Giải đáp pháp lý từ vụ nhóm quái xế náo loạn đường phố, tông chết người

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Với diễn biến hành vi của nhóm quái xế, cần tập trung xem xét dấu hiệu 2 tội danh là Gây rối trật tự công cộng và Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Liên quan tới vụ nhóm "quái xế" náo loạn đường phố, tông tử vong chị Q. (27 tuổi) tại khu vực ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) rạng sáng 3/11, Công an quận Hoàn Kiếm đang tạm giữ 10 đối tượng để điều tra.

Trong nhóm thanh niên bị điều tra có N.H.N. (19 tuổi) và N.T.M.K. (16 tuổi), những đối tượng trực tiếp tông khiến chị Q. tử vong. Cụ thể, N. là người tông chị Q. ngã ra đường, còn K. là người đi sau, gặp tình huống bất ngờ không kịp xử lý và tiếp tục va vào khiến nạn nhân tử vong. 

Với những diễn biến hành vi như trên, câu hỏi được nhiều người đặt ra là những tội danh nào có thể áp dụng đối với các nghi phạm trong vụ án này. 

Giải đáp pháp lý từ vụ nhóm quái xế náo loạn đường phố, tông chết người - 1

N.H.N. - Đối tượng tông chị Q. ngã xuống đường (Ảnh: Tô Sa).

Đối với vụ việc trên, cần phân loại 2 nhóm hành vi tương đương với 2 khách thể bị các đối tượng xâm hại. Thứ nhất, đó là nhóm hành vi xâm phạm tới an ninh trật tự xã hội, thể hiện ở các hành động như tụ tập đông người, chạy xe tốc độ cao, phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng và Thứ hai, đó là nhóm hành vi xâm phạm tới tính mạng người khác, bao gồm việc không quan sát, không tuân thủ tín hiệu đèn giao thông, không làm chủ tốc độ dẫn tới hậu quả là tai nạn làm chết người. 

Đối với nhóm hành vi thứ nhất, từ thông tin người dân cung cấp và dữ liệu camera giám sát ghi lại, nhóm thanh niên gồm khoảng 20-30 xe, nẹt pô, rú ga và "lao như tên bắn" trên đường, gây náo loạn các tuyến phố và tạo ra sự kinh hãi cho người tham gia giao thông. Đây là hành vi có dấu hiệu của tội Gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015. 

Quá trình thu thập, củng cố chứng cứ liên quan tới hành vi có dấu hiệu của tội danh trên, nếu cơ quan điều tra xác định hành vi thuộc nhóm các tình tiết định khung như có tổ chức, gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng, người vi phạm có thể bị xử lý theo khoản 2, Điều 318 Bộ luật này với khung hình phạt 2-7 năm tù. 

Đối với nhóm hành vi này, cơ quan công an sẽ không chỉ đánh giá tính chất hành vi của những người điều khiển xe máy mà sẽ xem xét một cách toàn diện, tổng thể trách nhiệm của tất cả những thanh niên tham gia. Do đó, những người dù không điều khiển phương tiện vẫn có thể bị xử lý về tội danh trên. 

Giải đáp pháp lý từ vụ nhóm quái xế náo loạn đường phố, tông chết người - 2

Đối tượng N.T.M.K. (Ảnh: Tô Sa).

Đối với nhóm hành vi thứ hai, việc xem xét trách nhiệm hình sự sẽ tập trung vào 2 đối tượng chính là N. và K. Trong đó, N. là người tông ngã chị Q. còn K. là người đi sau và tiếp tục va chạm với nạn nhân.

Về nhóm hành vi này, vấn đề đầu tiên cần làm rõ là lỗi của 2 đối tượng khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, trong đó có nhiều yếu tố cần được tập trung xác minh như việc đã có bằng lái phù hợp hay chưa; có vi phạm các lỗi như không tuân thủ tín hiệu đèn giao thông, đi sai làn đường, thiếu quan sát, không làm chủ tốc độ hay không... 

Trong trường hợp được xác định có lỗi, N. và K. có thể bị xem xét xử lý về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015. Trong đó, với các tình tiết như bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn hay không có giấy phép lái xe theo quy định (K. chưa đủ 18 tuổi), các đối tượng có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều này với mức phạt 3-10 năm tù. 

Với trường hợp của K., do chưa đủ 18 tuổi nên nếu bị xử lý hình sự, đối tượng có thể được áp dụng tình tiết quy định khung hình phạt tại Điều 101 Bộ luật Hình sự 2015 với mức phạt cao nhất bằng 3/4 mức phạt của khung hình phạt có thể bị truy tố. Khi đó, mức phạt cao nhất có thể áp dụng với K. theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 là 7 năm 6 tháng tù. 

Giải đáp pháp lý từ vụ nhóm quái xế náo loạn đường phố, tông chết người - 3

Hiện trường vụ tai nạn (Ảnh: Người dân cung cấp).

Đối với hành vi có dấu hiệu của tội Đua xe trái phép (Điều 265) hoặc Tổ chức đua xe trái phép (Điều 266) tại Bộ luật Hình sự 2015, dựa trên lời khai các đối tượng và những dữ liệu hiện có, hiện chỉ có thể xác định các đối tượng tụ tập nhằm diễu hành, gây náo loạn đường phố, chưa đủ cơ sở xác định việc tụ tập nhằm mục đích đua xe trái phép. Do đó, chưa thể xem xét trách nhiệm hình sự về 2 tội danh nêu trên. 

Quá trình thu thập, củng cố tài liệu, chứng cứ, nếu xét thấy có dấu hiệu phạm tội, cơ quan điều tra có thể xem xét xử lý hình sự về các tội danh trên. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng một hành vi có dấu hiệu của 2 tội danh thì chỉ có thể bị xử lý về một tội trên nguyên tắc áp dụng tội danh có khung hình phạt nặng hơn.

Bởi vậy, đối với nhóm hành vi bao gồm phóng nhanh, lạng lách, vượt ẩu trên đường, nếu xét thấy có dấu hiệu của việc đua xe trái phép, chỉ có thể xử lý các đối tượng về một trong 2 tội danh là Đua xe trái phép hoặc Gây rối trật tự công cộng. 

Theo lời khai các đối tượng, khoảng 22h ngày 2/11, N.H.N. đón bạn "đi dạo phố và chụp ảnh". Tới khu vực Nhà hát Lớn Hà Nội thì gặp đoàn khoảng 20-30 xe nên đã "nhập đoàn". 

Khi nghe có tiếng "cảnh sát hình sự đuổi", N. tăng ga cùng đoàn xe, đi theo hướng Trần Khánh Dư - Bệnh viện 108 - Trần Hưng Đạo. Tới nút giao Bà Triệu, xe của N. va chạm với chị Q. đang chờ đèn đỏ khiến cả 2 xe cùng văng ra đường. Sau đó, K. đi sau cũng bị bất ngờ và không kịp phản ứng nên tiếp tục đâm vào nạn nhân. 

Công an quận Hoàn Kiếm đang tiếp tục thu thập tài liệu, khai thác mở rộng, truy xét những đối tượng còn lại.