Công an vào rạp kiểm tra độ tuổi người xem phim "Mai" có cần báo trước?
(Dân trí) - Luật sư cho biết, công an kinh tế có thẩm quyền thanh, kiểm tra dưới hình thức thanh tra đột xuất mà không cần thông báo đối với doanh nghiệp.
Mới đây, mạng xã hội lan truyền clip ghi lại cảnh một số công an (có mặc sắc phục) và người mặc thường phục vào rạp kiểm tra khi phim Mai đang được trình chiếu. Theo một số người đăng tải clip, lực lượng chức năng vào đột xuất nhằm kiểm tra những người vào coi phim đã đủ 18 tuổi hay chưa.
Việc kiểm tra của lực lượng chức năng khiến buổi chiếu phim phải dừng lại 30 phút. Sau sự việc này, nhiều người đặt câu hỏi rằng công an có được vào rạp kiểm tra độ tuổi khán giả hay không?.
Trả lời về vấn đề trên, Luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp Trị) cho hay, theo quy định tại khoản 10, khoản 11, Điều 16 Luật Công an Nhân dân 2018 về nhiệm vụ và quyền hạn của Công an Nhân dân thì "Công an Nhân dân có quyền thực hiện quản lý về an ninh, trật tự đối với các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật và hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm trong hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội".
Theo quy định tại Nghị định 41/2014/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động thanh tra Công an nhân dân: Các cơ quan, tổ chức và cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam đều có thể bị thanh tra trong việc chấp hành pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công an.
Cùng với đó, theo khoản 1 Điều 50 Nghị định 96/2016 quy định: "1. Cơ quan Công an có thẩm quyền thực hiện kiểm tra, thanh tra toàn diện việc chấp hành các quy định về an ninh, trật tự đối với cơ sở kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự theo phương thức định kỳ không quá một lần trong một năm hoặc đột xuất. Việc kiểm tra, thanh tra đột xuất chỉ được thực hiện khi phát hiện cơ sở kinh doanh có vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến an ninh, trật tự; có đơn khiếu nại, tố cáo của tổ chức hoặc cá nhân về vi phạm pháp luật liên quan đến an ninh, trật tự trong cơ sở kinh doanh; phục vụ tăng cường công tác đảm bảo an ninh, trật tự theo văn bản chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền".
Hệ thống rạp chiếu phim Cinestar cũng cho biết: "Đây là quy trình kiểm tra thông thường, có thể xảy ra ở bất cứ cụm rạp nào trên cả nước".
Ngoài ra, Theo Luật Thanh tra 2010 có các hình thức thanh tra như sau: Thanh tra theo kế hoạch, thanh tra thường xuyên và thanh tra đột xuất. Thanh tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật, hoặc theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng hoặc do Thủ trưởng Cơ quan Quản lý Nhà nước có thẩm quyền giao.
Như vậy, Công an kinh tế có thẩm quyền thanh, kiểm tra dưới hình thức thanh tra đột xuất mà không cần thông báo đối với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để có thể tiến hành kiểm tra doanh nghiệp (đối tượng được thanh tra) đoàn kiểm tra phải đưa ra căn cứ rõ ràng và phải công bố quyết định thanh tra do người có thẩm quyền ký. Doanh nghiệp có quyền yêu cầu Công an kinh tế xuất trình các giấy tờ trên theo quy định của pháp luật trước khi chấp hành quyết định và kết luận thanh tra.