3 phút cùng luật sư:

Đăng tải video độc hại lên mạng xã hội: Cảnh báo nhìn từ vụ Thơ Nguyễn

Nguyễn Quang Thư Quỳnh

(Dân trí) - Hành vi trục lợi từ các thông tin mê tín dị đoan có thể bị phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng theo khoản 2, điều 15 của Nghị định 158 năm 2013 và bị buộc nộp lại số tiền thu lợi bất chính.

Những ngày qua, cộng đồng mạng rất bức xúc và phẫn nộ về đoạn clip ngắn trên TikTok của 1 nữ Youtuber liên quan đến búp bê Kumanthong và việc xin vía học giỏi.

Đăng tải video độc hại lên mạng xã hội: Cảnh báo nhìn từ vụ Thơ Nguyễn - 1

Việc đưa những hình ảnh và thông tin liên quan đến búp bê Kumanthong lên mạng đã khiến nữ Youtuber bị cộng đồng lên án.

Trong chương trình 3 phút cùng luật sư, PV Dân Trí đã gặp gỡ và trao đổi cùng luật sư Phan Vũ Tuấn, đến từ văn phòng luật Phanlaw Vietnam để tìm hiểu dưới góc nhìn pháp lý, vụ việc này sẽ được nhìn nhận như thế nào.

Việc lan truyền các nội dung mê tín dị đoan lên mạng sẽ bị pháp luật xử lý ra sao?

Theo chia sẻ của luật sư Phan Vũ Tuấn, dù vụ việc đăng tải nội dung liên quan đến Kumanthong và "xin vía cho em học giỏi" đã gây ra bức xúc trong công động, nhưng vẫn chưa đủ thông tin để khẳng định rằng hành vi đó có vi phạm pháp luật hay không. 

Do đó, chỉ có thể phân tích việc này dưới góc độ chung nhất để mọi người có thể hiểu rằng pháp luật có những quy định cụ thể về việc này đồng thời có những hình phạt dành cho hành vi đó.

"Tôi không khẳng định rằng nữ Youtuber có vi phạm hay không mà tôi chỉ đưa ra những quy định pháp luật có tính tương đồng bởi có nhiều thông tin trong vụ việc mà chúng ta chưa nắm rõ" - luật sư Phan Vũ Tuấn nói.

Theo luật sư Phan Vũ Tuấn, trước tiên, cần xác định hành vi như vậy hoặc tương tự như vậy có được coi là hành vi mê tín dị đoan hay không.

Nhà nước và pháp luật Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và tự do tôn giáo của công dân. Tuy nhiên, việc tự do tín ngưỡng và tự do tôn giáo này phải nằm trong khuôn khổ của pháp luật. Điều đó đồng nghĩa với việc tôn trọng tự do tín ngưỡng và tự do tôn giáo nhưng không được hành nghề hoặc có các hoạt động mê tín dị đoan.

Việc hành nghề mê tín dị đoan có thể xâm phạm vào các quy định của pháp luật hình sự và có thể bị xử lý hình sự với mức phạt rất cao, có thể lên tới 10 năm tù.

Đăng tải video độc hại lên mạng xã hội: Cảnh báo nhìn từ vụ Thơ Nguyễn - 2

Luật sư Phan Vũ Tuấn trao đổi cùng PV Dân Trí.

Ngoài ra, hành động lan truyền các thông tin về mê tín dị đoan gây ra xôn xao trong cộng đồng hoặc gây ảnh hưởng đến tư tưởng của trẻ em hoặc những người tham gia mạng xã hội cũng là hành vi không được phép.

Nếu có hành vi trục lợi từ các thông tin mê tín dị đoan, người thực hiện hành vi có thể bị phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng theo khoản 2, điều 15 của Nghị định 158 năm 2013 và bị buộc nộp lại số tiền thu lợi bất chính.

"Ở đây, chúng ta không thể xác định được số tiền bất chính đó cụ thể như thế nào, việc thu lợi có bất chính hay không và việc thu lợi đó có dựa vào mê tín dị đoan hay không. Tất cả các vấn đề đó là của cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp thực hiện, chúng ta không thể áp đặt nhưng mọi người có thể hiểu pháp luật vẫn có những quy định cụ thể để điều chỉnh những vấn đề này" - luật sư Phan Vũ Tuấn chia sẻ.

Căn cứ theo điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo:

"Điều 15. Vi phạm quy định về nếp sống văn hóa

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi".