Hà Nội:
Đề nghị quận Hà Đông làm rõ khiếu nại của người dân về việc bồi thường thu hồi đất
(Dân trí) - Liên quan đến việc thu hồi đất phục vụ việc xây dựng các dự án tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông (Hà Nội), hơn 60 hộ dân phường Kiến Hưng cùng khiếu nại hàng loạt nội dung về việc thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng của địa phương.
Đơn kêu cứu của hơn 60 hộ dân tại phường Kiến Hưng gửi báo Dân trí cho biết, bắt đầu từ năm 2004 đến năm 2009, UBND tỉnh Hà Tây (nay thuộc thành phố Hà Nội) ban hành các Quyết định thu hồi đất tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông để thực hiện các dự án đầu tư, trong đó có Quyết định số 167/QĐ-UBND ngày 23/01/2006 về việc thu hồi đất để thực hiện dự án xây dựng đường Phúc La - Văn Phú; Quyết định 32/QĐ-UBND ngày 06/03/2006 về việc thu hồi đất để xây dựng hạ tầng kỹ thuật điểm công nghiệp mở rộng làng nghề Đa Sỹ; Quyết định số 374/QĐ-UBND ngày 05/03/2007 về việc thu hồi đất để thực hiện dự án đấu giá quyền sử dụng đất ở thuộc địa bàn thôn Mậu Lương;
Các hộ dân cho biết toàn bộ diện tích đất bị thu hồi nói trên đều là đất nông nghiệp được Nhà nước giao theo Nghị định 64/CP ngày 27/9/1993 (về giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp) và đất 5% do hợp tác xã giao cho các xã viên từ những năm 1960.
Sau đó, UBND thành phố Hà Nội đã cho xây dựng hạ tầng trên diện tích 19,75 ha đất dịch vụ, đất ở để hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân, đồng thời giao cho UBND quận Hà Đông thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ gia đình bị thu hồi đất theo Nghị định số 17/2006/NĐ-CP ngày 27/1/2006 và Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007. Tuy nhiên Đơn kêu cứu đã khẳng định “cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa được bồi thường đầy đủ và chưa được hưởng phần hỗ trợ đất dịch vụ, đất ở theo quy định của pháp luật cũng như chủ trương của UBND TP Hà Nội, mặc dù chúng tôi đã liên tục khiếu nại đến các cơ quan chức năng trong suốt hơn sáu năm qua”
Hàng loạt các hộ dân tại phường Kiến Hưng khiếu nại về các nội dung sau:
UBND quận Hà Đông cần làm rõ việc có tuân thủ đúng trình tự thu hồi đất đã được quy định tại Chương V Nghị định 84/2007/NĐ-CP hay không?
Theo quy định của pháp luật thì để tiến hành thu hồi đất xây dựng dự án, ngay từ bước thứ nhất đã bắt buộc phải tiến hành họp bàn, lấy ý kiến nhân dân; bước thứ tư phải ban hành quyết định thu hồi đất chung và quyết định thu hồi đất cá biệt đối với đến từng hộ dân; bước thứ năm phải công khai phương án bồi thường và gửi đến các hộ dân có đất bị thu hồi
Tuy nhiên, các hộ dân cho rằng trong quá trình tiến hành thu hồi đất tại phường Kiến Hưng, UBND quận Hà Đông đã không tiến hành họp bàn, lấy ý kiến nhân dân. Toàn bộ các hộ dân không được mời họp, không được trao đổi ý kiến nên hoàn toàn không biết rõ được đất đai bị thu hồi để phục vụ các dự án như thế nào. Mãi về sau khi đã có Quyết định thu hồi đất, các hộ dân mới biết được đất bị thu hồi để xây dựng các dự án nói trên. Ngoài ra, UBND quận Hà Đông cũng không ban hành Quyết định thu hồi đất cá biệt đến từng hộ dân, mà chỉ có các Quyết định thu hồi đất chung.
"Mặt khác, theo quy định tại Luật đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, khi thu hồi đất của các hộ gia đình, Hội đồng bồi thường GPMB phải có phương án bồi thường gửi đến từng hộ gia đình và phải công khai phương án bồi thường để các hộ dân được biết. Tuy nhiên, sau khi có quyết định thu hồi đất, UBND quận Hà Đông đã không công khai phương án bồi thường, đồng thời không gửi phương án bồi thường chi tiết của từng hộ cho các hộ dân. Việc làm này của UBND quận Hà Đông là trái với các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thu hồi đất và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích chính đáng của người bị thu hồi đất", đơn thư phản ánh.
Thứ hai, quận Hà Đông cần làm rõ có sai phạm nghiêm trọng về việc bồi thường khi thu hồi đất nông nghiệp được giao theo Nghị định 64/CP hay không?
Thứ ba, UBND quận Hà Đông có sai phạm nghiêm trọng trong việc bồi thường đối với đất 5% mà mỗi hộ dân đã được giao năm 1960 theo Điều lệ Hợp tác xã Nông nghiệp hay không? “Rõ ràng theo quy định của pháp luật hiện hành, đối với đất 5% do Hợp tác xã giao cho chúng tôi khi bị thu hồi sẽ được bồi thường theo giá đất nông nghiệp. Tuy nhiên, khi thu hồi diện tích đất này của chúng tôi, UBND quận Hà Đông cũng chỉ bồi thường cho chúng tôi bằng đất ở với mức là 7.7 % diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi. Điều này là trái với các quy định của pháp luật” - Đơn kêu cứu phản ánh.
Theo luật sư Trần Quang Khải - Trưởng VPLS Tâm Phát (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) thì việc áp dụng mức bồi thường khi tiến hành thu hồi đất như UBND quận Hà Đông đang áp dụng là sai phạm, cụ thể: Căn cứ theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP thì việc bồi thường về đất được xác định như sau:
“Điều 6. Nguyên tắc bồi thường
1. Người bị Nhà nước thu hồi đất có đủ điều kiện quy định tại Điều 8 của Nghị định này thì được bồi thường; trường hợp không đủ điều kiện được bồi thường thì ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là ủy ban nhân dân cấp tỉnh) xem xét để hỗ trợ.
2. Người bị thu hồi đất đang sử dụng vào mục đích nào thì được bồi thường bằng việc giao đất mới có cùng mục đích sử dụng, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng giá trị quyền sử dụng đất tại thời điểm có quyết định thu hồi; trường hợp bồi thường bằng việc giao đất mới hoặc bằng nhà, nếu có chênh lệch về giá trị thì phần chênh lệch đó được thực hiện thanh toán bằng tiền.
3. Trường hợp người sử dụng đất được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất mà chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với nhà nước theo quy định của pháp luật thì phải trừ đi khoản tiền phải thực hiện nghĩa vụ tài chính vào số tiền được bồi thường, hỗ trợ để hoàn trả ngân sách nhà nước.”
Như vậy, căn cứ theo quy định này thì người bị thu hồi đất được bồi thường về đất theo nguyên tắc:
- Được bồi thường đầy đủ về đất nến có đủ điều kiện. Điều kiện để được bồi thường về đất gồm một trong các điều kiện đó là: Có GCNQSDĐ, có quyết định giao đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền…;
- Người bị thu hồi đất nào được giao đất mới có cùng mục đích sử dụng hoặc được bồi thường bằng trị giá quyền sử dụng đất hoặc được bồi thường bằng nhà…;
- Phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất đai với nhà nước.
Đối với hiện trạng toàn bộ thửa đất bị thu hồi này, các hộ dân đã có quyết định giao đất nông nghiệp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, vì vậy đủ điều kiện để được bồi thường về đất. Ở đây, UBND quận Hà Đông bồi thường bằng đất ở nhưng việc xác định mức bồi thường không đúng theo quy định của pháp luật bởi vì:
Một là, căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Quyết định 1098/2007/QĐ-UBND ngày 28/6/2007 của UBND tỉnh Hà Tây về bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng thì:
“Điều 4. Hạn mức và giá giao đất, nhận tiền thay đất
1. Diện tích đất để làm mặt bằng sản xuất kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp hoặc đất ở được tính bằng 10% diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi, cho mỗi hộ gia đình, cá nhân nhưng tối đa không quá 150m2. Riêng đối với thành phố Hà Đông mỗi hộ không quá 50m2. Mức giao đất cụ thể do UBND các huyện, thị xã, thành phố quyết định trên cơ sở khả năng quỹ đất ở địa phương. Mỗi hộ chỉ được một lần giao đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp hoặc đất ở. UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào diện tích đất nông nghiệp do nhà nước thu hồi để xác định diện tích đất quy hoạch làm mặt bằng sản xuất kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp hoặc đất ở cho phù hợp”.
Như vậy, căn cứ theo quy định này thì người dân có đất nông nghiệp bị thu được bồi thường đất dịch vụ, đất ở với mức được tính bằng 10% diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi. Tuy nhiên, trong việc bồi thường về đất khi thu hồi, UBND quận Hà Đông đã tự ý bồi thường theo một hạn mức do chính UBND quận Hà Đông áp đặt chứ không tuân theo quy định của pháp luật. Cụ thể, UBND quận Hà Đông - UBND phường Kiến Hưng chỉ ban hành quyết định chi trả cho các hộ dân 7,7 % đất dịch vụ, đất ở cho đất nông nghiệp đã bị thu hồi, chứ không phải là 10% như quy định trên. Và trên thực tế các hộ dân chưa nhận được một sự hỗ trợ, bồi thường nào về đất từ phía UBND quận Hà Đông và UBND phường Kiến Hưng.
Bên cạnh đó, việc UBND quận Hà Đông dựa vào Quyết định 1098/2007/QĐ-UBND ngày 28/6/2007 của UBND tỉnh Hà Tây để làm căn cứ và chỉ bồi thường với hạn mức tối đa không quá 50m2 là không đúng bởi vì như đã trích dẫn ở trên, tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 đã quy định rõ: “Người bị thu hồi đất đang sử dụng vào mục đích nào thì được bồi thường bằng việc giao đất mới có cùng mục đích sử dụng, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng giá trị quyền sử dụng đất tại thời điểm có quyết định thu hồi; trường hợp bồi thường bằng việc giao đất mới hoặc bằng nhà, nếu có chênh lệch về giá trị thì phần chênh lệch đó được thực hiện thanh toán bằng tiền.”
Mặt khác, tại khoản 3 Điều 10 Nghị định 197/2004/NĐ-CP cũng quy định:
“Điều 10. Bồi thường, hỗ trợ đối với đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân
3. Trường hợp bồi thường bằng việc giao đất mới có giá đất thấp hơn giá đất bị thu hồi thì ngoài việc được giao đất mới người bị thu hồi đất còn được bồi thường bằng tiền phần giá trị chênh lệch; trường hợp bồi thường bằng việc giao đất mới có giá đất cao hơn giá đất bị thu hồi thì bồi thường tương ứng với giá trị quyền sử dụng đất của đất bị thu hồi.”.
Như vậy, theo các quy định này thì trong trường hợp bồi thường bằng đất ở mà có phần chênh lệch giá trị thì phần chênh lệch đó phải được thanh toán bằng tiền. Nghị định hướng dẫn việc bồi thường khi thu hồi đất này có giá trị pháp lý cao hơn Quyết định của UBND tỉnh Hà Tây. Vì vậy, khi thực hiện việc bồi thường trước hết UBND quận Hà Đông phải căn cứ vào Nghị định này. Do đó, khi bồi thường bằng đất ở cho các hộ dân, nếu tính quy đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở mà phần diện tích đất ở vượt ngoài hạn mức thì đối với phần diện tích không được quy đổi do nằm ngoài hạn mức, UBND quận Hà Đông phải thanh toán cho các hộ dân bằng tiền. Giá tiền để thanh toán được tính theo giá đất nông nghiệp (giá đất theo mục đích đang sử dụng) căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 197/2004/NĐ-CP.
Vậy đối chiếu với các quy định trên thì việc UBND quận Hà Đông chỉ bồi thường với mức đất ở được tính bằng 7,7% diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi là không có căn cứ, trái với quy định của pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.
Báo Dân trí kính đề nghị UBND TP Hà Nội; Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội; UBND quận Hà Đông xem xét, giải quyết những kiến nghị của hơn 60 hộ dân phường Kiến Hưng đảm bảo tính nghiêm minh và thượng tôn của pháp luật.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế