản thân là sau khi đi chợ về, đã cẩn thận dùng cồn để lau bề mặt từng tờ tiền.

Về việc vệ sinh những vật dụng quen thuộc như điện thoại, bàn phím máy tính..., hàng ngày nên cẩn thận lau chùi những vật dụng này bằng khăn giấy tẩm một ít cồn 70 độ trước khi sử dụng (chỉ cần tẩm vừa ẩm là được).