Đắk Nông: Đường chưa làm xong đã hỏng, dân nghi xi măng kém chất lượng

(Dân trí) - Nhằm phục vụ bà con nhân dân trong thôn, đầu năm 2019, thôn Nam Tiến (xã Nâm Nung, huyện Krông Nô) được nhà nước hỗ trợ xây dựng một con đường chiều dài 1,1km. Tuy nhiên, vừa thi công được hơn 300m, con đường đã hư hỏng khiến người dân nghi ngờ xi măng có vấn đề.

Đường chưa làm xong đã hỏng, dân nghi xi măng kém chất lượng

Đường vừa làm đã nứt toác, bong tróc

Theo đó, để hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, thôn Nam Tiến (xã Nam Nung) được nhà nước hỗ trợ 100% khối lượng xi măng, 75% khối lượng cát đá với kinh phí khoảng 500 triệu đồng. Số còn lại người dân trong thôn tự đóng góp trên 300 triệu đồng để san lấp mặt bằng, thuê đơn vị thi công xây dựng.

Đầu tháng 4/2019, con đường bắt đầu được thi công. Để đảm bảo chất lượng, người dân thôn Nam Tiến thuê một đội kỹ thuật thi công, mỗi ngày có 2-4 người dân trực tiếp giám sát công việc.

Đắk Nông: Đường chưa làm xong đã hỏng, dân nghi xi măng kém chất lượng - 1
Đoạn đường với hàng trăm vết nứt xuất hiện ngay sau khi thi công

Theo ông Nguyễn Văn Hào (tổ trưởng tổ giám sát do người dân bầu), đội kỹ thuật chỉ bỏ công, còn tỷ lệ phối trộn do người dân quy định là Max 200, dày 16 phân, rộng 3m, (tức 6 bao xi, 8 tấc đá, 5 tấc cát). Tuy nhiên, mới làm buổi sáng, buổi chiều người dân đã phát hiện trên mặt đường có nhiều vết nứt. Được gần 400m, những vết gãy, nứt kéo dài, nhiều nơi mặt đường bong tróc, không đảm bảo chất lượng theo yêu cầu.

“Ngày nào chúng tôi cũng bảo dưỡng. Thế nhưng, sau 6 ngày, chỉ chà nhẹ trên mặt đường đã bong tróc hết. Ngay khi phát hiện có bất thường, chúng tôi đã báo cáo lên UBND xã, đồng thời yêu cầu ngừng thi công để thực hiện kiểm định chất lượng. Sau đó người của công ty xi măng có xuống kiểm tra chất lượng bê tông đã đổ và khẳng định là xi măng đảm bảo”, ông Hào cho biết.

Đắk Nông: Đường chưa làm xong đã hỏng, dân nghi xi măng kém chất lượng - 2
Chỉ cần chà nhẹ là lớp cát, đá bong tróc hết

Vẫn nghi ngờ xi măng có vấn đề, người dân mang 6 bao xi về tại UBND xã Nam Nung để chủ tịch xã, dân quân tự vệ đổ và cũng xuất hiện hiện tượng tương tự, xi măng không gắn kết.

Thông tin thêm về con đường, ông Phạm Văn Lâm (trú bon Jốc Ju, thành viên tổ giám sát) cho biết, những ngày đầu vết nứt chỉ nhỏ, nhưng càng về sau càng nứt lớn, chạy cắt ngang mặt đường. Đoạn đường trên đang thi công, chỉ có xe máy là được đi qua, không thể có chuyện xe có trọng tải lớn chạy qua là hư hỏng công trình.

Đắk Nông: Đường chưa làm xong đã hỏng, dân nghi xi măng kém chất lượng - 3
Bê tông nhưng sau hơn 1 tháng vẫn dùng tay bóp vụn được

“Bê tông đổ cả nửa tháng mà dùng ta vẫn bẻ được, vỡ vụn như bóp bánh quy. Còn mặt đường, sau vài trận mưa lớn là trôi hết lớp xi măng, chỉ còn lại cát và đá, trong khi đó các vết nứt thì ngày càng nhiều”, ông Lâm cho hay.

Xi măng cấp một loại, đưa về một loại?

Hiện tại còn hơn 100 bao xi măng chưa sử dụng, người dân đã tập kết và bảo quản để chờ xử lý. Ngoài ra, để chắc chắn những nghi ngờ của mình là chính xác, người dân đã bỏ 4 bao xi măng ngoài trời. Kết quả, sau hơn 1 tháng, với nhiều đợt mưa nắng kéo dài, 4 bao xi măng trên không hề đông kết hết.

Ông Phạm Xuân Trường (trú thôn Nam Tiến) thông tin, 4 bao xi măng này được để ngoài trời từ ngày 6/4. “Đến nay xi măng không chết (đông kết), vẫn ở dạng bột như bình thường. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, xi măng chỉ để ngoài trời vài ngày là đông cứng cả bao, vậy mà những bao này không có hiện tượng gì”.

Đắk Nông: Đường chưa làm xong đã hỏng, dân nghi xi măng kém chất lượng - 4
Người dân nghi ngờ do xi măng kém chất lượng

“Xi măng chỉ cần hơi ẩm là nó đã chết vậy mà bỏ mưa hơn 1 tháng nay vẫn không chết, thì có khả năng xi măng có vấn đề”, ông Trần Trọng Hà, đội trưởng đội thi công nghi ngờ.

Ngoài ra, theo người dân địa phương, loại xi măng cung cấp về cho người dân cũng khác với loại xi măng mà nhà nước cho. Theo ông Hào, trong biên bản nhận là xi măng FiCo, nhưng giao về là xi măng Hà Tiên. Việc thay đổi xi măng người dân không biết. “Vì là xi măng được nhà nước cho nên cứ có xi măng là tốt, không dám thắc mắc”, ông Hào cho hay.

Ông Trần Văn Quảng, Chủ tịch UBND xã Nam Nung cho biết, thời gian qua, người dân có ý kiến, nghi ngờ xi măng kém chất lượng. Xã có lấy hai mẫu về UBND đổ thử, trong đó có 1 mẫu thì không có hiện tượng gì, một mẫu thì bị nứt, bong tróc như con đường trên.

“Trước tình trạng trên, xã đã báo cáo với Phòng Kinh tế- Hạ tầng của huyện, để cơ quan chức năng xuống giám định, lấy mẫu nhưng đơn vị này vẫn chưa có ai xuống. Người dân yêu cầu, nếu xi măng kém chất lượng thì phải đền bù lại số xi măng và vật liệu, số ngày công. Còn đơn vị cung cấp xi măng cũng yêu cầu cơ quan chức năng giám định, nếu xi măng đảm bảo chất lượng thì đội kỹ thuật phải chịu trách nhiệm”, ông Quảng nói.

Đắk Nông: Đường chưa làm xong đã hỏng, dân nghi xi măng kém chất lượng - 5
Số xi măng còn lại đang được người dân bảo quản, chở xử lý

Lý giải về việc thay đổi xi măng, ông Quảng cho biết, xã trực tiếp hợp đồng với đại lý để cung ứng xi măng cho công trình. Theo thẩm định của Phòng Kinh tế -Hạ tầng là sử dụng xi măng FiCo. Thế nhưng, trên địa bàn xã không có xi măng FiCo, mặt khác trước đây địa phương cũng làm một số tuyến đường bằng xi măng Hà Tiên, đảm bảo chất lượng nên xã chọn xi măng Hà Tiên. Việc thay đổi này do xã tự quyết định chứ không có tờ trình gửi cho huyện.

Đắk Nông: Đường chưa làm xong đã hỏng, dân nghi xi măng kém chất lượng - 6
Kết quả kiểm định do Công ty xi măng Hà Tiên cung cấp

Sau khi nhận được phản ánh của người dân, đại diện của Công ty xi măng  đã xuống lấy mẫu để đi kiểm định chất lượng. Trong biên bản làm việc, đại diện công ty cũng xác nhận số lượng xi măng trên là sản phẩm của công ty. Kết quả kiểm định tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 cho thấy, các chỉ tiêu của sản phẩm đều đạt yêu cầu. 

Ông Nguyễn Hoài An, đại diện Công ty xi măng Vicem Hà Tiên cho biết, theo kết quả kiểm định 3 ngày thì xi măng hoàn toàn đảm bảo chất lượng, còn kết quả 28 ngày phải đến ngày 11/6 mới có. “Có thể hiện tượng trên xuất phát từ việc đội thi công không làm đúng kỹ thuật. Còn việc xi măng để ngoài trời không đông kết là do việc bảo quản của người dân không đảm bảo ?” , ông An cho hay.

Dương Phong