Đà Nẵng: Nhà xây trái phép "ung dung" tồn tại, xây hồ nuôi lươn thì bị cưỡng chế
(Dân trí) - Cho rằng không công bằng khi trên cùng một thửa đất trồng lúa tách làm hai, thửa được xây dựng nhà không phép thì không bị tháo dỡ, thửa xây dựng hồ nuôi lươn không bùn lại bị tháo dỡ, một hộ nông dân đã gửi đơn khiếu nại nhiều nơi.
Đó là ông Nguyễn Phước (SN 1971, trú tổ 23B, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng).
Theo trình bày của ông Nguyễn Phước, gia đình ông có thửa đất số 380, tờ bản đồ số 11, tại khu vực tổ 22C (phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng). Để phát triển kinh tế gia đình, ông đầu tư mô hình nuôi lươn không bùn trên diện tích 15m2.
Trước khi xây dựng hồ nuôi lươn không bùn trên thửa đất này, ngày 14/8/2015, ông Phước đã có đơn xin phép làm mô hình nuôi lươn với kỹ thuật công nghệ mới đã được Chủ tịch Hội nông dân phường chấp thuận nhằm giải quyết việc làm cho gia đình và nuôi các con ăn học.
Ông Phước cho hay, bản thân ông không nghề nghiệp, vợ bệnh tật, sức khỏe yếu, không có việc làm ổn định, không phát triển nghề buôn bán nên đã chuyển đổi đất nông nghiệp trồng lúa sang quy trình nuôi con vật nuôi bằng hình thức xây bể nuôi lươn.
“Việc khuyến khích hộ nông dân phát triển kinh tế gia đình là chủ trương chung, đúng đắn của Đảng và Nhà nước đã được pháp luật thừa nhận, bảo hộ và cần nhân rộng điển hình, đầu tư quy mô theo hướng dịch vụ kinh tế mở. Tuy nhiên trên thực tế, địa bàn của phường Hòa Phát hiện nay là điểm nóng về quy hoạch treo, xây dựng nhà trái phép tràn lan trên đất nông nghiệp, tự chuyển đổi mục đích, tự chuyển nhượng giấy tờ “ba lá” nhưng không bị xử lý triệt để”, ông Phước trình bày.
Ông Phước cho rằng, riêng trường hợp xây dựng mô hình trang trại nuôi lươn không bùn của gia đình ông bị cưỡng chế, phá dỡ vì “ảnh hưởng đến công trình quy hoạch trật tư xây dựng đô thị” như quyết định của phường Hòa Phát là trái quy định của pháp luật, vì ông đã có cam kết khi Nhà nước có dự án giải tỏa sẽ trả lại mặt bằng như cũ.
Ông Phước cũng trích dẫn khoản 2 và 3 điều 15 Thông tư số 24/2009/TT-BXD ngày 22/7/2009 nêu rõ: “Nếu công trình xây dựng vi phạm không nằm trong quy hoạch xây dựng khu dân cư nhưng quy hoạch xây dựng khu vực này cũng chưa thực hiện ngay thì yêu cầu chủ đầu tư phải cam kết tự phá dỡ và không được bồi thường khi thực hiện quy hoạch xây dựng trong khu vực này. Nếu công trình xây dựng vi phạm nằm trong quy hoạch xây dựng khu dân cư ổn định nhưng lấn chiếm không gian, lấn chiếm đất đai, chỉ giới xây dựng, chỉ giới đường đỏ thì phải kiên quyết tháo dỡ”.
“Tôi không vi phạm những điều đã nêu trên. Việc lãnh đạo phường Hòa Phát cứng nhắc kiên quyết phá dỡ công trình chỉ cao 1,2m trong khuôn viên đất đã xây dựng tường bao, cổng ngõ che kín, có cả trăm con gà, vịt được nuôi nhốt tại đây liệu có phải là giải pháp đúng đắn, xử lý đúng quy định mà chính quyền địa phương đang thực hiện?”, ông Phước trình bày.
Clip cưỡng chế hồ nuôi lươn của ông Phước và ông trình bày bức xúc của mình
Điều bức xúc của ông Phước là cùng một thửa đất, cùng mục đích sử dụng là trồng lúa nhưng có hộ lại được quyền xây dựng nhà ở an nhiên mà không bị xử lý, cưỡng chế, trong khi ông chỉ xây dựng 15m2 lại bị cưỡng chế, tháo dỡ.
“Trước đó khi lãnh đạo phường Hòa Phát đi kiểm tra phát hiện việc xây dựng này đã yêu cầu tôi dừng công trình và tôi đã dừng lại và không xây dựng gì thêm nhưng không hiểu vì sao phường lại ra quyết định cưỡng chế, tháo gỡ”, ông Phước bức xúc.
Trao đổi với PV Dân trí về vấn đề này, ông Mai Xuân Tuấn - Chủ tịch UBND phường Hòa Phát - cho rằng, hồ nuôi lươn của ông Phước xây dựng chưa có phép nên phường đã ra quyết định cưỡng chế.
Khi PV Dân trí hỏi Chủ tịch phường Hòa Phát đối với việc hàng trăm căn nhà ở của người dân xây dựng trái phép trên địa bàn sao không bị xử lý thì ông Tuấn cho rằng, việc xây dựng nhà trái phép trên địa bàn phường thì Thanh tra quận Cẩm Lệ đang lập đoàn thanh tra để kiểm tra, xử lý và chưa có kết quả.
Quá bức xúc trước sự việc của mình, ông Phước đã gởi đơn kiến nghị đến lãnh đạo TP Đà Nẵng, Sở Xây dựng... Ngày 21/9, Sở Xây dựng đã có công văn trả lời ông vụ việc này không thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở và đề nghị ông gởi đơn đến UBND quận Cẩm Lệ để được xem xét, giải quyết theo quy định.
Công Bính