Ba phút cùng luật sư:

Có phải đổi chứng minh nhân dân khi chuyển hộ khẩu?

(Dân trí) - Có trường hợp chuyển hộ khẩu bắt buộc phải đổi giấy chứng minh nhân dân (CMND), có trường hợp không bắt buộc khiến người dân thắc mắc.

Trong chương trình “Ba phút cùng luật sư” kỳ này của báo Dân trí, luật sư Nguyễn Đức Chánh - cộng tác viên Thư viện Pháp luật, sẽ tư vấn cho bạn đọc rõ hơn các trường hợp công dân bắt buộc phải đổi CMND.

Có phải đổi CMND khi chuyển hộ khẩu?

Một bạn đọc gửi đến chương trình câu hỏi như sau: “Nhà tôi vừa chuyển hộ khẩu sang tỉnh khác, vậy tôi có cần phải đổi Chứng minh nhân dân luôn không? Trong các trường hợp nào thì bắt buộc người dân phải đổi CMND?”

Theo Điều 5 Nghị định 05 năm 1999 của Chính phủ và Điều 2 Mục II Thông tư 04 năm 1999 của Bộ Công An về các trường hợp đổi Chứng minh nhân dân thì công dân đổi lại Chứng minh nhân dân trong các trường hợp sau:

+ Quá thời hạn sử dụng 15 năm kể từ ngày cấp;

+ CMND rách, nát, không rõ ảnh hoặc một trong các thông tin đã ghi trên CMND;

+ Thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh. Những thay đổi này phải có quyết định của cơ quan có thẩm quyền;

+ Những người đã được cấp giấy CMND nhưng chuyển nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trường hợp chuyển Đăng ký hộ khẩu thường trú trong phạm vi tỉnh, thành phố mà công dân có yêu cầu thì được đổi lại CMND;

+ Thay đổi đặc điểm nhận dạng là những trường hợp đã qua phẫu thuật thẩm mỹ chỉnh hình hoặc vì lý do khác đã làm thay đổi hình ảnh hoặc đặc điểm nhận dạng của họ.

Như vậy, trường hợp của bạn phải đổi CMND theo quy định.

Trường hợp chuyển hộ khẩu trong tỉnh không bắt buộc phải đổi CMND nhưng chuyển hộ khẩu ra ngoài tỉnh bắt buộc phải đổi CMND
Trường hợp chuyển hộ khẩu trong tỉnh không bắt buộc phải đổi CMND nhưng chuyển hộ khẩu ra ngoài tỉnh bắt buộc phải đổi CMND

Vậy thủ tục đổi CMND như thế nào thưa ông?

Theo Thông tư 04 năm 1999 của Bộ Công an thì thủ tục đổi, cấp lại CMND gồm:

- Đơn trình bày rõ lý do đổi CMND hoặc cấp lại, có xác nhận của Công an phường, xã, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, ảnh dán vào đơn và đóng dấu giáp lai;

- Xuất trình Sổ hộ khẩu gia đình hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể. Ở những địa phương chưa cấp hai loại sổ hộ khẩu trên, Công an nơi làm thủ tục cấp CMND căn cứ vào sổ đăng ký hộ khẩu, chứng nhận đăng ký hộ khẩu thường trú của Công an xã, phường, thị trấn;

- Kê khai tờ khai cấp chứng minh nhân dân theo mẫu;

- Đối với những trường hợp thay đổi họ tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh, đổi lại CMND phải xuất trình Quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho phép thay đổi các nội dung trên đây;

Còn trường hợp chuyển hộ khẩu từ tỉnh về TPHCM thì như thế nào thưa ông?

Hiện nay, TPHCM là một trong các địa phương có điều kiện về cơ sở hạ tầng thông tin, vật chất, kỹ thuật và người quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân…Nên trường hợp chuyển hộ khẩu từ địa phương khác về thành phố Hồ Chí Minh sau ngày 01/01/2016 sẽ làm thủ tục cấp thẻ Căn cước Công dân theo Luật Căn cước Công dân.

Vâng, xin cảm ơn luật sư Nguyễn Đức Chánh và Thư viện Pháp luật đã hỗ trợ thực hiện chương trình này!

Tùng Nguyên - Phạm Nguyễn - Thiên Thanh (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm