Tỉnh Bắc Giang chuẩn bị chu đáo đón hài cốt cụ Kỳ Đồng về "đất thiêng" Yên Thế

(Dân trí) - Việc đưa hài cốt cụ Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm về huyện Yên Thế là vinh dự lớn và là trách nhiệm của tỉnh Bắc Giang nói chung, huyện Yên Thế nói riêng. Qua đây tạo thêm sức lan tỏa về ý nghĩa lịch sử của cuộc Khởi nghĩa Yên Thế chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX; đồng thời góp phần phát triển du lịch địa phương.

Chuẩn bị chu đáo nhất đón hài cốt cụ Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm

Ngày 18/9/2018, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương tại buổi họp về công tác chuẩn bị đưa hài cốt cụ Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm về huyện Yên Thế.

Thực hiện Công văn số 7701/VPCP-QHQT ngày 14/8/2018 của Văn phòng Chính phủ về việc đưa hài cốt cụ Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm về nước; ngày 17/9/2018, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương tổ chức buổi họp với đại diện lãnh đạo các Sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngoại vụ; Tài chính và UBND huyện Yên Thế để bàn về công tác chuẩn bị của tỉnh trong việc đưa hài cốt cụ Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm về huyện Yên Thế.

Sau khi nghiên cứu các văn bản của Trung ương về chủ trương đưa hài cốt cụ Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm về nước, ý kiến phát biểu của các đại biểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang khẳng định: Việc đưa hài cốt cụ Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm về huyện Yên Thế là vinh dự lớn và là trách nhiệm của tỉnh Bắc Giang nói chung, huyện Yên Thế nói riêng. Qua đây tạo thêm sức lan tỏa về ý nghĩa lịch sử của cuộc Khởi nghĩa Yên Thế chống thực dân Pháp cuối Thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX; đồng thời góp phần phát triển du lịch địa phương. Vì vậy phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tỉ mỉ, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành và gia đình cụ Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm.


Để ghi nhận, tôn vinh công lao to lớn của Kỳ Đồng - Nguyễn Văn Cẩm, nhân dân địa phương đã lập đền thờ. Năm 2012, đền thờ ông (tức động Thiên Thai) ở thôn Trại Nhất, xã Hồng Kỳ (Yên Thế) được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Để ghi nhận, tôn vinh công lao to lớn của Kỳ Đồng - Nguyễn Văn Cẩm, nhân dân địa phương đã lập đền thờ. Năm 2012, đền thờ ông (tức động Thiên Thai) ở thôn Trại Nhất, xã Hồng Kỳ (Yên Thế) được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Trong khi chờ ý kiến của Ban Bí thư Trung ương, để chủ động trong thực hiện nhiệm vụ này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND huyện Yên Thế triển khai thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể:

Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương tìm hiểu quy trình, thủ tục điều chỉnh, bổ sung quy hoạch di tích Quốc gia đặc biệt những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế để đề xuất xin chủ trương của cấp có thẩm quyền cho phép điều chỉnh cục bộ quy hoạch tại di tích Quốc gia đặc biệt động Thiên Thai (bổ sung vị trí đặt mộ cụ Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm).

Sau khi có chủ trương của cấp có thẩm quyền, Sở tham mưu lựa chọn đơn vị tư vấn có kinh nghiệm, năng lực để triển khai thực hiện. Quá trình lựa chọn vị trí, quy mô, hình thức kiến trúc mộ phải có sự tham gia của các nhà nghiên cứu, báo cáo các phương án với cấp ủy, chính quyền xã, huyện, tỉnh trước khi trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.

Bên cạnh đó, Sở VH TT&DL cần tổ chức sưu tầm, biên tập tài liệu và có kế hoạch tuyên truyền cụ thể về thân thế, sự nghiệp cụ Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm, về di tích động Thiên Thai gắn với cuộc Khởi nghĩa nông dân Yên thế, đồng thời có kế hoạch bồi dưỡng hướng dẫn viên, thuyết minh viên, xuất bản các ấn phẩm tuyên truyền, giới thiệu phục vụ du khách.

Chủ trì, phối hợp với UBND huyện Yên Thế và các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng kịch bản và nghi lễ đón nhận, an táng hài cốt cụ Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm tại huyện Yên Thế (trên cơ sở hướng dẫn của Bộ VHTT&DL).

Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Giang cũng yêu cầu Sở Ngoại vụ chủ trì, làm đầu mối phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao để xây dựng lộ trình chi tiết các bước về việc đón hài cốt cụ Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm về huyện Yên Thế.

UBND huyện Yên Thế được giao nhiệm vụ phối hợp với các sở, ngành và gia tộc cụ Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm triển khai thực hiện tốt các nội dung trên, có kế hoạch tổ chức cắm mốc giới quy hoạch, tăng cường công tác tuyên truyền, bảo vệ đối với các điểm di tích trên địa bàn huyện, trong đó có di tích động Thiên Thai.

Cụ Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm là ai?

Theo thông tin tại Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang, Kỳ Đồng có tên thật là Nguyễn Văn Cẩm, sinh ngày 08/10/1875 ở làng Ngọc Đình, tổng Hà Lý, huyện Diên Hà, phủ Tiên Hưng (nay là xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình).


Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương trao di ảnh nhà yêu nước Kỳ Đồng - Nguyễn Văn Cẩm cho lãnh đạo huyện Yên Thế. (Ảnh: Cổng TTĐT Bắc Giang)

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương trao di ảnh nhà yêu nước Kỳ Đồng - Nguyễn Văn Cẩm cho lãnh đạo huyện Yên Thế. (Ảnh: Cổng TTĐT Bắc Giang)

Ông xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo. Ngay từ thời niên thiếu, Kỳ Đồng đã nức danh về tài đối đáp thông minh, ứng khẩu và làm thơ chữ Hán một cách trôi chảy, do đó vua Tự Đức đã chỉ dụ cho các quan đầu tỉnh phải chu cấp tiền của, vải vóc nuôi nấng Kỳ Đồng (tức cậu bé lạ kỳ).

Tiếng tăm và huyền thoại về Kỳ Đồng ngày một vang xa, khắp nơi trong nước nườm nượp kéo về Ngọc Đình tôn xưng cậu bé như bậc "chân nhân cứu thế", họ tìm về quy phục và sẵn sàng liều chết vì ông.

Do đó, nhà nước bảo hộ từ toàn quyền Doumer đến các công sứ Thái Bình, Nam Định... đồng mưu lặng lẽ đối phó bằng cách bắt cậu bé đi "du học" xa xứ để chặn đứng một phong trào "bạo loạn chống Chính phủ" mà chúng đã dự đoán trước.

Sau 9 năm du học ở Alger (thủ đô của Angieri thuộc Pháp), được tiếp xúc với nền văn minh dân chủ nước Pháp, với các nhân sĩ tiến bộ và đặc biệt là qua các cuộc đàm luận với ông vua yêu nước Hàm Nghi đang sống lưu đày ở đó, Kỳ Đồng - Nguyễn Văn Cẩm đã âm thầm chuẩn bị và vạch hướng hoạt động đúng đắn cho mình khi trở về nước.

Sau gần 10 năm du học nước ngoài, Kỳ Đồng trở về nước nhưng không nhận làm công cho Pháp mà xin đi lập đồn điền khai hoang ở Yên Thế (Bắc Giang).

Trong thời gian xây dựng đồn điền, Kỳ Đồng đã bắt liên lạc với Hoàng Hoa Thám, giúp Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế về người, tiền của và cả tinh thần.

Sự xuất hiện của Kỳ Đồng và căn cứ chợ Kỳ đã góp phần củng cố lực lượng của nghĩa quân, động viên cổ vũ ý chí chống Pháp của nhân dân các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Kỳ thời bấy giờ.Từ sau cuộc xuất bôn của vua Hàm Nghi cho đến phong trào Cần Vương của các sỹ phu yêu nước thất thế thì sự chuẩn bị và tài tập hợp lực lượng, tổ chức ém quân dưới hình thức "khai hoang lập ấp" của Kỳ Đồng quả là mưu trí và khéo léo.

Đến ngày 21/9/1897, mật thám phát hiện thấy người của Kỳ Đồng đang khẩn trương dỡ những kiện hàng dài bó chiếu nhưng vẫn để lộ ra những nòng súng xếp chéo. Ngay sau đó, chúng quyết định bắt thủ lĩnh Kỳ Đồng. Đến đầu năm 1898, ông bị đày ra quần đảo Polynesie thuộc Pháp và ngày 17/7/1929, ông qua đời khi tròn 54 tuổi (1875 - 1929).

Hiện nay, gia đình của nhà yêu nước Kỳ Đồng - Nguyễn Văn Cẩm bày tỏ nguyện vọng muốn đưa hài cốt ông về nước theo tâm nguyện trước khi mất.

Ghi nhận công lao to lớn của Kỳ Đồng - Nguyễn Văn Cẩm, nhân dân huyện Yên Thế đã lập đền thờ.

Năm 2012, đền thờ ông (tức động Thiên Thai) ở thôn Trại Nhất, xã Hồng Kỳ (Yên Thế) được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Đây là một trong 23 điểm di tích thuộc hệ thống Di tích lịch sử "Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế". Hằng năm, tại đây vào ngày 24/2 (âm lịch), nhân dân xã Hồng Kỳ tổ chức lễ hội để tưởng nhớ đến công lao của Kỳ Đồng - Nguyễn Văn Cẩm.

Ngày 14/6/2018, đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam - Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài làm trưởng đoàn có buổi làm việc tại tỉnh Bắc Giang về việc hỗ trợ đưa hài cốt nhà yêu nước Kỳ Đồng - Nguyễn Văn Cẩm về nước.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Vũ Hồng Nam cho biết, vừa qua, Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao đã sang viếng mộ, thăm gia đình danh nhân Kỳ Đồng tại Pháp. Thứ trưởng Vũ Hồng Nam nhấn mạnh, đây là nhân vật lịch sử có nhiều đóng góp trong phong trào yêu nước, đấu tranh giải phóng dân tộc.

Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị tỉnh Bắc Giang phối hợp với Bộ Ngoại giao tìm hiểu một số phương án đón hài cốt nhà yêu nước về với địa phương.


Anh Thế - Ngọc Hân