Công an mặc thường phục có được bắt giữ người?
(Dân trí) - Sau vụ phó trưởng công an phường ở Cao Bằng trong đêm khuya đi bắt người, bạn đọc thắc mắc: Công an mặc thường phục có được bắt giữ người?
Luật sư Quách Thành Lực, Công ty luật Pháp trị cho biết: Tại Điều 9, Thông tư 01/2016/TT-BCA có quy định về việc công an có thể hóa trang, mặc thường phục trong việc "tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang" nhằm mục đích: Nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông; Đấu tranh phòng chống tội phạm; Khi tình hình an ninh, trật tự hoặc trật tự, an toàn giao thông phức tạp.
Theo đó, điều kiện để thực hiện tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang quy định tại Khoản 3, Điều 9, Thông tư 01/2016/TT-BCA như sau:
Phải có kế hoạch tuần tra, kiểm soát được người có thẩm quyền quy định hoặc phê duyệt;
Nội dung kế hoạch phải nêu rõ phương pháp thực hiện, lực lượng, phương thức liên lạc, thời gian, địa bàn tuần tra, kiểm soát; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để tuần tra, kiểm soát;
Tổ tuần tra, kiểm soát phải bố trí một bộ phận cán bộ trong Tổ để hóa trang (mặc thường phục) thực hiện nhiệm vụ giám sát tình hình trật tự giao thông, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật. Khi phát hiện vi phạm phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành kiểm soát, xử lý theo quy định của pháp luật;
Bộ phận hóa trang và bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai trong một Tổ tuần tra, kiểm soát phải giữ một khoảng cách thích hợp bảo đảm việc xử lý vi phạm kịp thời, đúng pháp luật;
Nghiêm cấm lạm dụng việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang để sách nhiễu, gây phiền hà, làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
Căn cứ vào quy định trên, có thể khẳng định nhiệm vụ chính của bộ phận hóa trang chỉ là: "Giám sát, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn" các hành vi vi phạm pháp luật. Khi phát hiện ra các vi phạm thì bộ phận hóa trang phải "thông báo ngay" cho bộ phận công khai đang "giữ một khoảng cách thích hợp để kịp thời xử lý". Không quy định khi phát hiện vi phạm thì bộ phận hóa trang được quyền xử lý người vi phạm.
Như vậy, cảnh sát thường phục sẽ không có quyền gì với chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật mà chỉ được sử dụng các phương tiện liên lạc để báo cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai trong cùng một tổ đến để kiểm soát, xử lý. Trừ những trường hợp khẩn cấp nhằm ngăn chặn ngay những vi phạm có thể gây hậu quả ngay lập tức hoặc nghiêm trọng.
Do đó, việc có tình trạng cảnh sát mặc thường phục đi tuần tra, kiểm soát, sau đó đưa người vi phạm về phường xử lý theo Luật sư Lực là hoàn toàn sai và không được phép, vi phạm Điều 9, Thông tư 01/2016/TT- BCA. Hơn nữa, người vi phạm hành chính không phải là tội phạm nên việc áp giải về phường là không đúng quy định.
Theo Luật xử lý vi phạm hành chính thì chỉ những người bị vi phạm vào trường hợp phải tạm giữ thì mới bị áp giải về phường, cụ thể như sau:
Điều 124. Áp giải người vi phạm
- Người vi phạm không tự nguyện chấp hành yêu cầu của người có thẩm quyền thì bị áp giải trong các trường hợp sau đây:
a) Bị tạm giữ người theo thủ tục hành chính;
b) Đưa trở lại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại khoản 2 Điều 132 của Luật này.
2. Người có thẩm quyền đang thi hành công vụ thực hiện việc áp giải người vi phạm.
Người vi phạm chỉ bị tạm giữ theo thủ tục hành chính nếu có những hành vi sau đây, theo Điều 122. Tạm giữ người theo thủ tục hành chính:
Việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác;
Mọi trường hợp tạm giữ người đều phải có quyết định bằng văn bản và phải giao cho người bị tạm giữ một bản.