Cần đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy môn Lịch sử

(Dân trí) - Qua việc chấm những bài thi lịch sử kỳ thi đại học năm nay, thấy bộc lộ rõ rệt sự yếu kém về cách dạy và học môn này.

Mặc dù những người chấm bài đã thực hiện Hướng dẫn chấm thi tuyển sinh môn lịch sử năm 2011: những bài làm có sử dụng những kiến thức lịch sử đúng, phù hợp…, thì cán bộ chấm thi có thể vận dụng cho điểm thưởng…; nếu thí sinh có cách làm riêng (và đúng) vẫn chấm theo thang điểm quy định, nhưng hầu như rất ít bài làm có tính sáng tạo.

Vốn là giảng viên của Khoa Lịch sử Trường Đại học Tổng hợp trước đây (từ năm 1980); cũng là giảng viên môn Phương pháp dạy học lịch sử của Khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội từ năm 2000 và tham gia chấm thi gần 30 năm, tôi thấy chất lượng dạy học môn lịch sử chưa tốt do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng có một nguyên nhân quan trọng là do cách dạy và học. Tôi cho rằng chỉ có mình là thầy dốt, chứ trò không dốt đâu.

 

Phân tích từng câu hỏi của đề thi, tôi có đôi lời muốn trao đổi với đồng nghiệp và các em học sinh.

 

Ở Câu I (3,0 điểm). Phân tích nguyên nhân ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ email: thaolam@dantri.com.vn

Đây là câu hỏi khó, thuộc chương trình lớp 11, đòi hỏi khả năng phân tích và tổng hợp, hiểu được quan hệ nhân quả giữa các sự kiện và quá trình lịch sử. Bất cứ hành động nào cũng có nguyên nhân (khách quan và chủ quan). Nếu chúng ta dạy cho học sinh phân biệt được nguyên nhân và hoàn cảnh lịch sử, hiểu nguyên nhân là những yếu tố dẫn đến hành động, thì họ sẽ không lầm lẫn với hoàn cảnh nói chung. 
 

Kinh nghiệm ở đây là phải dạy học sinh biết khái quát quá trình lịch sử, hiểu mối quan hệ giữa các sự kiện, chứ không nên bắt học sinh thuộc lòng những chi tiết vụn vặt với con số và ngày tháng quá chi tiết, để rồi trình bày lại một cách máy móc và rồi sẽ quên đi trong một thời gian ngắn.

 

Ở Câu II (2,0 điểm). Luận cương chính trị tháng 10 – 1930 của Đảng Cộng sản Đông Dương có những điểm gì khác so với Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam? Những vấn đề đó được giải quyết như thế nào trong giai đoạn 1939 – 1945?
 

Câu hỏi yêu cầu nêu những điểm khác nhau, không yêu cầu nêu những điểm giống nhau. Thực chất những điểm khác nhau đó là hạn chế của Luận cương chính trị tháng 10 – 1930 so với Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng.

 

Ở vế thứ hai của câu hỏi chỉ yêu cầu nêu sự giải quyết những vấn đề trên (nội dung chính của sự chuyển hướng đấu tranh giai đoạn 1939-1945), không bắt buộc trình bày việc thực hiện sự chuyển hướng.

 

Kinh nghiệm ở đây là phải dạy học sinh cách so sánh, nêu được những điểm giống nhau và khác nhau. Kẻ bảng là để so sánh, chứ không phải liệt kê những nội dung bên cạnh nhau. Nếu như dạy họ cách nhận xét (những điểm khác nhau đó là đúng hay sai? Có ảnh hưởng gì đến phong trào cách mạng...) thì càng tốt.
 
Cần đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy môn Lịch sử - 1

Mỗi kỳ thi qua nhiều người lại một lần nữa trăn trở về kết quả đáng buồn của môn lịch sử (nguồn ảnh: tienphong.vn)

 

Ở câu III (2,0 điểm). Trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước (1954 – 1975), nhân dân Việt Nam đã căn bản hoàn thành nhiệm vụ “đánh cho Mĩ cút” bằng thắng lợi nào? Nêu tác động của thắng lợi đó đối với sự phát triển của cách mạng miền Nam.

 

Câu hỏi yêu cầu nêu được giá trị quan trọng nhất của việc kí kết Hiệp định Paris (27 – 1 – 1973) là "hoàn thành căn bản" nhiệm vụ "đánh cho Mĩ cút”,  chứ không phải những thắng lợi trước đó chỉ “góp phần” đánh cho Mĩ cút. Chữ “hoàn thành căn bản” là một sự gợi ý. SGK Lịch sử 12 khẳng định: “Với Hiệp định Paris năm 1973, ta đã “đánh cho Mĩ cút”, tr. 190.

 

Kinh nghiệm ở đây là dạy cho học sinh biết cách phân tích đề bài, nếu bỏ qua chữ "hoàn thành căn bản" thì sẽ nhầm sang sự kiện khác (như các thắng lợi trong hai mùa khô 1965-1966, 1966-1967, Mậu Thân 1968 hay trận Điện Biên Phủ trên không 1972...). Khi đã trả lời đúng vế thứ nhất, thí sinh sẽ làm được vế thứ hai của câu hỏi.

 

Câu IV.a. Theo chương trình Chuẩn (3,0 điểm). Khái quát quá trình hình thành và phát triển của tổ chức liên kết chính trị - kinh tế lớn nhất hành tinh từ năm 1951 đến năm 2000.

 

Câu hỏi yêu cầu nhận biết được liên minh chính trị - kinh tế lớn nhất hành tinh là EU (như SGK Lịch sử 12 đã khẳng định, tr. 52), nhận biết được EU, khác với UNO, vì UNO không phải là liên minh kinh tế, hình thành năm 1945 chứ không phải từ năm 1951.

 

Kinh nghiệm ở đây là phải dạy học sinh phân biệt được các tổ chức quốc tế, không lẫn tổ chức này với tổ chức khác. 

Cần đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy môn Lịch sử - 2

 (nguồn ảnh: internet) 

Câu IV. b.  Theo chương trình Nâng cao (3,0 điểm). Tóm tắt sự ra đời của các quốc gia độc lập ở Đông Nam Á trong năm 1945.

 

Câu hỏi không mới, đã từng xuất hiện trong các đề thì trước đây, được in trong sách Đề thi và hướng dẫn làm bài môn lịch sử của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1993). Đề số 14 (sách Đề luyện thi tuyển sinh và hướng dẫn làm bài luyện thi môn lịch sử của Trung tâm Khuyến học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2001, tr. 9) cũng có một câu tương tự: “Câu 3. Sự thành lập các quốc gia độc lập ở Đông Nam Á năm 1945”. Chữ “độc lập” là một tính từ, nhằm xác định rõ đối tượng phải đề cập.

 

Học sinh cần nhận biết được các quốc gia tuyên bố độc lập trong năm 1945 ở Đông Nam Á là Inđônêxia, Việt Nam và Lào. Tiếp đó là nêu hoàn cảnh lịch sử và sự tuyên bố độc lập của mỗi quốc gia; không yêu cầu tóm tắt quá trình đấu tranh giành độc lập (từ thế kỷ XIX) của nhân dân mỗi nước đó.

 

Kinh nghiệm qua câu hỏi này là phải dạy học sinh biết phân tích đề bài, chú ý giới hạn về thời gian và xác định đúng sự kiện.

 

Dạy học là quá trình gồm nhiều khâu quan hệ mật thiết với nhau. Việc kiểm tra, đánh giá, thi cử có tác động trở lại việc dạy và học. Đề thi tuyển sinh môn lịch sử năm 2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quả là khó, yêu cầu cao. Nhưng là một đề thi hay, được xây dựng công phu, nghiêm túc, góp phần khắc phục quan niệm “môn lịch sử là môn học thuộc lòng, không cần tư duy”. Các câu hỏi rất chặt chẽ, chính xác.

 

Từ vị trí một thầy giáo, tôi nghĩ rằng đội ngũ thầy, cô chúng ta nên nỗ lực hơn nữa, quyết tâm đổi mới cách dạy và học, chuyển mạnh từ “dạy cái” sang “dạy cách”, “thầy thiết kế, trò thi công, thầy trò cùng làm việc”. Giúp cho học sinh hứng thú học môn lịch sử và có cách học đúng, hình thành nên những tri thức lịch sử cơ bản và có hệ thống, góp phần giải quyết bài toán về chất lượng giáo dục. Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.  

 

                                             PGS, TS Vũ Quang Hiển

                        Khoa Lịch sử trường ĐH KHXH & NV, ĐHQG HN.

 

LTS Dân trí - Nếu có Thầy giỏi thì quả thật môn học lịch sử không phải là môn học buồn tẻ, toàn là những con số khô khốc và những chi tiết bề bộn, vô hồn, thật khó cảm và khó nhớ. Ngược lại, những sự kiện lịch sử sống động gắn với những nhân vật điển hình của mỗi giai đoạn lịch sử sẽ khắc sâu vào tâm khảm của học sinh. Đấy cũng là cách dạy có truyền cảm và có sức thuyết phục cao, giúp học sinh biết phân tích ý nghĩa của những sự kiện lịch và mối liên hệ giữa chúng với nhau để làm nên đặc điểm của mỗi giai đoạn lịch sử.

 

Đúng như tác giả bài viết trên đây đã nhấn mạnh: dạy lịch sử trước hết là dạy học sinh biết cách học môn lịch sử, thầy giúp trò tập làm quen với việc khái quát hóa quá trình lịch sử, so sánh đặc điểm của các giai đoạn lịch sử, hệ thống hóa những kiến thức cơ bản về lịch sử các giai đoạn. Chứ không sa đà vào những chi tiết vụn vặt, không có tính điển hình, rất khó nhớ mà lại dễ quên.

 

Nếu người Thầy tạo ra được sự hứng thú học môn sử đối với học sinh, nhất là những học sinh có định hướng thi khối C, thì chắc chắn kết quả thi môn sử không rơi vào thảm trạng nhiều số…0 đến như vậy!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm