Vắt nước giẻ lau vào nồi nước gia chủ: Hành động nhỏ, coi chừng hậu quả lớn

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo luật sư, một người có đủ nhận thức phải ý thức được nguy hiểm từ việc vắt nước giẻ lau vào nồi nước uống. Do đó, nếu xảy ra hậu quả, dù là lỗi vô tình, người vi phạm vẫn có thể bị xử lý.

Những ngày qua, sự việc nữ giúp việc vắt nước giẻ lau vào nồi nước tía tô của gia chủ gây xôn xao, bức xúc trong dư luận. Chuyện xuất phát vào ngày 11/5, khi chị H. (ở quận Long Biên, Hà Nội) bị đau bụng dữ dội và kiểm tra lại camera giám sát khu vực bếp gia đình. Từ đây, người phụ nữ phát hiện bà O. (58 tuổi, giúp việc của gia đình) trong quá trình đun nước lá tía tô đã không rửa rau, cho thẳng vào nồi đun rồi dùng giẻ lau bếp lau nước tràn, vắt vào nồi lá tía tô cho gia chủ uống. 

Sự việc sau đó được chị H. trình báo tới cơ quan công an. Làm việc với công an, bà O. khai nhận hành vi và trình bày rằng do "vội và vô tình". Tuy nhiên, lời giải thích của nữ giúp việc càng khiến nhiều người bức xúc, phẫn nộ với cách hành xử của người này. 

Bình luận dưới bài đăng của Dân trí, bạn đọc Vũ Đình viết: "Nhẫn tâm quá. Cô được nhận lương, sao không cố gắng làm tốt công việc của mình? Với những gia đình giàu có, nếu làm tốt, cô còn được nhiều hơn những gì đã thỏa thuận. Nếu họ không tốt, cô có thể báo nghỉ việc rồi rời đi, làm việc gì cũng phải giữ cái đức chứ?". 

Vắt nước giẻ lau vào nồi nước gia chủ: Hành động nhỏ, coi chừng hậu quả lớn - 1

Cảnh bà O. vắt nước giẻ lau vào nồi đun của gia chủ (Ảnh cắt từ clip).

"Không có lương tâm. Mình cũng như họ, cùng là con người mà sao lại hành xử như vậy? Tôi từng đi giúp việc, nếu mình làm ngon và sạch, mình là người nếm đầu tiên, sau đó tới gia chủ. Gia chủ được ăn ngon, ăn sạch, họ khỏe mạnh, làm ăn phát tài thì mình cũng được thưởng và tăng lương. Họ cũng phải làm việc cực khổ mới có đồng tiền để trả lương cho mình, vậy nên hãy giữ lương tâm trong mọi việc. Làm việc với đúng lương tâm, không ai đối xử bất công với mình", chị Đào Nguyễn bình luận.

"Hành vi xấu xa mà còn cãi là vô tình, không thể chấp nhận", độc giả Xuananh bức xúc. 

"Tôi không biết công an có chấp nhận cái lý do là "vô tình và vội" hay không, còn tôi thì không thể chấp nhận lời giải thích đó. Bà này do công ty giới thiệu, tức phải biết công việc của mình là gì, được phép làm gì và không được phép làm gì. Đề nghị phải điều tra cho ra sự thật của việc làm sai trái đó", chủ tài khoản Phuoc Tam Nguy nêu quan điểm. 

Coi chừng hậu quả pháp lý!

Theo dõi sự việc, luật sư Dương Đức Thắng (Giám đốc Công ty Luật Đức Trí Tín, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá đây là hành động rất đáng lên án, không chỉ xâm phạm tới sức khỏe của người khác mà còn vi phạm những quy tắc, chuẩn mực về đạo đức, ứng xử giữa con người với nhau. 

Đối với sự việc trên, xét trên phương diện pháp lý, luật sư đánh giá nữ giúp việc đã may mắn khi chủ nhà không gặp tổn hại về sức khỏe bởi nếu thiệt hại về sức khỏe xảy ra, người này có thể bị áp dụng các chế tài xử lý theo quy định của pháp luật. 

Vắt nước giẻ lau vào nồi nước gia chủ: Hành động nhỏ, coi chừng hậu quả lớn - 2

Luật sư Dương Đức Thắng (Ảnh: NVCC).

"Dù nữ giúp việc khai thực hiện hành vi do "vô tình", cần nhìn nhận rằng một người trưởng thành, có đầy đủ nhận thức và khả năng làm chủ hành vi phải nhận thức được việc vắt nước giẻ lau vào nồi nước là hành vi không được phép, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe cho người uống phải. 

Việc người này vẫn thực hiện hành vi, dù là lỗi "vô tình", cần được coi là trường hợp ý thức được hậu quả có thể xảy ra nhưng vẫn thực hiện, bỏ mặc thiệt hại có thể xảy ra đối với người khác. Do đó, trong trường hợp xảy ra thiệt hại về sức khỏe, người thực hiện có thể bị xử lý về hành vi cố ý gây tổn hại cho sức khỏe của người khác", luật sư bình luận. 

Tùy thuộc mức độ hậu quả, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc thậm chí xử lý hình sự theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015.