Bài 5:
Dân nghèo lũ lượt “chạy trốn” khỏi nhà tái định cư: Bí ẩn gì phía sau các gói thầu?
(Dân trí) - Thiếu nước sinh hoạt, nhà cửa xập xệ xuống cấp, hạ tầng cơ sở hết sức tồi tàn, thậm chí nhiều hạng mục không có, thiếu đất canh tác… là những nguyên nhân chính khiến hàng trăm hộ dân nghèo “chạy trốn” các khu tái định cư để về chốn cũ. Nhưng tất cả các hạng mục trên đều được thông qua đấu thầu.
“Bất thường” một doanh nghiệp “ôm” hàng loạt gói thầu
Dự án tái định cư, di dân ra khỏi vùng thiên tai sạt lở đất, lũ ống, lũ quét… là một quyết định an sinh xã hội hết sức nhân văn của Chính phủ theo Quyết định 1776, được sử dụng nguồn tiền hàng trăm tỉ đồng từ ngân sách Trung ương và tỉnh Thái Nguyên.
Người dân khu TĐC Tam Va (Văn Lăng, Đồn Hỷ, Thái Nguyên) thường xuyên đối mặt với thiếu nước sinh hoạt.
Để hình thành lên các khu TĐC cho người dân nghèo, Chi cục Phát triển nông thôn Thái Nguyên (Chi cục PTNT thuộc Sở NN&PTNT) làm Chủ đầu tư cho thấy việc tiết kiệm tiền đầu tư ngân sách qua hoạt động đấu thầu, lựa chọn nhà thầu là rất thấp. Thực tế hiện nay nhiều công trình tại các dự án TĐC đã, đang “đắp chiếu” hoặc không có, gây lãng phí lớn cho đầu tư ngân sách, khiến người dân bức xúc.
Đáng chú ý, sự “bất thường” của một doanh nghiệp liên tục trúng nhiều gói thầu tại các dự án TĐC do Chi cục PTNT Thái Nguyên làm Chủ đầu tư với mức bỏ thầu sát giá với giá gói thầu đưa ra. Đó là Công ty cổ phần xây dựng Đức Thu (tổ 10, phường Tân Thịnh, TP. Thái Nguyên).
Bể chứa nước sinh hoạt của người dân Tam Va mặc dù khu TĐC này được đầu tư với số tiền hơn 45 tỉ đồng với nhiều hạng mục công trình khác nhau.
Cụ thể, Công ty cổ phần xây dựng Đức Thu trúng gói thầu lớn tại gói thầu xây lắp số 04- chợ xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ. Đây là công trình thuộc hạng mục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, ổn định dân cư tại các xã Phúc Tân, Lục Ba, Vạn Thọ, Tân Thái, Bình Thuận (Dự án đầu tư tổng thể bố trí ổn định dân cư vùng bán ngập hồ Núi Cốc).
Giá gói thầu này là 4.449.070.193 đồng. Công ty cổ phần xây dựng Đức Thu là đơn vị trúng thầu với giá 4.446.301.000 đồng. Ở gói thầu gần 4,5 tỉ đồng này, chủ đầu tư là Chi cục PTNT Thái Nguyên chỉ tiết kiệm được "bữa nhậu" 3 triệu đồng cho vốn đầu tư công sau hoạt động đấu thầu.
Một điều đáng chú ý, khu vực chợ này hiện gần như bị bỏ hoang, gây lãng phí tiền của Nhà nước.
Nhà Văn hoá hàng tỉ đồng gần như bị bỏ hoang.
Tại gói thầu xây lắp công trình Nhà văn hóa xã Bình Thuận (huyện Đại Từ) với giá trúng thầu 3.022.735.000 đồng (trong khi giá gói thầu mà Chi cục PTNT Thái Nguyên đưa ra là 3.027.172.191 đồng ). Như vậy, tại gói thầu này Chi cục PTNT tiết kiệm được 5 triệu đồng.
Tại điểm TĐC xã Lục Ba, huyện Đại Từ (Dự án đầu tư tổng thể bố trí ổn định dân cư vùng bán ngập hồ Núi Cốc) có hạng mục xây dựng Nhà văn hóa xã Lục Ba.
Giữa năm 2017, Chi cục PTNT Thái Nguyên mời thầu cho gói thầu này. Giá gói thầu Nhà văn hóa xã Lục Ba 2.585.611.086 đồng.
Ngày 7/7/2017 Chi cục NNPTNT Thái Nguyên có Quyết định số 103/QĐ-CCPTNT quyết định Công ty cổ phần xây dựng Đức Thu là đơn vị trúng thầu với giá trúng là 2.580.128.000 đồng (chỉ tiết kiệm hơn 5 triệu đồng qua đấu thầu).
Hình ảnh người dân khu TĐC Tam Va quay cuồng khi phải đối diện với cuộc sống thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Điều đáng nói, Nhà văn hoá này hiện như bỏ hoang vì không có người dân sinh hoạt, gây lãng phí hàng tỉ đồng tiền của Nhà nước mà lẽ ra dân nghèo phải được hưởng một cách đúng nghĩa.
Tại khu TĐC Tam Va (xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ) cho thấy sự èo uột của dự án, hàng chục hộ dân nghèo vật vã với cơ sở hạ tầng yếu kém, nước sinh hoạt thì vẩn đục, thậm chí không có nước sinh hoạt, người dân vẫn phải ra suối để giặt quần áo.
Đáng chú ý, khi xây dựng dự án TĐC này, có hạng mục xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo để giúp trẻ em TĐC có môi trường giáo dục tốt.
Cây cầu này nằm trong khu TĐC không thể kết nối với đường giao thông tỉnh lộ tại huyện Đại Từ vì có cốt nền cao hơn đường giao thông tới vài chục cm.
Với hạng mục này giá gói thầu được chủ đầu tư xây dựng là 925.008.384 đồng. Công trình này được chủ đầu tư chỉ định thầu không sơ tuyển trong nước cho Công ty cổ phần xây dựng Đức Thu với giá là 971.699.000 đồng (cao hơn giá gói thầu).
Dự án hàng tỉ đồng chỉ tiết kiệm được vài triệu đồng
Ngoài Công ty Đức thu ra, tháng 7/2018, Chi cục trưởng Chi cục PTNT Thái Nguyên có Quyết định 154/QĐ-CCPTNT phê duyệt, lựa chọn Công ty TNHH xây dựng Bình Minh (địa chỉ tổ 14, đường Bắc Kạn, phường Hoàng Văn Thụ, TP. Thái Nguyên) là đơn vị trúng thầu gói thầu nâng cấp hệ thống kênh mương xã Phúc Lương, huyện Đại Từ (thuộc dự án bố trí, sắp xếp dân cư vùng thiên tai và vùng đặc biệt khó khăn thuộc 11 xã huyện Đại Từ giai đoạn 2008-2010, tính đến 2015).
Dự án TĐC tại Tam Va (Văn Lăng, Đồng Hỷ, Thái Nguyên), được xem như là tốt nhất nhưng nhiều hộ dân cũng không thể ở vì thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, nhà cửa cũng khá tạm bợ.
Giá gói thầu trên được chủ đầu tư là Chi cục PTNT Thái Nguyên mời thầu là 5.473.013.467 đồng. Công ty TNHH xây dựng Bình Minh trúng thầu với giá 5.465.819.000 đồng.
Ở gói thầu gần 5,5 tỉ đồng này qua đấu thầu Chi cục PTNT Thái Nguyên chỉ tiết kiệm được cho đầu tư ngân sách chỉ hơn 7 triệu đồng.
Trước đó, tháng 6/2018, tại công trình xây lắp đường giao thông và công trình thoát nước Công trình (nâng cấp đường giao thông nông thôn xã Sảng Mộc, huyện Võ Nhai, thuộc dự án bố trí, sắp xếp dân cư vùng rừng đặc dụng và vùng đặc biệt khó khăn 6 xã: Cúc Đường, Thần Sa, Thượng Nung, Vũ Chấn, Nghinh Tường, Sảng Mộc huyện Võ Nhai giai đoạn 2007-2010 có tính đến 2015).
Người dân nghèo "chạy trốn" tại nhiều khu TĐC vì cơ sở hạ tầng thiếu thốn, xập xệ, thiếu đất canh tác...
Công ty cổ phần xây dựng và kinh doanh thương mại Đăng Dương được Chi cục PTNT Thái Nguyên chấp thuận trúng thầu với giá 4.326.511.237 đồng (trong khi giá mời thầu và giá dự toán là 4.331.321.429 đồng). Như vậy ở gói thầu này nhà thầu xây dựng trúng thầu với giá mà chỉ tiết kiệm được cho đầu tư ngân sách chưa đến 5 triệu đồng.
Tại công trình xây dựng đường xóm Vân Khánh - Liên Phương xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ (thuộc dự án đầu tư Bố trí ổn định dân cư tại chỗ cho vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc Mông tránh di dân tự do thuộc huyện Đồng Hỷ và huyện Võ Nhai) có giá gói thầu là 3.938.578.372 đồng.
Sau đấu thầu, Công ty cổ phần quản lý và xây dựng giao thông Thái Nguyên trúng thầu với giá 3.933.925.000 đồng (chỉ tiết kiệm cho ngân sách hơn 5 triệu đồng).
Những vòi nước sinh hoạt khô khốc.
Như Dân trí có nhiều bài phản ảnh, tiền ngân sách Nhà nước, ngân sách tỉnh Thái Nguyên và các nguồn vốn khác trong những năm qua đầu tư hàng trăm tỉ đồng để xây dựng các khu tái định cư (TĐC), khu dân cư tập trung. Mục tiêu là giúp người dân vùng thiên tai, vùng núi khó khăn có chỗ ở tập trung, ổn định, thoát khỏi sự đe dọa về tài sản, tính mạng đến từ thiên nhiên. Các khu TĐC khi lập đề án được kỳ vọng là sẽ giúp thay đổi, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Nhưng thực tế cho thấy người dân tại Thái Nguyên hưởng thụ dự án từ chính sách mang ý nghĩa, chiến lược dân sinh tầm Quốc gia khi phôi thai được người dân kỳ vọng bao nhiêu thì họ thất vọng bấy nhiêu khi nó thành hình hài . Người dân vẫn phải đối diện với cái nghèo, với những cái thiếu, những công trình, hạng mục nằm “đắp chiếu”, hoen gỉ.
Thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, người dân Tam Va phải mang đồ ra suối giặt.
Câu chuyện tồn đọng về sự lãng phí, kém hiệu quả….tại các dự án TĐC tới đây sẽ được cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên kiểm tra làm rõ các đơn vị, cá nhận phải chịu trách nhiệm trước số tiền đầu tư khổng lồ từ ngân sách nhưng không mang lại hiệu quả như Chính phủ từng mong muốn.
Chi cục Phát triển nông thôn Thái Nguyên là đơn vị chủ đầu tư các dự án quản lý sử dụng vốn đầu tư công như thế nào? Tiết kiệm được cho ngân sách ra sao? Có hay không “lợi ích nhóm” thông qua hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án? Tất cả những câu hỏi trên sẽ được cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên vào cuộc làm rõ.
Tuấn Hợp - Ngọc Liên