Con hỗn láo, bất hiếu sẽ bị truất quyền thừa kế như thế nào?
(Dân trí) - Theo quy định của pháp luật Việt Nam, sẽ có 4 trường hợp không được hưởng di sản thừa kế của người đã mất. Những người con hỗn láo, bất hiếu với cha mẹ già yếu là một trong số đó.
Luật gia Nguyễn Trọng Nghĩa (Công ty Luật TNHH LSX) cho biết, pháp luật Việt Nam mang tính nhân văn, do đó pháp luật không dung thứ cho những hành vi trái đạo đức, luân lý xã hội. Do đó, Điều 621 Bộ Luật dân sự 2015 quy định về những trường hợp không có quyền hưởng di sản thừa kế như sau:
Điều 621. Người không được quyền hưởng di sản
1. Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:
2. a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
3. b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
4. c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
5. d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, huỷ di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
6. Những người quy định tại khoản 1 Điều này vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.
Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó.
Pháp luật tước quyền hưởng thừa kế của những người phạm tội và đã bị kết án bởi bản án có hiệu lực về các tội danh nêu trên. Đây đều là những hành vi nguy hiểm và trái đạo đức xã hội.
Lưu ý rằng, chỉ tước quyền thừa kế với những người phạm tội có tính chất cố ý, đối với những lỗi vô ý ví dụ như vô ý gây thương tích cho cha là người có di sản để lại thì lúc này người con sẽ không bị tước quyền thừa kế. Ngoài ra, việc cố ý xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe… của người để lại di sản phải được kết án bằng một bản án có hiệu lực pháp luật. Sự xâm phạm nhưng không có bản án của tòa thì chưa đủ điều kiện để tước quyền hưởng di sản thừa kế.
Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản
Căn cứ Điều 71 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về nghĩa vụ nuôi dưỡng như sau:
Điều 71. Nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng
2. Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
2. Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.
Cha mẹ về già sức khỏe yếu hoặc thậm chí nhiều người còn mắc những căn bệnh tuổi già mà bắt buộc phải phụ thuộc vào con cái chăm sóc, nuôi dưỡng. Do vậy, nếu trong thời gian này, người con mà không làm tròn nghĩa vụ nuôi dưỡng, có sự vi phạm nghĩa vụ thì sẽ bị pháp luật tước quyền thừa kế.
Việc tước quyền thừa kế vì vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng cũng được áp dụng đối với trường hợp cha mẹ thừa kế của con cái. Tuy nhiên đây là những trường hợp hiếm hoi và ít xảy ra. Ngoài ra, cũng chưa rõ ràng định nghĩa về “vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ cấp dưỡng” nên cũng rất khó để có thể tước quyền di sản trên thực tế hoặc cần thiết phải qua những phán quyết của tòa.
Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng
Trong thực tế có không ít trường hợp xảy ra việc tranh đoạt tài sản thừa kế giữa những người thừa kế, nhất là với những gia đình giàu có, khối di sản để lại với số lượng lớn, việc những người thừa kế tranh đoạt với nhau là tương đối phổ biến. Ví dụ: Vì muốn hưởng phần di sản thừa kế nhiều hơn mà người con thứ đã giết con cả.
Tuy nhiên, nếu tranh đoạt bằng những hành vi vi phạm pháp luật, như cố ý giết người thừa kế khác thì người phạm tội sẽ bị pháp luật tước quyền thừa kế khi có một bản án có hiệu lực của tòa.
Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, huỷ di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
Ví dụ như người con biết được rằng bố mẹ để lại di chúc nhưng cho bản thân hưởng quá ít so với số tài sản để lại. Người con đã sửa chữa, viết lại di chúc thậm chí là lừa dối cha mẹ để được phần tài sản nhiều hơn. Trong trường hợp bị phát hiện thì người con này có thể bị hủy hoặc tước quyền hưởng di sản thừa kế.
Trên đây là những hành vi của người thừa kế mà dẫn đến hậu quả người này sẽ không được nhận di sản thừa kế nữa. Tuy nhiên, “nghĩa tử là nghĩa tận”, nếu trường hợp con cái có những hành vi như trên, dù cha mẹ đã biết nhưng vẫn đồng ý chia di sản thừa kế cho người con này thì pháp luật vẫn tôn trọng ý kiến của người có di sản để lại. (Theo Khoản 2 điều 621 Bộ luật dân sự 2015).
Xin cảm ơn luật gia!
Khả Vân