Từ vụ AIC: Các trường hợp bị cáo có thể vắng mặt tại phiên tòa xét xử
(Dân trí) - Trong phiên tòa xét xử vụ AIC, có 2 bị cáo ở Mỹ xin vắng mặt vì lý do ốm, và phải chăm con nhỏ. Độc giả Dân trí thắc mắc, trường hợp nào được xét xử vắng mặt bị cáo?
Liên quan đến phiên tòa xét xử vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bệnh viện Đồng Nai, Công ty AIC và những đơn vị liên quan đang diễn ra, có 2 bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết, Tổng giám đốc Công ty Thành An và Ngô Thế Vinh, Giám đốc Công ty Nha khoa Việt Tiên đã gửi đơn từ Mỹ xin xử vắng mặt.
Lý do mà bị cáo Thuyết đưa ra là do đang nuôi 2 con nhỏ ở Mỹ. Do đã ly hôn với vợ nên Thuyết là người duy nhất có quyền giám hộ cho các con theo luật Mỹ. Bị cáo Vinh trình bày bản thân đang phải điều trị bệnh, bên cạnh đó, bị cáo còn phải chăm một con nhỏ bị ốm nên không thể về nước dự phiên tòa.
Trước thông tin trên, độc giả Dân trí thắc mắc: Tại phiên tòa xét xử, bị cáo có thể vắng mặt hay không? Tòa án có thể xét xử vắng mặt bị cáo hay không? Nếu được thì cụ thể là trường hợp nào được xét xử vắng mặt bị cáo?
Trả lời băn khoăn trên của độc giả, Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp trị, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, căn cứ theo khoản 2 Điều 61 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, bị cáo có những quyền sau đây:
- Nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử; quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; quyết định đình chỉ vụ án; bản án, quyết định của Tòa án và các quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này;
- Tham gia phiên tòa;
- Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định;
- Đề nghị giám định, định giá tài sản; đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật; đề nghị triệu tập người làm chứng, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người giám định, người định giá tài sản, người tham gia tố tụng khác và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tham gia phiên tòa;
- Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
- Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
- Tự bào chữa, nhờ người bào chữa;
- Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội;
- Đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi hoặc tự mình hỏi người tham gia phiên tòa nếu được chủ tọa đồng ý; tranh luận tại phiên tòa;
- Nói lời sau cùng trước khi nghị án;
- Xem biên bản phiên tòa, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa;
- Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án;
- Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, tại khoản 3 Điều 61 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, quy định về nghĩa vụ của bị cáo như sau:
- Có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án. Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị áp giải; nếu bỏ trốn thì bị truy nã;
- Chấp hành quyết định, yêu cầu của Tòa án.
Như vậy, quyền và nghĩa vụ của bị cáo được thực hiện theo quy định nêu trên.
Bị cáo có thể vắng mặt tại phiên tòa xét xử hay không?
Theo điểm a khoản 3 Điều 61 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, quy định về nghĩa vụ của bị cáo như sau:
"3. Bị cáo có nghĩa vụ:
a) Có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án. Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị áp giải; nếu bỏ trốn thì bị truy nã; [...]"
Đồng thời, tại khoản 1 Điều 290 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, quy định về sự có mặt của bị cáo tại phiên tòa như sau:
"1. Bị cáo phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án trong suốt thời gian xét xử vụ án; nếu vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì bị áp giải; nếu bị cáo vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa.
Nếu bị cáo bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án cho đến khi bị cáo khỏi bệnh.
Nếu bị cáo trốn thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị cáo."
Như vậy, theo những quy định trên, bị cáo có nghĩa vụ phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án trong suốt thời gian xét xử vụ án. Tuy nhiên, bị cáo có thể vắng mặt nếu vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan, trường hợp này phiên tòa xét xử sẽ bị hoãn.
Nếu bị cáo vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì sẽ bị áp giải theo quy định. Trường hợp nếu bị cáo trốn thì Hội đồng xét xử sẽ tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị cáo. Trường hợp bị cáo bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo thì Hội đồng xét xử sẽ tạm đình chỉ vụ án cho đến khi bị cáo khỏi bệnh.
Tòa án có được xét xử vắng mặt bị cáo không?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 290 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, tòa án chỉ có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong các trường hợp sau:
- Bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả;
- Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa;
- Bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được Hội đồng xét xử chấp nhận;
- Nếu sự vắng mặt của bị cáo không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử.
Vậy khi thuộc một trong các trường hợp quy định trên đây thì Tòa án có thể xét xử vắng mặt bị cáo.