Hợp đồng đặt cọc bị hủy do dịch Covid-19 liệu có được bồi hoàn?

(Dân trí) - Bạn đọc đặt phòng và chuyển trước 100 triệu cho khách sạn để đoàn khách từ Ý sang du lịch, nhưng do dịch CoVid-19 nên khách không thể sang Việt Nam, vậy tiền đặt cọc này có được bồi hoàn?

Tôi đã đặt phòng khách sạn khách sạn 5 sao tại thành phố Nha Trang cho một đoàn khách từ Italia đến, với giá phòng 22 triệu một ngày đêm. Thời gian bắt đầu từ ngày 23/03/2020 , nếu khách có nhu cầu lưu trú dài hơn thì sẽ thanh toán thêm tiền. Toàn bộ chi phí cho đoàn khách này khoảng 500 triệu đồng. Tôi đã chuyển trước cho khách sạn 100 triệu tiền đặt cọc.

Do dịch CoVid-19, từ 0h ngày 22 tháng 03 năm 2020, Thủ tướng quyết định tạm dừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài vào Việt Nam. Do vậy đoàn khách của tôi không thể sang Việt Nam được. Trong trường hợp này, tôi cần làm gì để đảm bảo được tối đa các quyền lợi trong giao dịch với khách sạn đã đặt phòng?

Bạn đọc Vũ Lan (Hà Nội)

Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư Hà Nội- Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX) cho biết, sự kiện dịch CoVid-19, Thủ tướng Việt Nam quyết định tạm dừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài vào Việt Nam, cũng như ở Italia có quy định về hạn chế đi lại hoàn toàn đủ cơ sở xác định đó là sự kiện bất khả kháng.

Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.”(Khoản 1 điều 156 Bộ luật dân sự năm 2015).

Bạn có quyền đề nghị kéo dài thời hạn thực hiện hợp đồng trong trường hợp bất khả kháng.

“Trong trường hợp bất khả kháng, các bên có thể thoả thuận kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng; nếu các bên không có thoả thuận hoặc không thỏa thuận được thì thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng được tính thêm một thời gian bằng thời gian xảy ra trường hợp bất khả kháng cộng với thời gian hợp lý để khắc phục hậu quả, nhưng không được kéo dài quá các thời hạn sau đây:

1. a) Năm tháng đối với hàng hoá, dịch vụ mà thời hạn giao hàng, cung ứng dịch vụ được thoả thuận không quá mười hai tháng, kể từ khi giao kết hợp đồng;

2. b) Tám tháng đối với hàng hoá, dịch vụ mà thời hạn giao hàng, cung ứng dịch vụ được thoả thuận trên mười hai tháng, kể từ khi giao kết hợp đồng”(Điều 296 Luật Thương Mại năm 2005).

Về thủ tục bạn cần gửi văn bản thông báo cho khách sạn về trường hợp bất khả kháng và đề nghị kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng để hạn chế khắc phục được các cản trở do sự kiện dịch Covid-19 và lệnh hạn chế nhập cảnh, hạn chế đi lại từ Chính phủ hai nước.

Khi bạn có đề xuất với đầy đủ căn cứ pháp lý, trong bối cảnh thực tế như hiện nay, với tính thần hợp tác giữa các bên để cùng vượt qua khó khăn tiến tới những quan hệ làm ăn lâu dài thì hoàn toàn có niềm tin khách sạn sẽ chấp thuận đề nghị đó.

Xin cảm ơn Luật sư!

Khả Vân