3 phút cùng luật sư

Chửi rủa người khác trên mạng xã hội, coi chừng "tiền mất tật mang"!

Nhóm phóng viên
Nhóm phóng viên

(Dân trí) - Hành động bình luận, nhắn tin để chửi rủa hoặc lăng mạ người khác trên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật, nặng có thể bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng.

Chuyện tình cảm là chuyện cá nhân của mỗi người, nhưng trong thời buổi 4.0 những việc cá nhân có khi lại là đề tài bàn luận của “cộng đồng ảo”. Điển hình như cuộc chia tay thu hút dư luận của một streamer nổi tiếng ở Việt Nam và người bạn gái 5 năm, người trong cuộc đã bị cộng đồng mạng ném đá, trách móc, thậm chí chửi rủa và lăng mạ.

Nếu nhìn ở góc độ xã hội, có lẽ đây là việc bình thường với một người nổi tiếng. Nhưng ở góc độ pháp luật, vấn đề này sẽ được nhìn nhận như thế nào? Mời bạn đọc hãy cùng gặp gỡ luật sư Nguyễn Đức Chánh để cùng tìm hiểu.

Ồn ào vụ chia tay của streamer dưới góc nhìn pháp luật

Thưa luật sư, những người đăng bài, bình luận trên mạng xã hội để chửi bới anh chàng streamer sau cuộc chia tay có đang vi phạm pháp luật không? Nếu có thì khung hình phạt dành cho hành vi này là gì?

L.s Nguyễn Đức Chánh: Rõ ràng chúng ta chưa nói về pháp luật thì câu chuyện này liên quan đến hành vi chửi rủa, đó là điều không tốt. Đứng ở góc độ pháp luật thì có những quy định rất nghiêm ngặt để bảo vệ danh dự nhân phẩm của người khác. 

Hiến pháp có quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm đối với đời sống riêng tư, những bí mật cá nhân của người khác, theo quy định điều 38 của bộ luật Dân sự 2015. 

Rõ ràng câu chuyện của người ngoài cuộc, chúng ta bình luận chia sẻ, chúng ta có những hành động nào liên quan quan đến yếu tố đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình người khác đó là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất mức độ của hành vi của mỗi người thì có thể bị pháp luật dùng những biện pháp chế tài cụ thể đối với hành vi ấy.

Chửi rủa người khác trên mạng xã hội, coi chừng tiền mất tật mang! - 1

Phải nhận quá nhiều lời chửi rủa, chàng streamer đã quay một video để lên tiếng trong sự bức xúc.

Được biết trong vụ việc vừa qua, streamer trong câu chuyện đã phải nhận hơn 400 tin nhắn trên Facebook, 200 tin nhắn Instagram và có tới hơn 40 cuộc gọi chửi rủa. Vậy hành động nhắn tin hay gọi điện trực tiếp chửi rủa ai đó không liên quan gì đến mình thì hành vi đó sẽ bị xử lý như thế nào thưa luật sư?

L.S Nguyễn Đức Chánh: Chúng ta chưa biết cụ thể nội dung những việc chửi rủa như thế nào tuy nhiên ở đây có thể thấy có một dấu hiệu của việc xúc phạm danh dự của người khác. 

Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của Nghị định 167 mức chế tài sẽ từ 100 đến 300 nghìn đồng. Đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác thì phạt từ 10 đến 20 triệu đồng theo Nghị định 15 của năm 2020 Chính phủ.

Với hành vi này chúng ta thấy đã vi phạm pháp luật khá rõ, tuy nhiên chế tài cũng như cách thức để người bị xúc phạm bảo vệ mình thì Việt Nam chúng ta vẫn còn đang thiếu và rất yếu, dẫn đến rất nhiều người có hành vi như vừa rồi đó là chửi rủa nhắn tin, mặc dù không liên quan đến mình. Những người đó chỉ  xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác để thỏa mãn quan điểm của mình, thì rõ ràng đó là việc không đúng.

Tôi nghĩ rằng sắp tới đây sẽ có rất nhiều biện pháp mới khi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đặt ra để bảo vệ danh dự cho người khác. Không chỉ với người nổi tiếng  mà cả chúng ta những người bình thường trong cuộc sống này. Bởi vì ai cũng có quyền riêng tư, ai cũng có những bí mật và bí mật đó phải được pháp luật bảo vệ chứ không đơn giản là tự người ta bảo vệ.

Người bị tấn công trên mạng xã hội nên làm gì để bảo vệ bản thân mình

Thưa luật sư, người bị tấn công trên mạng xã hội nên làm gì để bảo vệ bản thân mình và vẫn đúng với pháp luật?

L.s Nguyễn Đức Chánh: Là một công dân thì chúng ta nên trình báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến những hành vi về việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác. 

Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền như cơ quan Công an, cơ quan liên quan tới các Sở Thông Tin Truyền Thông, từ cơ sở được báo sẽ kiểm tra những hành vi vi phạm dừng lại ở mức độ xử phạt hành chính hay xử lý hình sự về tội xúc phạm danh dự nhân phẩm hoặc có yếu tố cấu thành tội làm nhục người khác được quy định ở điều 155 của bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017.

Từ trình báo báo của người bị hại các cơ quan có thẩm quyền mới có cơ sở để xem xét vụ việc. Đối với góc độ về mặt nhân sự, người bị xúc phạm nhân phẩm hoàn toàn có quyền khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại, bảo vệ danh dự của mình.

Ít nhất trong việc yêu cầu bồi thường chúng ta yêu cầu người có hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm của mình phải xin lỗi mình, bồi thường một khoản tiền về những chi phí thu nhập của mình bị mất, bị giảm sút do có hành vi xúc phạm hoặc là bồi thường về mặt tâm lý, tổn thất về tinh thần.

Nếu như hai bên không thỏa thuận được thì mức áp dụng tổn thất tinh thần là không quá 10 tháng lương cơ sở theo nhà nước quy định. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm