Bài 9:

Đấu thầu lạ, "vẽ bùa" cho doanh nghiệp: Liệu còn "bài ca" kiểm điểm, rút kinh nghiệm?

(Dân trí) - “Đây lại là một minh chứng cho việc kỷ cương phép nước bị coi thường. Nhưng nếu cách xử lý của lãnh đạo chính quyền, thanh tra tỉnh theo kiểu xuê xoa, "dĩ hòa vi quý", không nghiêm túc thì sẽ không những không ngăn chặn được tiêu cực, tham nhũng mà có vẻ như "khuyến khích" sự coi thường kỷ cương phép nước”, quan điểm của bạn đọc Dân trí.

Kỷ cương phép nước bị coi thường!

Sau loạt bài điều tra của Báo Dân trí về việc Trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường tỉnh Bắc Giang liên tiếp tạo ra các kết quả quan trắc “đẹp” làm “bùa hộ mệnh” cho doanh nghiệp “bức tử” môi trường và đấu thầu mua sắm tài sản công kỳ lạ, Thanh tra tỉnh Bắc Giang đã kết luận hàng loạt sai phạm tại đơn vị này.

Đấu thầu lạ, vẽ bùa cho doanh nghiệp: Liệu còn bài ca kiểm điểm, rút kinh nghiệm? - Ảnh 1.

Không những liên tiếp tạo "bùa hộ mệnh" cho doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, Trung tâm quan trắc môi trường Bắc Giang còn có kiểu đấu thầu mua tài sản công kỳ lạ.

Ngoài các sai phạm khi thực hiện quan trắc môi trường của Trung tâm quan trắc cùng với việc hồ sơ quan trắc định kỳ mất tích bí ẩn để Thanh tra tỉnh Bắc Giang không thể tiếp cận, những sai phạm đặc biệt nghiêm trọng trong quá trình “làm xiếc” đấu thầu tài sản công của cơ quan này đã được Thanh tra tỉnh Bắc Giang kết luận.

Nhưng theo như ý kiến phản hồi của bạn đọc Dân trí có tên Vu Duc Khoi: “Đọc kết luận của thanh tra Sở TN - MT Bắc Giang mà buồn: quan liêu - bao che cho những sai phạm có hệ thống của cấp dưới bằng các nguyên nhân mới nghe tưởng rất khách quan: nhiều quy định nên nắm không kịp, chuyên môn giới hạn.

Không nắm vững luật nhưng lại rất biết hủy những chứng cứ mà họ biết là sai luật. Là người phụ trách TN - MT của tỉnh chỉ cần hai nguyên nhân đó là buộc thôi việc được rồi.

Nhưng lạ một điều nếu doanh nghiệp không biết điều thì khi đi kiểm tra họ sẽ đọc vanh vách đầy đủ nội dung luật, đọc cả ngày ký luật. Cần tìm rõ số tiền mà họ nhận được để cố tình làm sai gây hậu quả nghiêm trọng.

Truy tố và truy thu số tiền họ nhận được. Có như vậy mới ngăn ngừa và răn đe những cán bộ khác có ý làm sai để hưởng lợi”.

Cho rằng đây là một minh chứng của việc kỷ cương phép nước bị coi thường, bạn đọc Nguyễn Hiền: “Với cách xử lý của lãnh đạo chính quyền, thanh tra tỉnh theo kiểu xuê xoa, "dĩ hòa vi quý", không nghiêm túc, không những không ngăn chặn được tiêu cực, tham nhũng mà có vẻ như "khuyến khích" sự coi thường kỷ cương phép nước phát triển”.

Bạn đọc Khoái Duy Tiên cho rằng: “Đấu thầu vụ này chỉ là cái bùa để bọn tham nhũng chia chác của công”; “Nghiệp vụ thì kém nhưng cách kiếm tiền thì quá giỏi tất cả vì cái phong bì mà ra thôi”, bạn đọc Hailinh Nguyen

“Kiểu làm ăn này diễn ra rất lâu rồi, họ lập ra các bộ phận chuyên môn cho có lệ để báo cáo lấy kinh phí nhà nước chứ thực chất hoạt động của họ theo kiểu cho có lệ, chuyên môn thì léng phéng, sáng cắp ô đi tối cắp ô về, trông cách thức họ lưu trữ hồ sơ, rồi nội dung hồ sơ họ lập là đủ biết khả năng thực của nhân viên cũng như kế hoạch và quản lý hồ sơ của sếp!”, bạn đọc Nam Long.

Chuyện không lạ với bạn đọc Hải Quỳnh Nguyễn: “Chuyện này có từ xa xưa rồi. Khi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào các khu công nghiệp, bao giờ trong hồ sơ cũng có phần báo cáo đánh giá tác động môi trường. Các doanh nghiệp chỉ việc thuê trung tâm như trên rồi vẽ ra cái báo cáo với số liệu rất đẹp”.

Bạn đọc Cao Minh: “Hoan hô báo Dân trí đã đưa tin đúng sự thật! Hiện nay một số cơ quan quản lý nhà nước đang sử dụng số liệu "giả" kết quả đo, phân tích các thông số môi trường. Chỉ khi có khiếu kiện thanh tra thực mới có số liệu thật. Xin mời phóng viên về Nghệ An”.

Bạn đọc Đàm Bắc: “Đúng là cơ quan kiểm tra, thanh tra đến đâu đều lộ ra những sai phạm hết cả. Vậy mới nói về kiểm soát sử dụng tài sản và làm số liệu không đúng là diễn ra tràn lan”.

Sai phạm nhiều nhưng xử lý như thế nào?

Sai không được xử lý thì đó chính là tạo môi trường cho cái sai tồn tại, phát triển. Bạn đọc Nguyễn Long cho rằng: “Tham nhũng tất cả cái gì có thể đúng với trường hợp này, nhà nước giao trọng trách giám sát môi trường, họ ngoảnh mặt làm ngơ để nhận tiền. Đề nghị nhà nước nghiêm trị”.

Bạn đọc Nguyễn Văn Xót: “Cần xử lý nghiêm sai phạm của trung tâm huỷ hoại môi trường này đi. Lại là vì tham nhũng mà tàn phá môi trường tự nhiên ảnh hưởng đến biết bao nhiêu người dân”.

“Đề nghị phóng viên Dân trí phải đi tới cùng vụ này. Đây là giáo trình chuẩn mà các nước khác phải học tập: thanh tra có sai phạm nhưng do thời gian đã lâu nên không xử lý gì” Bạn đọc Thongnguyen chua xót.

Bạn đọc Hiệp cho rằng: “Ở đây không phải là xử lý hành chính mà là xử lý hình sự” vì “rõ ràng đây là việc làm hủy hoại đến tài nguyên môi trường, ảnh hưởng đến cả thế hệ sau, ảnh hưởng đến môi trường sống và sức khỏe của người dân”.

Hy vọng hình thức xử lý sự việc không đơn giản như suy đoán của bạn đọc Trần Trung Dũng: “Còn nhiều hạn chế cần nghiêm túc rút kinh nghiệm”; bạn Việt Anh “lại tổ chức vi phạm thì thì xử lý tổ chức, cá nhân không có liên quan nha”, “Thôi thì chúng ta cùng kiểm điểm sâu sắc hay rút kinh nghiệm; lần sau cứ thế mà làm; không ai giám mần chi mô !?” bạn đọc Nguyễn Thanh Tùng.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Khả Vân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm