Nâng cao chất lượng môn học lịch sử cần giải pháp đa chiều

(Dân trí) - Trong hệ thống giáo dục của bất cứ quốc gia nào, lịch sử luôn là môn học bắt buộc và có vai trò quan trọng hình thành nhân cách, tư tưởng và tinh thần của mỗi người. Bác Hồ đã viết: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.

Trên thực tế, cùng với sự phát triển kinh tế đất nước, nhận thức của người dân ngày một nâng cao, nhưng hiểu biết của học sinh ngày nay về lịch sử dân tộc ngày càng mơ hồ đến mức đáng báo động.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ email: thaolam@dantri.com.vn

Chất lượng đào tạo môn lịch sử, nhận thức và kết quả học tập của học sinh về môn lịch sử không phải bây giờ chúng ta mới đề cập. Mà thực trạng này đã diễn ra trong ngành giáo dục 5 - 7 năm nay. Có chăng kết quả kỳ thi đại học năm nay có tới hàng nghìn điểm 0 chỉ là giọt nước tràn ly, gây ra những bức xúc thực sự cho xã hội về chất lượng dạy và học môn học này. Nhưng muốn đánh giá đúng và tìm giải pháp khắc phục, chúng ta cần nhìn nhận khách quan và tránh đổ lỗi hoàn toàn cho ngành giáo dục về thực trạng yếu kém này.

Để có một giải pháp hiệu quả nâng cao chất lượng giáo dục môn lịch sử ở bậc học phổ thông, chúng ta cần nhìn nhận đa chiều và có những giải pháp đa chiều.

Nâng cao nhận thức của xã hội
Trong nhiều năm nay, môn lịch sử luôn bị coi là môn phụ, là môn thi của những người không học được khối A, B, D và là môn của những người học “thuộc lòng”. Tôi dám chắc rằng, không chỉ phụ huynh, học sinh mà ngay cả nhiều thầy cô dạy các môn tự nhiên cũng đều có quan niệm như vậy. Và đã là môn phụ thì rất khó để học sinh quan tâm học hành tử tế, thầy giáo cũng mất hứng thú sáng tạo trong giảng dạy sao cho tốt.

Bên cạnh đó, sự lên ngôi của các ngành kinh tế, kỹ thuật và công nghệ ở bậc đại học trong những năm qua cũng góp phần làm hạ thấp vai trò của môn lịch sử nói riêng và các môn khoa học xã hội và nhân văn nói chung. Ngày càng ít học sinh có năng lực đam mê hoặc có mong muốn theo học môn lịch sử.
Xu hướng này có lẽ đi ngược với xu hướng phát triển của những nền giáo dục tiên tiến. Chúng ta không học đâu xa, hãy nhìn sang Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… Đó là những nền giáo dục biết coi trọng môn lịch sử thể hiện qua việc sản xuất và xuất khẩu được nhiều bộ phim lịch sử của nước mình. Có được điều đó xuất phát từ việc nhà nước, xã hội và nhà trường nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của giáo dục lịch sử dân tộc.
Nâng cao chất lượng môn học lịch sử cần giải pháp đa chiều - 1

Nhà nước, các cơ quan văn hóa, Bộ Giáo dục Đào tạo cần tăng cường công tác tuyên truyền, không chỉ coi lịch sử đơn thuần là môn học mà là những giá trị văn hóa, truyền thống dân tộc, cội nguồn dân tộc mà mỗi người dân cần phải thấu hiểu sâu sắc. Môn lịch sử cần được Bộ Giáo dục Đào tạo đưa vào môn thi bắt buộc trong mỗi kỳ thi tốt nghiệp các cấp giống như môn Toán và môn Văn, thay vì là một môn lựa chọn như hiện nay.

Chuẩn hóa tuyển chọn và đào tạo giáo viên

Những năm trước đây, ngành lịch sử của nhiều trường ĐH như Đại học Tổng hợp trước đây và sau này là ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn, ĐH Sư phạm Hà Nội… luôn là ngành có số điểm đỗ cao, là ngành được nhiều sinh viên giỏi theo đuổi. Nhưng một vài năm gần đây, mức độ thu hút của ngành lịch sử ngày càng giảm, kéo theo điểm đỗ vào các khoa liên quan đến ngành lịch sử cũng theo xu hướng “thấp dần đều”. Nguyên nhân của thực trạng này cũng bắt nguồn từ cuộc sống, buộc mọi người đều phải lo “cơm áo, gạo tiền”.

Bản thân tôi cũng từng đạt giải quốc gia môn Lịch sử, cũng từng theo học ngành Lịch sử nhưng cũng giống bạn bè mình: rất khó để sống được với nghề Lịch sử. Tôi  biết có không ít bạn từng học hệ cử nhân tài năng chuyên ngành Lịch sử, nhưng khi ra trường cũng khó tìm cho mình một việc làm thích hợp, hoặc có tìm được thì khó mà đảm bảo cuộc sống của mình và gia đình. Những bạn học giỏi đã khó, còn những bạn học lực trung bình thì càng khó hơn rất nhiều.

Thực trạng đó càng làm nặng nề thêm định kiến môn sử là môn học thuộc lòng, khiến nhiều bạn có năng khiểu về môn Lịch sử không còn mặn mà thi vào các trường Sư phạm hay trường nghiên cứu Lịch sử. Đầu vào có nhiều hạn chế, dẫn đến sản phẩm đầu ra khó mà có thể là những sản phẩm tốt.

Chất lượng và phương pháp đào tạo những cử nhân hay giáo viên lịch sử hiện nay cũng là điều đáng bàn. Có thể khẳng định rằng, nhiều bạn sinh viên của ngành lịch sử - những giáo viên dạy sử tương lai, mà vẫn còn mơ hồ về nhiều nội dung lịch sử đã từng học. Đó là hệ quả của phương pháp đào tạo “truyền thống” mà nhiều trường ĐH đang áp dụng: Thầy đọc – Trò chép. Đến cuối kỳ, sinh viên học thuộc giáo trình và đi thi, còn bản chất của sự kiện, vấn đề lịch sử nào có tính điển hình của mỗi giai đoạn, hay việc nắm bắt các kiến thức lịch sử có tính hệ thống và lôgich… thì rất ít sinh viên nắm vững.

Bởi vậy, để đổi mới phương pháp giảng dạy môn Lịch sử, Bộ giáo dục Đào tạo nên đổi mới từ chính khâu đào tạo đại học. Cần thay đổi phương pháp đào tạo những cử nhân và giáo viên Lịch sử từ những “cỗ máy đọc thuộc”, sang những giáo viên dạy môn Lịch sử một cách sáng tạo và có sức thuyết phục cao. Cần trang bị cho họ những phương pháp giảng dạy hiện đại, hiệu quả nhằm phát huy tính sáng tạo, chủ động của học sinh hơn là phương pháp truyền đạt một chiều.

Song song với quá trình đó, nhà nước nên có chính sách đãi ngộ tốt hơn cho những giáo viên nói chung và giáo viên dạy lịch sử nói riêng để họ thực sự yên tâm với nghề. Mặt khác, các trường ĐH, CĐ cần có biện pháp quy tụ và thu hút những giáo viên giỏi, sinh viên giỏi về với bộ môn Lịch sử.

Đổi mới phương pháp dạy và học

Bên cạnh nguyên nhân khách quan, chất lượng dạy và học môn Lịch sử yếu kém  vẫn thuộc về trách nhiệm của những giáo viên dạy sử. Tôi đồng tình với quan điểm của PGS.TS Vũ Quang Hiển về nhận định: Không có học trò dốt sử, mà chỉ có những người thầy chưa giỏi về dạy sử. Rõ ràng ở đây, phương pháp và cách dạy lịch sử của các thầy cô đang có vấn đề, nếu không muốn nói là không hiệu quả.

Hầu hết học sinh khi học môn lịch sử đều cố gắng học thuộc lòng và nhớ từng sự kiện mà không có khả năng phân tích, khái quát, nhìn nhận sự kiện lịch sử trong  bối cảnh thời đại. Từ đó thấy rõ bản chất, nguyên nhân và mối liên hệ của các sự kiện để hệ thống hóa vấn đề cho dễ nhớ những sự kiện điển hình, tiêu biểu của mỗi giai đoạn lịch sử và không sa đà vào những chi tiết vụn vặt. Cách giảng dạy môn Lịch sử của đa phần thầy cô vẫn là Thầy đọc – Trò chép. Các bài kiểm tra đưa ra tập trung quá nhiều vào việc liệt kê, điểm lại các sự kiện mà chưa coi trọng việc phân tích, tìm ra mối liên hệ giữa các sự kiện, phát huy khả năng khái quát, sáng tạo và biết cách hệ thống hóa vấn đề của học sinh.

Môn Lịch sử là môn học dựng lại quá khứ thông qua các sự kiện, con số để phân tích và rút ra bài học sinh động cho thực tiễn ngày nay. Để giúp học sinh dựng lại quá khứ, nếu chỉ đơn thuần cung cấp cho học sinh qua các sự kiên  khô khan thì không hiệu quả - đó là công việc của internet với công cụ tìm kiếm Google. Bản thân giáo viên Lịch sử nên đổi mới phương pháp dạy học qua việc đưa ra các chủ đề, vấn đề lịch sử để học sinh tự tìm tài liệu, phân tích và đánh giá. Dạy Lịch sử qua các hình ảnh, bộ phim, các tình huống mô phỏng cũng là một phương pháp hay để dạy hiệu quả môn này.

Thay vì là người truyền đạt các sự kiện, con số, người dạy học lịch sử hãy đổi mới phương pháp để biến học sinh từ người bị động tiếp nhận kiến thức thành người chủ động đi tìm kiến thức, chắp nối sự kiện, khái quát vấn đề và nhận thức đúng về bài học lịch sử. Nhà trường nên đầu tư máy chiếu, các bộ phìm tài liệu, bộ phim lịch sử làm công cụ dạy học lịch sử có hiệu quả.

Nâng cao chất lượng dạy học môn lịch sử ở trường phổ thông, không chỉ đơn thuần là thay đổi phương pháp giảng dạy. Để thay đổi thực trạng yếu kém của môn học này hiện nay đòi hỏi những giải pháp đồng bộ từ thay đổi nhận thức về môn học, nâng cao chất lượng biên soạn sách giáo khoa cũng như thực hiện đãi ngộ, tuyển chọn giáo viên dạy Lịch sử và cuối cùng mới là thay đổi phương pháp giảng dạy. Đó là vấn đề về nhận thức chung của xã hội, chứ không phải chỉ của ngành giáo dục và bản thân các giáo viên dạy lịch sử.
 

Ngô Phú Mạnh
CEO Học viện CNTT Quốc tế karROX Ấn Độ

LTS Dân trí - Đánh giá bất kỳ một sự yếu kém nào đều phải thấy đầy đủ những nguyên nhân chủ quan và khách quan, từ đó mới có thể tìm được những giải pháp đúng đắn và có tính đồng bộ nhằm giải quyết từ gốc tình trạng yếu kém đó.

Theo quan điểm như vậy, bài viết trên đây  có sự nhìn nhận khách quan về tình trạng yếu kém của môn lịch sử ở bậc học phổ thông cũng như đại học. Từ đó tác giả kiến nghị những giải pháp có tính đa chiều nhằm khắc phục tình trạng này.

Nhìn về lâu dài, chúng ta cần thực hiện những biện pháp đồng bộ từ việc xác lập đúng dắn vai trò, vị trí của môn lịch sử đến việc quan tâm đào tạo cũng như chăm lo tốt hơn đời sống của những giáo viên dạy sử cũng như đội ngũ giáo viên nói chung. Đồng thời đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học môn Lịch sử. Trước mắt, cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của môn Lịch sử cả trong nhà trường cũng như xã hội. Nên đưa môn học này thành môn thi bắt buộc trong các kỳ thi chuyển cấp và tốt nghiệp THPT.