Đà Nẵng: Xin nghỉ việc hơn 7 tháng mới được trả sổ bảo hiểm xã hội
(Dân trí) - Nộp đơn xin nghỉ việc tại trường ĐH Đông Á (Đà Nẵng) từ tháng 9/2015, nhưng đến cuối tháng 4/2016, chị Trần Thị H., nguyên giảng viên khoa Điều dưỡng của trường này mới được giải quyết hoàn tất các thủ tục nghỉ việc và hoàn trả sổ bảo hiểm xã hội.
Trao đổi với Dân trí, chị H. cho biết, chị đã được trường ĐH Đông Á (Đà Nẵng) giải quyết hoàn tất các thủ tục nghỉ việc và hoàn trả sổ bảo hiểm xã hội sau hơn 7 tháng kể từ khi nộp đơn xin nghỉ việc vào tháng 9/2015 để chăm sóc bố ở quê nhà bị ốm.
Trước đó, chị H. đã có đơn thư gửi đến Dân trí vào giữa tháng 4/2016 phản ánh về việc nhà trường chậm giải quyết chế độ và hoàn trả sổ bảo hiểm xã hội cho chị H., nguyên là giảng viên khoa Điều dưỡng của trường. Cụ thể, theo đơn thư của chị H.,dù đã nộp đơn xin nghỉ việc từ tháng 9/2015 nhưng đến đầu tháng 4/2016, nhà trường vẫn chưa giải quyết dứt điểm các chế độ (thanh toán tiết dạy dư so với số tiết dạy nhà trường khoán cho giảng viên theo quy định). Từ khi nộp đơn xin nghỉ việc, chị H. đã nổ lực gửi đơn qua email, đến trực tiếp gặp bộ phận hành chính nhân sự và ban đào tạo của nhà trường nhiều lần nhưng vẫn chưa được nhà trường hoàn trả sổ bảo hiểm xã hội, cũng như thanh toán các khoản còn lại giữa hai bên người sử dụng lao động và lao động.
Điều 47, Bộ Luật Lao động năm 2012 quy định:“Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày”. Căn cứ vào quy định trên, trong thời hạn 7 ngày hoặc tối đa không quá 30 ngày kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, nhà trường có trách nhiệm hoàn trả lại tất cả giấy tờ liên quan bao gồm cả sổ BHXH cho chị H. Như vậy, trong trường hợp của chị H., nhà trường đã quá chậm trong việc giải quyết hoàn tất các thủ tục nghỉ việc cho chị H., không thực hiện đúng Luật Lao động?
Đến ngày 5/4, nhà trường chưa có thông tin phản hồi qua email phản ánh thông tin bạn đọc báo Dân trí về trường hợp của chị H. Trao đổi với PV Dân trí qua điện thoại, bà Đào cho biết nhà trường đã giải quyết trả sổ BHXH và hoàn tất thủ tục nghỉ việc của chị H.
Bà Nguyễn Thị Anh Đào - Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH Đông Á nói trường hợp cô H. chậm giải quyết do cô H. xin nghỉ việc rồi bỏ việc luôn, nên việc đối chiếu qua lại để hoàn tất thủ tục xin nghỉ việc chậm. Phòng Hành chính nhân sự của trường này đã giải quyết xong nhưng do Trưởng Phòng Hành chính nhân sự của trường xin phép nghỉ đi chữa bệnh nên từ hôm giải quyết xong (4/5) đến nay (10/5) chưa gửi báo cáo cụ thể đến báo về việc giải quyết trường hợp của cô H. bằng văn bản.
Trường hợp của chị H. đã được nhà trường hoàn trả sổ bảo hiểm và hoàn tất các thủ tục nghỉ việc nhưng thời gian nhà trường giải quyết vụ việc quá chậm so với quy định của Luật Lao động. Qua đó, cho thấy, trong các trường hợp tương tự, người lao động cần nắm và ứng dụng Luật để yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện đúng luật quy định để đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Trích lục Bộ Luật Lao động ban hành năm 2012 (BLLĐ) và Nghị định của Chính phủ ban hành tháng 5/2015 (NĐ 05/2015) về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ Luật Lao động.
* Khoản 1d điều 37 BLLĐ 2012 quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động quy định người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong trường hợp bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động. NĐ 05/2015 hướng dẫn người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động tại khoản d điều 37 BLLĐ trong trường hợp phải nghỉ việc để chăm sóc vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng, con đẻ, con nuôi bị ốm đau, tai nạn; khi ra nước ngoài sinh sống và làm viêc; gia đình gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn...hoặc chuyển chỗ ở mà người lao động đã tìm mọi biện pháp nhưng không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động.
*Khoản 2 và 3 Điều 47 BLLĐ 2012 quy định về Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động: Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.
Khánh Hiền