Công dân có quyền đấu giá biển số ô tô của bất cứ tỉnh nào
(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định, một trong những nguyên tắc xuyên suốt khi xây dựng dự thảo nghị quyết về đấu giá biển số ô tô là công dân có quyền đấu giá biển số của bất cứ tỉnh nào.
Tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 22/9, 100% đại biểu đã đồng ý bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết nhiều nước thực hiện việc lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá như Mỹ, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Myanmar…
Dự thảo nghị quyết quy định thí điểm việc cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, bao gồm 5 chính sách:
Chính sách thứ nhất, quy định biển số đưa ra đấu giá là biển số ô tô nền màu trắng, chữ và số màu đen trong kho biển số chưa được đăng ký. Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu đấu giá được lựa chọn bất kỳ biển số nào trong kho số đấu giá của tất cả các địa phương trên toàn quốc để tham gia đấu giá.
Quy định không đưa ra đấu giá đối với một số biển số xe như: Biển số cấp cho xe mua sắm từ ngân sách nhà nước, xe của quân đội, xe của tổ chức doanh nghiệp nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế và người nước ngoài làm việc trong cơ quan, tổ chức đó hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
Chính sách 2, xác định giá khởi điểm của một biển số đưa ra đấu giá. Giá khởi điểm là mức giá thấp nhất, phù hợp với thực tiễn, theo đó xác định công thức tính chung, áp dụng thống nhất trong tất cả trường hợp đấu giá, là mức lệ phí đăng ký cao nhất đang áp dụng tại địa phương nhân với hệ số. Cụ thể, ở TPHCM và Hà Nội là 40 triệu; các địa phương còn lại khởi điểm từ 20 triệu đồng/biển.
Chính sách 3, quy định đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá, một người chấp nhận giá ít nhất bằng giá khởi điểm khi đấu giá lần đầu thì biển số được bán cho người đó.
Chính sách 4, quy định quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá. Xác định rõ quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, trong đó xác định rõ các nhóm quyền và nghĩa vụ đảm bảo các quyền cơ bản cho người trúng đấu giá, đồng thời phải bảo đảm các quyền và nghĩa vụ cho người trúng đấu giá sau khi hết thời gian thí điểm.
Cụ thể, người trúng đấu giá được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả trúng đấu giá biển ô tô; được gắn vào phương tiện giao thông của cá nhân, tổ chức; khi chuyển nhượng xe, người trúng đấu giá được quyền giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác. Không được phép chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá.
Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày trúng đấu giá phải thực hiện việc đăng ký biển số đó gắn với phương tiện, nếu không đăng ký xe thì sẽ bị thu hồi.
Người trúng đấu giá biển số ô tô được quyền chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe có gắn biển số trúng đấu giá như quy định hiện hành (biển số theo xe) nhưng người được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe có gắn biển số trúng đấu giá không được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác hoặc chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá cho người khác.
Chính sách 5, quy định sử dụng nguồn thu từ đấu giá, cụ thể. Theo đó, số tiền thu được từ đấu giá biển số sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định, sẽ phân chia nguồn thu theo tỷ lệ 70% nộp vào ngân sách trung ương, 30% phân bổ cho ngân sách địa phương.
Giải trình thêm tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long cho biết, ban đầu Bộ Công an dự kiến đấu giá biển số ô tô ở công an tỉnh, nhưng qua nghiên cứu, đánh giá thấy rằng đấu giá phân tán như vậy sẽ không đảm bảo, tính thống nhất không cao.
"Do đó chúng tôi tính toán các điểm đấu giá biển số xe ô tô sẽ tập trung ở Bộ Công an"- Thứ trưởng Bộ Công an cho hay.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cũng cho biết, tại phiên họp của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (cơ quan thẩm tra) vừa qua, cơ quan soạn thảo đã xin rút lại đề nghị phân chia nguồn thu từ đấu giá biển số xe theo tỷ lệ 70% nộp vào ngân sách trung ương, 30% phân bổ cho ngân sách địa phương (chính sách 5). Thay vào đó, toàn bộ kinh phí này sẽ được nộp lại ngân sách trung ương.
Thứ trưởng Bộ Công an nêu rõ, một trong những nguyên tắc xuyên suốt khi xây dựng dự thảo nghị quyết là công dân có quyền đấu giá biển số ô tô của bất cứ tỉnh nào trên lãnh thổ Việt Nam. "Với cơ sở dữ liệu công dân, hạ tầng của Bộ Công an hiện nay có thể thực hiện tốt việc này"- ông nói.