Nghi quay lén Châu Bùi, nam thanh niên có thể bị xử lý ra sao?

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo luật sư, ngoài chế tài hành chính, nam thanh niên có thể bị xem xét xử lý hình sự nếu hành vi quay lén nhằm mục đích làm nhục người khác hoặc truyền bá, phát tán trên không gian mạng.

Ngày 25/6, mạng xã hội lan truyền thông tin liên quan tới việc Châu Bùi (Bùi Thái Bảo Châu, SN 1997, người mẫu) bị quay lén trong nhà vệ sinh nữ tại một studio tại quận 3, TPHCM. 

Cụ thể, chiều 23/6, Châu Bùi và ekip có buổi thử đồ tại studio nói trên. Dù đã kiểm tra cẩn thận nhưng sau khi vào phòng thay đồ 30 phút, người đẹp này phát hiện camera quay lén ngụy trang dưới hình dạng đồng hồ cơ, được đặt lẫn trong chiếc khăn ở phòng thay đồ. Châu Bùi cùng ekip sau đó đã trình báo và yêu cầu công an xác minh, làm rõ sự việc. 

Cuối buổi sáng 25/6, nam thanh niên nghi quay lén Châu Bùi được công an đưa tới hiện trường để làm việc. Sự việc đang được lực lượng chức năng phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật. 

Với hành vi trên, nam thanh niên có thể bị xử lý ra sao?.

Nghi quay lén Châu Bùi, nam thanh niên có thể bị xử lý ra sao? - 1

Nam thanh niên liên quan đến vụ việc được công an chở đến hiện trường (Ảnh: Lê Trai).

Luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TPHCM) nhìn nhận dưới góc độ xã hội, đây là sự việc rất đáng báo động. Thực trạng một số đối tượng lợi dụng sơ hở để lắp đặt thiết bị ghi hình nhằm quay lén trong nhà vệ sinh, khách sạn… đã diễn ra nhiều năm qua, gây bức xúc trong dư luận, làm tổn hại tới danh dự, nhân phẩm của các cá nhân. Do đó, cần có các biện pháp xử lý cứng rắn, đủ tính răn đe nhằm ngăn chặn những sự việc tương tự có thể xảy ra. 

Bình luận dưới góc độ pháp lý, ông Hùng cho rằng hành vi quay lén có thể xuất phát từ nhiều động cơ khác nhau như để thỏa mãn các sở thích biến thái, lệch lạc của bản thân; bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác hay đơn thuần là "câu view", "câu like" trên mạng. Tuy nhiên, dù mục đích là gì, đây cũng được xem là một dạng hành vi quấy rối tình dục, xâm hại nghiêm trọng đến các quyền và lợi ích hợp pháp của người khác được pháp luật bảo hộ. 

Bởi vậy, tùy thuộc mục đích, tính chất và mức độ của hành vi vi phạm, người thực hiện hành vi có thể bị xử lý hành chính hoặc xem xét trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. 

Trích dẫn quy định tại khoản 3, Điều 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ, luật sư cho biết người có hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định pháp luật có thể đối diện mức phạt 10-20 triệu đồng. 

Ngoài ra, nếu hành vi bị quy kết thuộc nhóm hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục, người vi phạm còn có thể bị phạt tiền 5-8 triệu đồng theo quy định tại khoản 5, Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ. 

Nghi quay lén Châu Bùi, nam thanh niên có thể bị xử lý ra sao? - 2

Hình ảnh Châu Bùi trích xuất từ camera quay lén (Ảnh: FBNV).

Cũng theo dõi sự việc, luật sư Trương Văn Tuấn (Trưởng Văn phòng luật sư Trạng Sài Gòn, Đoàn Luật sư TPHCM) nhìn nhận theo Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015, mọi cá nhân đều có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Hành vi quay phim, ghi hình người khác khi chưa được sự cho phép của họ đều bị xem là vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức xã hội và sẽ phải chịu những chế tài tương xứng với mức độ vi phạm.

Có quan điểm tương tự luật sư Hùng, luật sư Tuấn cho rằng việc áp dụng chế tài đối với hành vi quay lén của nam thanh niên sẽ căn cứ quy định tại các Nghị định số 144/2021/NĐ-CP và Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ. 

Bên cạnh đó, ông Tuấn nhấn mạnh dưới góc độ hình sự, nếu người quay lén nhằm mục đích làm nhục, xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự, làm giảm uy tín của cá nhân thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015.

Ngoài ra, nếu hành vi nhằm mục đích tàng trữ, lưu hành, trao đổi, vận chuyển, mua bán nhằm phổ biến hình ảnh, video quay lén với nội dung nhạy cảm thì người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo quy định tại Điều 326 Bộ luật Hình sự  2015.

Dưới góc độ dân sự, người thực hiện hành vi vi phạm còn phải bồi thường mọi thiệt hại đã gây ra đối với nạn nhân (nếu có) theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành.