Nguyên nhân khiến môn Lịch sử kém hấp dẫn

(Dân trí) - Kỳ thi đại học năm nay lại có thêm hàng ngàn bài thi bị điểm không (0). Vậy đâu là nguyên nhân làm cho môn học không đòi hỏi phải tư duy nhiều, mà kết quả lại bi thương đến vậy (?!).

Tại các kỳ thi đại học gần đây cho kết quả về điểm thi môn Lịch sử của học sinh quá yếu kém. Điểm thi môn Lịch sử tại kỳ thi đại học năm nay lại gây nên nhiều thất vọng cho xã hội nói chung, ngành giáo dục nói riêng. Có hàng ngàn bài thi môn Lịch sử bị điểm không (0). Đây là kết quả không ai mong muốn, nhưng vẫn phải chấp nhận! Điều đáng buồn là không phải riêng kỳ thi đại học năm nay mà đã nhiều năm qua chúng ta phải chấp nhận kết quả này. Thử tìm nguyên nhân, nhưng theo chúng tôi có bốn nguyên nhân chính sau đây:

Thứ nhất: Lâu nay môn lịch sử thường được coi là môn học phụ, ít được quan tâm đầu tư cả về mặt thời gian và con người. Trong khi các môn Văn, Toán, Hoá, Lý thời khoá biểu bố trí nhiều tiết trong tuần, thì môn lịch sử giỏi lắm cũng chỉ được bố trí 1-2 tiết/tuần. Về số tiết đã ít, còn thời gian học môn sử thường được bố trí vào sau các môn học trên, không mấy khi được bố trí vào đầu buổi học. Khi mà học sinh đã được nạp đầy Văn, Toán, Lý, Hoá… vào đầu, còn đâu hơi sức để học sử nữa!
 
Nguyên nhân khiến môn Lịch sử kém hấp dẫn - 1

Điểm thi môn Lịch sử tại kỳ thi đại học năm nay lại gây nên nhiều thất vọng cho xã hội nói chung, ngành giáo dục nói riêng.
 
Thứ hai: Phải thấy rằng việc học của học sinh chúng ta lâu nay là "học chay" và "dạy chay". Ngay cả những môn khoa học tự nhiên cũng không có phòng thí nghiệm, không có giáo viên thí nghiệm thực hành. Các môn học về xã hội, nhất là môn Lịch Sử lại càng không được bố trí cho học sinh xem phim về lịch sử, không được bố trí tham quan thực tế các địa danh lịch sử.
 
Trong khi các môn học khoa học tự nhiên có thêm nhiều tài liệu nâng cao, tài liệu tham khảo, môn Văn có nhiều bài văn hay, sách chọn lọc, các bài thi đại học đạt điểm cao… thì môn Lịch sử chưa bao giờ thấy xuất hiện những sách hướng dẫn, những bài sử chọn lọc, tham khảo, để cho các em ôn luyện.
 
Thứ ba: Là như trên đã nói môn Lịch sử lâu nay vẫn được xem là môn phụ, thường được thay thế cho môn ngoại ngữ đối với học sinh vùng nông thôn, miền núi. Cách dạy lại vẫn theo điệp khúc: thầy đọc, trò chép. Đã đến lúc chúng ta cần nghiêm túc kiểm tra, đánh giá chính xác về chất lượng của giáo viên dạy môn lịch sử. Đầu vào của sinh viên khoa sử thường được lấy điểm thấp hơn.
 
Trong khối C, các môn Văn và Địa lý được học sinh quan tâm hơn khi chọn vào trường đại học sư phạm, rồi mới đến môn lịch sử. Khi ra trường về công tác, giảng dạy ít cập nhật kiến thức, ít có điều kiện học lên cao. Chưa có số liệu thống kê đầy đủ nhưng chắc chắn rằng đội ngũ giáo viên dạy Lịch sử tại các trường trung học phổ thông có trình độ thạc sỹ trở lên không nhiều!
 
Về phía học sinh, do xác định là môn phụ, môn thay thế nên không quan tâm và không ham, không say mê, thiếu đầu tư cả về thời gian và công sức học tập. Tỷ lệ học sinh thi đại học môn Lịch sử có điểm thấp trong nhiều kỳ thi đại học cho thấy chất lượng giáo viên sử yếu kém!
 
Thứ tư: Sự đầu tư của Nhà nước cho việc xây dựng các bộ phim về lịch sử dân tộc Việt Nam chưa nhiều, phim đã trình chiếu chưa hay. Hàng ngày cứ mở tivi ra toàn thấy phim Trung Quốc, phim Hàn Quốc, ít thấy phim Việt Nam. Số phim sản xuất đã ít, nội dung phim nghèo nàn, chưa xem đã biết hết nội dung. Phim về Lịch sử ít, các cảnh sex lại quá trơ trẽn, ngay cả lớp trẻ cũng cảm thấy “khó nạp” đừng nói đến người lớn, người đứng đắn.
 
Trong khi nước ngoài thường đầu tư những bộ phim về lịch sử rất công phu, dài tập, chiếu rộng rãi giúp cho lớp trẻ biết, hiểu rõ các đời vua, các quá trình lịch sử… Còn ở VN, cách làm phim như vậy càng làm cho kiến thức lịch sử vốn đã nghèo trong đầu học sinh lại càng nghèo thêm.

Một năm học mới lại bắt đầu, người ta có quyền đặt câu hỏi: Giới sử học, các nhà làm sử, các nhà sư phạm dạy môn Lịch sử nói riêng, nền giáo dục Việt Nam nói chung, sẽ xây dựng chương trình học tập thế nào? Phương pháp dạy có gì cải tiến, để cho mùa thi tới không còn những bài thi “đau đớn” về lịch sử của dân tộc Việt Nam. Câu trả lời xin dành cho các nhà hoạch định chính sách và xây dựng chương trình giáo dục của Bộ Giáo dục & Đào tạo?!

Phùng Văn Mùi