3 phút cùng luật sư:
Để thất lạc tro cốt, chùa Kỳ Quang 2 “đối mặt” tình trạng pháp lý ra sao?
(Dân trí) - Những gia đình bị thất lạc tro cốt hoàn toàn có thể khởi kiện ra tòa và chùa Kỳ Quang 2 phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho vụ việc này.
Việc chùa Kỳ Quang 2 làm thất lạc di ảnh, bảng tên và tro cốt của người đã khuất có vi phạm pháp luật không và trong trường hợp này, gia đình bị thất lạc có thể làm gì? Mời bạn đọc gặp gỡ Luật sư Phan Vũ Tuấn, đến từ Văn phòng Luật Phan Law Vietnam để cùng nghe giải đáp.
Hành vi làm thất lạc di ảnh, bảng tên và tro cốt của người đã khuất của Chùa Kỳ Quang 2 có vi phạm pháp luật hay không?
L.s Phan Vũ Tuấn: Trước tiên phải xác định đây là một vấn đề rất khó để phân tích dưới góc độ pháp lý một cách sòng phẳng vì mang quá nhiều yếu tố tâm linh và yếu tố tâm lý về mặt đánh giá vấn đề. Nhiều người nghĩ rằng việc này không lớn để tranh cãi nhưng với nhiều người lại rất xem trọng việc thờ cúng ông bà nên cảm thấy sự việc này rất nghiêm trọng.
Xem xét vấn đề này dưới khía cạnh pháp lý cần tham khảo đến đạo đức xã hội và những quan điểm xã hội về vấn đề này để đưa ra những kết luận đúng đắn.
Điều 319 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt như sau: “Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”.
Tranh cãi xảy ra là “tro cốt” đựng trong hũ gửi tại chùa có được xem là “mồ mả”, “hài cốt” hay không. Hiện nay pháp luật chưa có hướng dẫn cụ thể nào liên quan tới vấn đề này. Đây là một vấn đề mới mà pháp luật chưa dự liệu. Hiện nay có rất nhiều quan điểm pháp lý liên quan tới vụ việc này. Có quan điểm có rằng đây là hành vi xâm phạm thi thể mồ mả hài cốt nhưng có những quan điểm cho rằng chưa có cơ sở pháp lý để xử lý hành vi này.
Xét về cách hiểu thông dụng của người Việt, thì “hài cốt” là phần xương còn lại khi thi thể bị tiêu hủy, còn “mồ mả” là nơi chôn cất người đã khuất. Ở đây, có thể xác định “tro cốt” là một biến thể của “hài cốt” và vẫn được hiểu là “phần còn lại” của người đã khuất. Tuy nhiên hũ đựng “tro cốt” lại không thể xem là “mồ mả” được.
Vì thế việc áp dụng quy định của Điều 319 trong trường hợp này không phải là đương nhiên mà sẽ có rất nhiều vấn đề phát sinh mà chúng ta không thể đưa vào chung trong điều khoản để xem xét có dấu hiệu hình sự.
Tiếp theo, cần phải xem xét về mặt hành vi, ở đây thực sự có hành vi xâm phạm hay không? Tại sao hình ảnh và thông tin lại bị xáo trộn? Lỗi này là do cố ý hay vô ý? Đã có hủ đựng tro cốt nào bị vỡ hay hư hỏng không? Tất cả cần phải có cơ sở chính xác để xác minh trường hợp này có vi phạm pháp luật hay không.
Những gia đình bị thất lạc tro cốt có thể khởi kiện ra Tòa hay không?
L.s Phan Vũ Tuấn: Nếu nhà Chùa và những thân nhân không thể thỏa thuận được với nhau về phương thức giải quyết cũng như bồi thường thiệt hại thì những người thân gửi tro cốt hoàn toàn có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết.
Thiệt hại ở đây có thể xác định thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần. Điều 361 BLDS 2015 quy định “Thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất thực tế xác định được, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút. Thiệt hại về tinh thần là tổn thất về tinh thần do bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các lợi ích nhân thân khác của một chủ thể”.
Ví dụ trong trường hợp này, những thiệt hại có thể liệt kê tới như tiền để xét nghiệm ADN để xác định danh tính của những người đã khuất, những tổn hại về tinh thần của thân nhân,….
Nhà chùa có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại cho thân nhân của các hũ tro cốt bị mất danh tính đang được lưu giữ tại chùa không?
L.s Phan Vũ Tuấn: Thông thường, để được gửi tro cốt vào chùa, thân nhân của người đã khuất sẽ có thỏa thuận với nhà Chùa về việc gửi giữ, nhà Chùa có trách nhiệm trông coi và thân nhân sẽ đóng góp một khoản kinh phí nhất định để duy trì việc gửi giữ.
Xét dưới góc độ pháp lý thì giữa nhà Chùa và người gửi đã phát sinh một quan hệ hợp đồng dân sự. Có thể xem xét đây là một dạng của Hợp đồng dịch vụ theo quy định tại Điều 513 BLDS 2015 “Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ”.
Thực tế nhà Chùa không trực tiếp thu tiền “phí dịch vụ” nhưng thân nhân của người đã khuất đã đóng góp một khoản kinh phí nhất định (một lần hoặc theo năm) vào chùa thì khoản đóng góp này có thể được xem xét chính là “phí dịch vụ”. Nhà Chùa đã không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình khi không bảo quản, làm thất lạc các hũ tro cốt là vi phạm nghĩa vụ đã thỏa thuận với thân nhân gửi tro cốt.
Điều 360 BLDS 2015 quy định “Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”. Vì vậy nhà Chùa có nghĩa vụ phải bồi thường.