Đại học Bỉ coi trọng các ngành khoa học xã hội và nhân văn

(Dân trí) - Ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, hầu như các ngành đào tạo về khoa học xã hội và nhân văn bị « lép vế » so với các ngành khoa học công nghệ và kinh tế nói chung. Nhưng ở các nước phát triển (như Bỉ) không có tình trạng như vậy.

Chọn ngành yêu thích, hợp khả năng
 
Nếu dựa trên số đơn vị dạy học và nghiên cứu (Unité d'enseignement et de recherches), Đại học Liège có trên dưới 60 ngành tụ họp trong 9 phân khoa, 1 viện và 1 trường. Tổng số sinh viên tùy năm, khoảng 18.000 - 20.000. Ngành Sử, kể cả khảo cổ học, chỉ có gần 200 sinh viên, 1% tổng số sinh viên của Đại học. Nhưng xin đừng vội kết luận là khoa học xã hội và nhân văn ở Bỉ cũng ít người học như ở Việt Nam. Trang nhà của các Đại học giới thiệu rất rõ ràng số sinh viên của các phân khoa và chuyên ngành.

 

Một cách tổng quát xin đưa dưới đây vài con số tại Đại học Liège, năm rồi :

 

Về khoa học xã hội và nhân văn :

            . Văn khoa và triết                 14% tổng số sinh viên

            . Quản trị xí nghiệp, kinh tế    15%        

            . Luật và chính trị                   12%

            . Tâm lý và giáo dục               9%

            . Xã hội và nhân chủng học     4%

 

Các con số này cho thấy là có sự gần như thăng bằng (hiện là 54% và 46% sinh viên) giữa một bên là khoa học xã hội và bên kia, khoa học thực nghiệm, Y khoa, Thú Y và Kỹ sư.

Theo các nghiên cứu, sinh viên thành công dễ dàng hơn trong quá trình học khi chọn ngành mình yêu thích và tùy hợp với khả năng. Lúc ra trường, ngoài những nghề tự do (như bác sĩ mở phòng mạch, luật gia mở phòng tư vấn, ...), sự khó khăn tìm việc không tùy thuộc ngành xã hội hay ngành khoa học tự nhiên mà tùy thuộc nhiều lý do tâm lý (cá tính, nhân cách chẳng hạn) và xã hội (gia đình, giai cấp, vòng quen biết liên hệ, ...).

Học sử để hiệu cả quá khứ và hiện tại

Lịch sử ngày nay – lịch sử theo quan niệm hiện đại – là lịch sử toàn cảnh (histoire globale) mà ta nghiên cứu với những phương pháp độc đáo. Nằm trong lịch sử toàn cảnh : không chỉ có những sự kiện chiến tranh thời cuộc, dĩ nhiên rồi, mà còn có khí hậu, văn minh vật chất,  những quan điểm, triết lý, đời sống vật chất, tinh thần của các giai cấp, tầng lớp xã hội, ... trong quá khứ.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ email: thaolam@dantri.com.vn

Học lịch sử để biết ông cha ta đã sống như thế nào, để hiểu gia tài mà tổ tiên ta đã để lại. Từ đó để tự hiểu chính chúng ta và có trách nhiệm đối với các thế hệ con cháu của chúng ta - những gì ta làm hiện thời sẽ là lịch sử của chúng .

 

Nhiều nhà sử học hạnh phúc với nghề của họ, họ say mê nghiên cứu và viết sách về Thế chiến II, về văn minh La Mã, về cuộc chiến ở Algérie... Hay gần với ta hơn, về cái chết qua các thời đại, về vai trò của tiến bộ y khoa trong sự tự do tình dục ...

 

Có nhiều thí dụ khác nữa, trong đó vai trò của lịch sử không thể chối cãi được. Khi nói về cấu trúc của gia đình, để có thể hiểu tại sao hiện thời gia đình ở châu Âu chỉ là gia đình hạt nhân (chỉ có hai vợ chồng và các con của họ) cũng phải nhắc tới các hình thức gia đình gốc và gia đình đại tộc, phải phân tích những lý do khiến các cấu trúc gia đình ấy phải nhường chỗ cho cấu trúc hạt nhân.

 

Khi nói đến việc giải phóng phụ nữ ở Việt Nam, phải nói đến vai trò của người phụ nữ trong hai cuộc chiến giành độc lập ở thế kỷ thứ 20 (ba đảm đang - giỏi việc nước, đảm việc nhà và việc sản xuất). Rồi những ảnh hưởng còn lại của Khổng giáo như « tam tòng tứ đức » (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử và công dung ngôn hạnh) ...

 

Mối liên hệ giữa Thầy giáo và học trò, giữa Thầy thuốc (Bác sĩ) và bệnh nhân cũng là những liên hệ do lịch sử truyền lại cho ta. «Truyền thống» là một trong những lý do giải thích vai trò được tôn vinh của các Thầy giáo và Thầy thuốc trong xã hội.
 
 Đại học Bỉ coi trọng các ngành khoa học xã hội và nhân văn - 1

Học lịch sử để biết ông cha ta đã sống như thế nào, để hiểu gia tài mà tổ tiên ta đã để lại.(nguồn ảnh: internet).

 

Không hiểu lịch sử thì không thể hiểu được thấu đáo hiện tại và có thể sẽ bất lực trước định hướng tương lai. Cái ý đó, nhiều người đã nói từ lâu. Cái cần là ta học sử để có thể so sánh hiện tại với quá khứ và để hiểu cả hai. Đó là một cách để sống với xã hội và sống trong xã hội.

 

Đào tạo chuyên môn và con người

 

Có thể lấy thí dụ như ngành sử học, ít nhất là có 5 nơi «dụng võ» :

            . đi dạy trung học

            . nghiên cứu

            . làm việc ở các trung tâm tài liệu, quản thủ thư viện 

            . nghề báo chí, viết văn

            . công chức ở các cơ quan di tích, bảo tồn di sản

 

Đó là chưa kể đến khả năng giữ các chức vụ cần kỹ năng tìm tòi, thận trọng đánh giá, phân tích và giải thích một cách khoa học – những kỹ năng mà bất cứ một sử gia nào cũng có.

 

Theo quan niệm hiện thời ở Bỉ, trừ trường hợp của Y khoa, đào tạo đại học không những là đào tạo chuyên môn mà còn là đào tạo người.

 

Một luật gia biết lý luận, có phương pháp và trí nhớ tốt, có khả năng phát biểu trước đám đông, biết tổ chức công việc và điều khiển nhân viên. Đó là mẫu lý tưởng cho các xí nghiệp cần tuyển người lãnh đạo! Minh chứng là một nghiên cứu ở Bỉ năm 1986, cho thấy không đến 20% luật gia ra trường làm luật sư hay thẩm phán. Số còn lại, tức là đa số, làm đủ thứ nghề thậm chí ... đi bán tranh hay làm nghệ sĩ. Mà tất cả đều thành đạt, tức là thuộc tầng lớp thượng lưu với lợi tức cao.

 

Một thí dụ khác: hơn phân nửa kỹ sư tốt nghiệp Đại học Liège trong những năm 1970-1980 hiện là giám đốc hành chính, tài chính, thương mại, nhân sự ... và hoàn toàn không có trách nhiệm sản xuất hay xây dựng – khả năng mà họ được đào tạo trước đó.

 

1 năm sau khi ra trường, theo Hội những cựu sinh viên Sử của Đại học Liège, không một sử gia nào thất nghiệp mặc dù từ nhiều năm nay, tỉ lệ thất nghiệp tại Bỉ khá cao (10-15% dân trong tuổi đi làm).
 

Chính vì thế mà cơ quan hướng dẫn ngành học vẫn «trấn an» các sinh viên tương lai, khuyên các em cứ ghi danh học sử nếu các em thích, nếu các em thuộc «hạng» hay tò mò trí tuệ, thường đi thư viện, viện bảo tàng tìm tòi tài liệu, thích đọc sách, thận trọng phán xét, biết suy luận và so sánh ...

 

Phải nói thêm là đại đa số sinh viên học cao đẳng và đại học ở Bỉ không lấy mục đích kiếm sống (mục đích thực tiễn) như lý do chính hay lý do đầu tiên để chọn ngành học.

 

                                                   Nguyễn Huỳnh Mai
Liège, Bỉ

 

LTS Dân trí - Bài viết trên đây của tác giả quen thuộc trên Diễn đàn Dân trí Nguyễn Huỳnh Mai cho chúng ta biết đại học Ở Bỉ, cụ thể ở đây là Đại học Liège là một đại học đa ngành luôn coi trọng việc đào tạo các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Tỷ lệ đào tạo các ngành học này so với  các ngành khoa học thực nghiệm gần như tương đương. Cơ hội tìm việc làm của những sinh viên tốt nghiệp dường như không phụ thuộc vào ngành học mà có thể làm « trái nghề », vì quá trình học đều có phần «đào tạo người » chứ không chỉ là đào tạo chuyên môn.

 

Cách đào tạo cũng như cách tuyển dụng và nguồn việc làm ở Bỉ tạo cơ hội cho học sinh chọn những ngành nghề mà mình ưa thích và phù hợp với khả năng. Đấy cũng là tiền đề giúp cho sinh viên đạt kết quả tốt trong quá trình học tập cũng như dễ thành đạt hơn khi bước vào đời.