CSHS điều tra vụ camera quay lén ở Hà Nội: Sự việc có thể diễn biến ra sao?

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo luật sư, mục đích của người lắp camera giấu kín và số lượng, dung lượng video, hình ảnh đồi trụy đã bị truyền bá (nếu có) sẽ là những căn cứ pháp lý quan trọng cần làm rõ để giải quyết vụ việc.

Như Dân trí thông tin, trưa 2/7, chị H. (24 tuổi, quê Bắc Giang) trình báo công an về việc phát hiện ổ điện trong nhà tắm phòng trọ phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy (Hà Nội), có gắn camera giấu kín. Công an quận Cầu Giấy sau đó ghi nhận sự việc đúng như trình báo của chị H. và giao đội cảnh sát hình sự xác minh, làm rõ sự việc theo quy định của pháp luật. 

CSHS điều tra vụ camera quay lén ở Hà Nội: Sự việc có thể diễn biến ra sao? - 1

Camera quay lén được ngụy trang sau ổ điện (Ảnh: H.N).

Với kinh nghiệm tham gia nhiều vụ án hình sự trong vai trò kiểm sát viên, luật sư Dương Đức Thắng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận với trường hợp trên, nếu chỉ dừng lại ở việc lắp camera quay lén thông thường để phục vụ cho những sở thích, ham muốn lệch lạc, biến thái của bản thân mà không nhằm phát tán hay xâm phạm tới danh dự, nhân phẩm của người khác, người thực hiện hành vi sẽ chỉ bị xử phạt hành chính theo khoản 2, Điều 84 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ. 

"Để làm sáng tỏ bản chất sự việc, cơ quan công an cần tiến hành xác minh từng bước, bắt đầu từ việc làm rõ ai là người đã lắp đặt hoặc thuê lắp đặt đối với những camera này. Tiếp đó, một vấn đề hết sức quan trọng cần làm rõ là mục đích khi lắp đặt camera giấu kín là gì. Nếu chỉ để quay lén và thỏa mãn nhu cầu tình dục đơn thuần, chế tài chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính. 

Trong trường hợp có cơ sở cho thấy việc quay lén không chỉ dừng lại ở đó mà còn nhằm phát tán, lan truyền dữ liệu, hình ảnh nhạy cảm trên không gian mạng, cơ quan điều tra sẽ tập trung xác minh dấu hiệu của hành vi Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo Điều 326 Bộ luật Hình sự 2015", ông Thắng phân tích. 

Trích dẫn quy định tại Điều luật trên, luật sư cho biết người nào mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy thuộc các trường hợp như dung lượng dữ liệu số hóa từ 01 GB trở lên; ảnh có số lượng từ 100 ảnh trở lên; sách báo in có số lượng từ 50 đơn vị trở lên hoặc phổ biến cho từ 10 người trở lên có thể bị xử lý hình sự về tội Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy. Mức phạt cơ bản của hành vi này là phạt tiền 10-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Tùy thuộc vào mức độ lan tỏa cũng như số lượng, dung lượng văn hóa phẩm đồi trụy, mức phạt cao nhất của tội danh này có thể lên đến 15 năm tù. 

"Như vậy, để làm căn cứ xử lý hình sự, ngoài việc làm rõ động cơ, mục đích của người lắp đặt camera quay lén, cơ quan chức năng cũng sẽ cần làm rõ tổng dung lượng các video bị lan truyền trên mạng hoặc số lượng người đã tiếp cận những video, hình ảnh nhạy cảm xuất phát từ camera giấu kín này (nếu có). Đây sẽ là những căn cứ pháp lý quan trọng để làm sáng tỏ vụ việc và xác định tình tiết định tội, định khung với người vi phạm (nếu có)", ông Thắng nhận định.

Bình luận thêm về vấn đề, luật sư cho biết nếu việc quay lén chỉ nhằm lưu trữ dữ liệu cho bản thân, song dữ liệu camera bị hacker (còn được nhiều người gọi với cái tên tin tặc. Hacker thường là người am hiểu về kỹ thuật máy tính, có khả năng phát hiện và lợi dụng lỗ hổng bảo mật để xâm nhập và một hệ thống mạng nào đó) xâm nhập và phát tán trên mạng như nhiều sự việc xảy ra trên nhiều hội nhóm gần đây, người lắp camera quay lén có thể được miễn đề cập tới trách nhiệm hình sự. Khi đó, cơ quan chức năng sẽ xác minh, làm rõ danh tính của hacker để xử lý theo quy định của pháp luật.