Cựu kế toán trưởng AIC đầu thú, vụ án có thể diễn biến ra sao?

Dân trí

(Dân trí) - Theo luật sư, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ tiến hành hoạt động thu thập lời khai, củng cố chứng cứ, hồ sơ vụ án. Từ hoạt động lấy lời khai bị cáo, có 3 trường hợp có thể xảy ra.

Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 4/7, trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an, cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa tiếp nhận bị cáo Đỗ Văn Sơn (SN 1977, nguyên Kế toán trưởng Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế - AIC). Ông Sơn là một trong số các bị cáo bị truy nã trong đại án AIC và đã ra đầu thú để được xem xét hưởng khoan hồng.

Cựu kế toán trưởng AIC đầu thú, vụ án có thể diễn biến ra sao? - 1

Đỗ Văn Sơn, nguyên Kế toán trưởng Công ty Cổ phần tiến bộ quốc tế - AIC (Ảnh: Bộ Công an).

Trước đó, hồi tháng 1, TAND TP Hà Nội đã công bố bản án đối với 36 bị cáo trong đại án AIC gian lận đấu thầu tại dự án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, gây thiệt hại hơn 152 tỷ đồng cho Nhà nước. Trong số này, bị cáo Sơn cùng 6 người khác bỏ trốn và được tòa coi là "tự từ bỏ quyền bào chữa".

Các bị cáo này sau đó bị tuyên án dù vắng mặt. Cụ thể, tòa tuyên án bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch AIC) 30 năm tù; Trần Mạnh Hà (Phó Tổng giám đốc AIC) 25 năm tù; Đỗ Văn Sơn (cựu Kế toán trưởng AIC) 6 năm tù; Nguyễn Thị Sen (cựu Giám đốc Công ty CP Thiết bị y tế và môi trường) 30 tháng tù và Nguyễn Thị Tích (Tổng giám đốc Công ty MOPHA) 4 năm; Đỗ Mỹ Hạnh (Chủ tịch HĐQT Công ty Cát Vân Sa) bị phạt 5 năm tù và Ngô Thế Vinh (Giám đốc Công ty Nha khoa Việt Tiên) 4 năm tù.

Theo dõi sự việc, độc giả Dân trí đặt câu hỏi, với việc một bị cáo giữ vai trò quan trọng tại AIC ra đầu thú, vụ án có thể diễn biến theo chiều hướng ra sao?

Từng tham gia nhiều vụ án với vai trò điều tra viên, luật sư Hoàng Văn Doãn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá, việc bị cáo Sơn đầu thú là hành động dũng cảm, đáng được ghi nhận. Sau khi tiếp nhận người phạm tội, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ tiến hành hoạt động thu thập lời khai, củng cố chứng cứ, hồ sơ vụ án để từ đó đánh giá tính chính xác của hoạt động xét xử.

Từ hoạt động lấy lời khai bị cáo, luật sư Doãn đánh giá có 3 trường hợp có thể xảy ra như sau:

Cựu kế toán trưởng AIC đầu thú, vụ án có thể diễn biến ra sao? - 2

Luật sư Hoàng Văn Doãn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).

Thứ nhất, nếu lời khai phù hợp với hành vi bị kết tội, trùng khớp với hồ sơ, không làm phát sinh thêm các tình tiết mới hay làm thay đổi bản chất vụ án, đồng thời mức án áp dụng đối với bị cáo là hợp lý, cơ quan chức năng sẽ ghi nhận lời khai và không xem xét thêm hoặc tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với bị cáo.

Đồng thời, với việc ra đầu thú và khai báo thành khẩn, ông Sơn có thể được ghi nhận thêm 2 tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015. Trong trường hợp bị cáo có kháng cáo, đây sẽ là căn cứ để HĐXX cấp phúc thẩm xem xét sửa một phần bản án sơ thẩm, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với người này.

Thứ hai, nếu lời khai không làm thay đổi bản chất vụ án nhưng làm gợi mở thêm các tình tiết mới, cho thấy có thêm các dấu hiệu của tội phạm hình sự, công an sẽ thu thập thêm hồ sơ và xác minh những thông tin này. Trong trường hợp đủ căn cứ xác định có dấu hiệu phạm tội, cơ quan điều tra có thể ra quyết định khởi tố một vụ án hình sự mới để điều tra làm rõ.

"Trường hợp này, cần xem xét vai trò của các bị cáo cùng những người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án đã phù hợp hay chưa. Nếu hành vi bị xử lý chưa đúng hoặc trước đó căn cứ chưa đủ mạnh, nhưng sau khi thu thập lời khai và chứng cứ mới thì đã có đủ cơ sở để xử lý thêm những cá nhân khác, cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự để xử lý tiếp", luật sư Doãn phân tích.

Thứ ba, nếu bị cáo Sơn cung cấp những lời khai và chứng cứ mới làm thay đổi bản chất, nội dung của vụ án, có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án, quyết định đó thì VKSND Tối cao có quyền kháng nghị để TAND Tối cao xem xét lại bản án theo thủ tục tái thẩm, căn cứ quy định tại các Điều 397, 398 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Quá trình xem xét lại bản án, nếu có đầy đủ căn cứ, Hội đồng tái thẩm có quyền tuyên hủy bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại.

Hoàng Diệu