Công ty cổ phần Khai thác khoáng sản Bắc Giang: Đổ thải trái phép gây nguy hại cho người dân
Chưa hoàn thiện thủ tục theo quy định song Công ty cổ phần Khoáng sản Bắc Giang đã đổ thải tràn lan sau khai thác than tại mỏ Bố Hạ (Yên Thế), ảnh hưởng tới sản xuất, đời sống của người dân. Thực trạng này tái diễn nhiều lần, gây bức xúc dư luận.
Đường sạt, đất canh tác "nhuộm" chất thải
Cùng cán bộ thôn Đền Trắng, xã Đông Sơn (Yên Thế) đi dọc tuyến đường dẫn lên Khu di tích lịch sử cấp tỉnh Đền Trắng vào ngày 25-10, chúng tôi thấy hai bên đường bị xói lở, có đoạn bong bật, trồi sụt thành từng mảng. Mặt đường vẫn còn sót lại lớp bùn đất do chỉ được hót dọn sơ khoáng.
Ông Nguyễn Quang Anh, Trưởng thôn Đền Trắng nói: "Mưa lớn mấy ngày trước khiến lớp đất thải từ hoạt động khai thác khoáng sản ở mỏ than Bố Hạ tràn xuống lòng đường, cản trở giao thông. Nước từ khối thải chảy xiết tạo những xoáy lớn làm hư hỏng đường.
Ngay khi phát hiện sự việc, lãnh đạo thôn cùng người dân đã ngăn cản không cho xe chở đất thải đổ tại phần diện tích gần đường lên khu di tích, đồng thời đề nghị Công ty ngừng đổ thải và khắc phục hậu quả". Tuy vậy, Công ty mới chỉ cho phương tiện khơi thông hệ thống thoát nước hai bên đường, thu dọn hiện trường và đắp tạm bợ vài mét đất mới thì khó có thể hạn chế đất thải tràn ra ngoài.
Rãnh thoát nước của bãi thải xả thẳng xuống đường lên Khu di tích Đền Trắng, xã Đông Sơn.
Không chỉ vậy, nhiều diện tích gieo cấy lúa của bà con đã bị tác động. Theo bà Ngô Thị Huệ, người dân trong thôn, nước từ đất thải chảy xuống khu canh tác có màu đen kèm theo bùn khiến chân ruộng một sào cấy lúa của gia đình bà bết dính, chai cứng. Vài mẫu ruộng cùng cánh đồng với bà Huệ cũng xảy ra hiện tượng tương tự.
Lo ngại hơn là quá trình đổ thải, Công ty để hàng chục tảng đá lớn lăn vào đất ở của hộ dân gần khu vực khai thác thuộc thôn Đền Trắng. Đặc biệt, hai người đang sinh sống tại đó là bố con ông Vũ Văn Bảng đều bị thiểu năng trí tuệ, nếu xảy ra sự cố thì tính mạng của họ nguy cơ cao bị đe dọa.
Tái diễn làm “liều”?
Nước mưa từ bãi xả thải làm hỏng đường lên Khu di tích Đền Trắng, xã Đông Sơn.
Đơn vị khai thác mỏ than Bố Hạ là Công ty cổ phần Khai thác khoáng sản Bắc Giang. Quá trình hoạt động, Công ty đã tạo ra các bãi thải đất đá chất cao như núi dựng đứng bởi luôn có hàng trăm phương tiện chạy ngày đêm. Đi trên khối chất thải rắn này, chúng tôi không khỏi giật mình khi thấy đất không được lu lèn, có chỗ xuất hiện rãnh nứt sâu, vỡ lở.
Trong khi đó, dưới chân "núi" đất thải là vùng canh tác, hồ chứa nước của bà con địa phương. Chỉ cần trận mưa lớn cùng với tốc độ đổ thải như hiện nay thì rất có thể khiến khối đất bị sụt lún, vùi lấp những diện tích lân cận. "Nếu bùn, đất thải tiếp tục sụt xuống thì đập Ao Đèo cung cấp nước tưới cho khoảng 20 mẫu lúa, hoa màu trong thôn có thể bị xóa sổ"- ông Nguyễn Quang Anh phản ánh.
Đập Ao Đèo ngăn giữ nước tưới cho hơn 20 mẫu ruộng của thôn Đền Trắng nằm ngay dưới chân bãi xả thải.
Được biết, tháng 9 năm 2017, Công ty cổ phần Khoáng sản Bắc Giang cũng chưa đổ thải đúng quy định, ảnh hưởng tới sản xuất, đời sống nhiều hộ dân thôn Đền Trắng và Báo Bắc Giang đã phản ánh song đến nay sự việc lại tái diễn.
Trao đổi với phóng viên, ông Hà Văn Hòe, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Khoáng sản Bắc Giang thừa nhận, việc đổ thải là chưa đúng quy định song do áp lực sản xuất, Công ty không còn cách nào khác, sau đó mới hoàn thiện các thủ tục tiếp theo.
Ông Hòe lý giải, các khu vực đơn vị đổ thải đều nằm trong quy hoạch nhưng chưa giải phóng mặt bằng bởi người dân chưa nhất trí với phương án giải tỏa đề ra. Về giải pháp, ông Hòe cho biết, sau khi hoàn thành giải phóng mặt bằng, đơn vị sẽ xây dựng bờ bao ngăn chất thải tràn ra ngoài. Công ty cũng cam kết chịu trách nhiệm, bồi thường nếu để xảy ra thiệt hại.
Khẩn trương chấn chỉnh
Chỉ cần một trận mưa lớn là bãi thải đất đá của mỏ than Bố Hạ có thể ập xuống lấp hồ chứa nước tưới duy nhất của thôn Đền Trắng bất cứ lúc nào.
Tìm hiểu được biết, sau thời gian ngừng nghỉ, cuối năm 2016, Công ty cổ phần Khai thác khoáng sản Bắc Giang được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác than bằng phương pháp lộ thiên và hầm lò tại mỏ Bố Hạ. Mỏ thuộc địa phận các xã Đông Sơn, Đồng Hưu và Hương Vỹ (Yên Thế) với hơn 70 ha khai thác, 34 ha đổ thải.
Trong đó quy định, quá trình hoạt động, doanh nghiệp phải có biện pháp bảo vệ môi trường và chịu trách nhiệm bảo đảm các nguồn gây ô nhiễm, toàn bộ chất thải ra môi trường theo quy chuẩn Việt Nam.
Hàng chục xe của mỏ than Bố Hạ chở đất đá đổ xuống khu đất mà Công ty cổ phần Khoáng sản Bắc Giang vừa mua trước đó ít ngày tại thôn Đền Trắng.
Vậy nhưng, đất thải, nước thải sau khai thác chưa được xử lý đúng quy định. Hơn nữa, khu đổ thải phải được thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định nhưng những quả đồi trồng keo hay đất ở của một số hộ dân vừa được Công ty mua đã đổ thải ngay.
Đơn cử, vừa thỏa thuận, bồi thường xong với hộ ông Đào Văn Thái, thôn Đền Trắng vào ngày hôm trước, hôm sau đất đã lấp gần kín diện tích của nhà ông này. Do không chấp hành nghiêm việc đổ thải, Công ty đã gây ra một số hệ lụy như đã nêu ở trên.
Rất nhiều khối đá nặng hàng tấn lăn xuống từ bãi thải vào khu vườn của một gia đình làm gãy nát cây cối, đe dọa cuộc sống của những người đang ở trên khu đất này.
Để làm rõ vấn đề, phóng viên đã làm việc với ông Ngô Trí Dũng, Trưởng phòng Khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường). Ông Dũng cho biết: “Khi nhà báo cung cấp thông tin đơn vị mới nắm được. Phòng sẽ tham mưu với Sở thành lập tổ kiểm tra hiện trạng, phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm”.
Cũng theo ông Dũng do chưa kiểm tra thực tế nên chưa thể đánh giá cụ thể song ông Dũng khẳng định việc để chất thải tràn ra đường là sai về kỹ thuật đổ thải.
Rõ ràng khai thác than để lại những núi chất thải, gây ra mối nguy về ô nhiễm môi trường, sạt lở đất, đá nhất là khi có mưa lớn. Điển hình là trận mưa vào ngày 23-10 tuy không lớn nhưng đã khiến đất thải sạt xuống đường.
Từ thực tế trên, doanh nghiệp khai thác than cần khẩn trương khắc phục hậu quả từ việc đổ thải trái quy định. Phối hợp với chính quyền sở tại, đàm phán sớm giải phóng mặt bằng để thi công công trình kè tại chân các bãi thải, nhằm hạn chế thiệt hại do sạt lở đất bãi thải xuống khu dân cư.
Nhiều ý kiến cho rằng để bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật, cơ quan chức năng cần giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác than để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.
Theo Báo Bắc Giang