3 phút cùng luật sư:

"Tịch thu" tiền lương của chồng, coi chừng bị phạt tội bạo hành!

Nguyễn Quang Thư Quỳnh

(Dân trí) - Không chỉ việc vợ "tịch thu" hết tiền lương của chồng mà ngay cả việc chồng cất giấu "quỹ đen" đều có thể bị xem là bạo hành kinh tế trong gia đình và bị xử phạt từ 300-500 nghìn đồng.

Việc đưa hết lương cho vợ quản lý hoặc việc những người vợ "tịch thu" hết tiền lương của chồng dường như là việc bình thường trong cuộc sống. Nhưng dưới góc độ pháp lý, việc này sẽ được nhìn nhận thế nào?

Mời bạn đọc gặp gỡ luật sư Phan Vũ Tuấn, đến từ văn phòng Phanlaw Vietnam để cùng nghe luật sư giải đáp.

Vợ "tịch thu" tiền của chồng hay chồng cất giấu "quỹ đen" đều bị xem là bạo hành gia đình.

Việc "tịch thu" hết tiền lương của chồng có bị vi phạm pháp luật không thưa luật sư? Nếu có thì sẽ bị xử lý thế nào?

L.s Phan Vũ Tuấn: Cần xem xét 2 khía cạnh khác nhau rằng người chồng tự nguyện đưa tiền cho vợ giữ hay vợ cưỡng ép lấy. Riêng việc tự nguyện có thực sự là tự nguyện mà không bị đe dọa gì hay không. 

Đối với góc độ pháp luật, tất cả các khoản thu có được trong giai đoạn hôn nhân sẽ được coi là tài sản chung mà tài sản chung sẽ cho cả vợ và chồng thống nhất sẽ sử dụng như thế nào. Việc này được quy định rõ tại Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.

Việc vợ "tịch thu" lương của chồng có thể coi như là một dạng bạo hành gia đình. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 56 Nghị định 167 năm 2013 quy định xử phạt người vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, phòng chống tệ nạn xã hội và phòng chống bạo lực gia đình có quy định phạt tiền từ 300 đến 500 nghìn đồng đối với hành vi không cho thành viên của gia đình sử dụng tiền chung, tài sản chung vào mục đích chính đáng.

Tịch thu tiền lương của chồng, coi chừng bị phạt tội bạo hành! - 1

Luật sư Phan Vũ Tuấn chia sẻ cùng phóng viên Dân Trí.

Việc cất giấu "quỹ đen" có vi phạm pháp luật không thưa luật sư?

L.s Phan Vũ Tuấn: Cần xem xét rõ nguồn gốc "quỹ đen" này là bắt đầu từ đâu. Nếu đây là tài sản trước khi kết hôn thì đây được xem là tài sản trước hôn nhân và là tài sản riêng, không phải "quỹ đen".

Nhưng trong thời kỳ hôn nhân, bất kỳ khoản thu nhập chính đáng nào đều trở thành tài sản chung. Nếu sử dụng tài sản này vào mục đích không chính đáng hoặc sử dụng vào việc chưa có sự đồng ý của đối phương.

Ngoài ra, việc cất giấu "quỹ đen" còn có thể bị xem là bạo lực về kinh tế nếu "quỹ đen" này quá lớn khi không cho người còn lại sử dụng tài sản chung vào mục đích chính đáng. Hành vi này sẽ bị xử phạt từ 300 đến 500 nghìn đồng.

Y kiến luật sư về việc quản lý tiền trong gia đình.

Ở góc độ cá nhân, luật sư có ý kiến thế nào về việc này?

L.s Phan Vũ Tuấn: Ở góc độ cá nhân, tôi cho rằng nếu đã tin tưởng nhau thì không cần phải giữ tiền. Trong trường hợp mong muốn có một khoản tiền để đầu tư lâu dài, tốt hơn hết cả vợ và chồng nên thống nhất với nhau về mức độ chi tiêu. Bên cạnh đó, có thể cùng thiết lập và sắp xếp trước kế hoạch chi tiêu ngay từ ban đầu để tránh xung đột về sau.

Theo tôi, ai là người quản lý không quan trọng, quan trọng là cả hai cùng thống nhất tài sản là để dùng chung cho mục đích xây dựng và phát triển hạnh phúc chung của gia đình.