Bài 1:
Chuyện lạ ở Thái Nguyên: Dân nghèo lũ lượt "chạy trốn" khỏi nhà tái định cư!
(Dân trí) - Thời gian qua trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên xuất hiện một hiện tượng “lạ” là hàng trăm hộ dân nghèo, cận nghèo ở các vùng sạt lở đất, ngập lụt… sau khi được bố trí đến những khu tái định cư thì lại lũ lượt quay trở về chốn cũ, bỏ lại sau lưng những khu tái định cư hoang tàn.
Để lí giải cho “hiện tượng lạ” trên, phóng viên Dân trí đã vào cuộc điều tra thì bất ngờ phát hiện những khu tái định cư được đầu tư xây dựng theo chủ trương của Chính phủ và bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước đang bị chủ đầu tư có dấu hiệu bớt xén, gây thất thoát mà chưa có đơn vị nào đứng ra chịu trách nhiệm cho vấn đề an sinh xã hội này.
Người dân tại Thái Nguyên vẫn gọi là các Dự án tái định "7 không", nghĩa là “không nước sạch sinh hoạt; không vệ sinh môi trường; không nhà vệ sinh; không việc làm; không có đất canh tác; không điện thắp sáng; chết không có đất chôn”.
Thực hiện Quyết định 193/2006/QĐ-TTg ngày 24/8/2006 và 1776 của Thủ tướng Chính Phủ ngày 21/11/2012, UBND Tỉnh Thái Nguyên triển khai gồm hai giai đoạn: từ 2008-2010 và 2011-2015 định hướng đến 2020 (UBND Tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2970/QĐ-UBND ngày 24/11/2011) tổng 15 dự án lớn nhỏ, trong đó có 8 được xem trọng điểm tỉnh Thái Nguyên với tổng số tiền dành cho các dự án là trên 300 tỷ đồng.
Xuất phát từ ý nghĩa an sinh xã hội cao cả dành cho người dân các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới hải đảo…Dự án tái định cư để ổn định dân cư vùng lòng hồ Ghềnh Chè (xã Bình Sơn, thị xã Sông Công, nay là TP Sông Công tỉnh Thái Nguyên) ra đời đầu tiên năm 2008 được xem như là một “hình mẫu” về khu tái định cư (TĐC) kiểu mẫu của tỉnh.
Khu chợ dành cho người dân TĐC hồ Ghềnh Chè gần như bỏ hoang.
Đến tháng 9/2009, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, kí quyết định số 2369/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch dự án này.
Theo quy hoạch đã được phê duyệt, khu tái định cư gồm khu khu: A,B,C. Trong đó, khu A là khu TĐC cho các hộ dân di cư từ vùng lòng hồ Ghềnh Chè, Khu B là khu dân cư mới. Tổng diện tích khu đất là hơn 8,7ha. Trong phân khu chức năng có đất ở, đất cây xanh, đất công cộng, đất xây dựng chợ, đường giao thông. Không gian kiến trúc có sân chơi, cây xanh được bố trí đan xen và nằm tại vị trí trung tâm của khu ở…
Đa số người dân sau khi đến TĐC thiếu thốn trăm bề rồi lại quay về nơi cũ để kinh doanh sản xuất.
Trong giai đoạn 2008, Dự án ban đầu được trình ở mức đầu tư gần 20 tỷ đồng. Ngày 15/12/2010, UBND tỉnh Thái Nguyên có Quyết định số 3084/QĐ-UBND, điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên gần 26 tỷ đồng. Sau lần đội vốn này, công trình nhà văn hóa được đầu tư trên 439 triệu đồng, chợ trên 3 tỷ đồng, hạ tầng gần 7 tỷ đồng.
Theo quan sát của phóng viên Dân trí tại khu tái định cư đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên được nằm bên cạnh một nghĩa trang. Người dân nơi đây vẫn thường nói mỉa mai với nhau rằng: “chủ đầu tư di dân từ vùng lòng hồ Ghềnh Chè để ổn định cuộc sống bên nghĩa trang”.
Ông Đỗ Quang Đạo, Trưởng xóm Tân Tiến (Khu TĐC lòng hồ Ghềnh Chè) khẳng định, chưa một lần được dùng nước sạch, điện...tại khu TĐC này.
Những hộ dân nơi đây cho biết, ban đầu bà con hay tin về việc được di dân từ vùng lòng hồ ngập lụt bao năm được chuyển ra khu tái định lại có đất sản xuất, điện, đường, trường, trạm…được bố trí ổn định cho cuộc sống người dân, khiến ai cũng phấn khởi, mừng ra mặt.
Thế nhưng một thực tế xảy ra, khi người dân được di dân về khu tái định cư thời gian ngắn thì họ lại lũ lượt kéo nhau quay trở về vùng lòng hồ Ghềnh Chè tiếp tục sinh sống, để lại khu tái định cư xơ xác, thưa thớt người.
Bề chứa nước sạch bị bỏ hoang từ nhiều năm nay.
Để tìm hiểu lí do vì sao người dân nghèo vùng khó khăn lại “chê” các khu tái định cư, ông Nguyễn Danh Chính, người dân di cư từ vùng lòng hồ Ghềnh Chè, bức xúc: “Chúng tôi từ khu lòng hồ Ghềnh Chè về đây từ năm 2010, nhưng kể từ khi về đây chúng tôi chưa gia đình nào được sử dụng nước sạch mà phải tự khoan giếng để lấy nước dùng. Còn hệ thống đèn chiếu sáng ở đường, từ ngày về đây chúng tôi cũng chưa thấy người ta bật bao giờ”.
Ông Đỗ Quang Đạo, Trưởng xóm Tân Tiến (Khu TĐC lòng hồ Ghềnh Chè) cho biết, khi ông ký nhận bàn giao với chính quyền sở tại ông không biết cái gọi là giếng khoan khổng lồ (được bịt bởi một tấm bê tông) có phải là giếng nước của dự án không, dưới giếng có máy bơm không. “Họ bảo tôi ký nhận bàn giao thì tôi ký”- ông Đạo nói.
Bà Nguyễn Thị Bình, xóm Tân Tiến, xã Bình Sơn, bức xúc: “Tôi từ xóm Khe Lim ra khu TĐC, được hỗ trợ 10 triệu đồng và đất theo nhân khẩu. Khi ra đây, chủ đầu tư có tư vấn sẽ có hỗ trợ học nghề, kiếm nghề để mưu sinh nhưng 10 năm rồi không có.
Khu TĐC hoàng tàn.
Chúng tôi ra đây gặp rất nhiều khó khăn, ruộng vườn canh tác không có, sống cạnh nghĩa trang, nguồn nước rất ô nhiễm, nhà tôi và các hộ gia đình khác phải khoan 5-6 cái giếng mới dùng được nguồn nước. Bởi nước đây có mùi hôi, tanh và nhuốm vàng.
Bãi rác thải hành chúng tôi suốt những năm vừa qua rất ám ảnh; đèn điện đường có mà không được dùng, hệ thống nước sạch nhà nước xây xong chưa một lần được dùng đến. Rồi chúng tôi nằm ngay sát nghĩa địa ấy,nhưng khi người dân TĐC chúng tôi người già hết số ra đi lại không có đất mà lo hậu sự, lại hành hương dài tận 7 - 8km về chốn cũ,nghĩ cực và tủi thân”.
Ngoài việc hệ thống chiếu sáng đường không được sử dụng, hệ thống cấp nước tê liệt (mặc dù trong phê duyệt trước đó nguồn nước khu dân cư là nước giếng khoan đã có xử lý đạt tiêu chuẩn, xây bể chứa khu vực dung tích 200m3), nhà văn hóa, đường nội khu xuống cấp.
Ngoài ra, theo quan sát của phóng viên có rất nhiều hạng mục của dự án như “thiếu”, chưa hoàn thiện như dự án ban đầu đã “vẽ” và theo báo cáo của chủ đầu tư đến các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên.
Cụ thể, tại Quyết định số 2369/QĐ-UBND ban hành ngày 23/9/2009, UBND tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt Quy hoạch xây dựng điểm dân cư trên có 3 trụ cứu hỏa. Nhưng thực tế hiện tại không có hạng mục trên (có xác nhận của trưởng xóm và Bí thư Chi bộ xóm Tân Tiến).
Những cột đèn chiếu sáng công cộng mà người dân phản ánh chưa một lần được thắp sáng mà sự hiện diện của nó dường như để cho chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ thiết kế.
Ông Đỗ Quang Đạo, trưởng xóm Tân Tiến cho biết, “hiện nay ở khu TĐC phần lớn là các hộ dân đều quay trở lại hồ Ghềnh chè để tiếp tục sản xuất, những ngôi nhà TĐC giờ là con cháu những người có suất của bố mẹ cho ở tạm còn hầu hết các gia đình khóa của trở lại vùng lòng hồ sản xuất”.
Điều tra của phóng viên cho thấy trong Giai đoạn 2008-2016, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện hàng loạt các dự án xây dựng tái định cư (TĐC) như: Dự án TĐC lòng hồ Ghềnh Chè; Dự án di dân vùng thiên tai có nguy cơ lũ ống, lũ quét tại xã Văn Yên, huyện Đại Từ. Dự án đầu tư tổng thể bố trí ổn định dân cư vùng bán ngập hồ Núi Cốc. Dự án này xây dựng 3 khu tái định cư thuộc huyện Đại Từ gồm: (KTĐC Đồi Tròn, xã Lục Ba – bố trị sắp xếp cho 32 hộ; KTĐC xã Tân Thái bố trí cho 37 hộ; KTĐC xã Vạn Thọ bố trí cho 35 hộ); Dự án đầu tư di dân vùng thiên tai có nguy cơ sạt lở đất xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ...
Giai đoạn 2015-2016, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục phê duyệt dự án đầu tư ổn định dân cư vùng thiên tai xóm Bậu, xã Bình Long, huyện Võ Nhai.
Cuối tháng 12/2015, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục phê duyệt dự án khu TĐC di dân khẩn cấp vùng thiên tai sạt lở đất và có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và kè bờ suối khắc phục sạt lở khu vực UBND và Trạm y tế xã Linh Thông.
Việc tỉnh Thái Nguyên liên tục phê duyệt các dự án TĐC cho người dân vùng thiên tai được dư luận, người dân tại Thái Nguyên đồng tỉnh ủng hộ bởi đây là các dự án an sinh xã hội, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Tuy nhiên khi thực hiện dự án khu TĐC đang có dấu hiệu sai phạm cần cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ.
Tuấn Hợp - Ngọc Liên