Bài 22:
Vụ cổ phần hoá “vịt trời” tại HACINCO: Cách giải cứu nào đúng luật, hợp lòng dân?
(Dân trí) - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trên cương vị Bí thư Ban cán sự Đảng UBND TP Hà Nội đã ký công văn báo cáo Thường trực thành uỷ Hà Nội về quá trình thực hiện cổ phần hóa và đề xuất phương án xử lý tồn tại vướng mắc để chuyển Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội thành Công ty cổ phần.
Liên quan đến vụ việc cổ phần hóa “vịt trời” tại Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội (HACINCO), Báo Dân trí đã đăng tải loạt bài làm rõ việc 23 nhà đầu tư bỏ hơn 21 tỷ “tiền tươi” đi đuổi “vịt trời” suốt hơn 10 năm.
Từ đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trên cương vị Bí thư Ban cán sự Đảng UBND TP Hà Nội đã ký công văn số 410-BC/BCS ngày 10/11/2016 báo cáo Thường trực thành uỷ Hà Nội về quá trình thực hiện cổ phần hóa và đề xuất phương án xử lý tồn tại vướng mắc để chuyển Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (HACINCO) thuộc Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội thành Công ty cổ phần.
Liên quan đến tính pháp lý của các phương án được đề xuất trong công văn 410 nêu trên, PV Báo điện tử Dân trí đã có cuộc trao đổi với Luật sư Phan Thị Lam Hồng - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội.
PV: Thưa Luật sư, quá trình cổ phần hóa HACINCO đã kéo dài hơn một thập kỷ. Luật sư nhận xét như thế nào về những vướng mắc phải giải quyết trong quá trình cổ phần hóa HACINCO?
Luật sư Lam Hồng: Giải quyết những vướng mắc còn tồn tại trong quá trình cổ phần hóa HACINCO để chuyển HACINCO thành Công ty cổ phần là công việc cấp bách và buộc phải giải quyết, bởi:
Một là, việc chuyển HACINCO thành Công ty cổ phần chỉ còn là vấn đề thời gian.
Căn cứ vào chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước để: “chuyển đổi những công ty nhà nước mà Nhà nước không cần giữ 100% vốn sang loại hình doanh nghiệp có nhiều chủ sở hữu; huy động vốn của cá nhân, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội trong nước và ngoài nước để tăng năng lực tài chính, đổi mới công nghệ, đổi mới phương thức quản lý nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”, căn cứ vào công văn số 1786/BĐM-TCT ngày 20/10/2004 đề nghị cho cổ phần hóa HACINCO của Tổng công ty đầu tư phát triển nhà Hà Nội (HANDICO), căn cứ theo quy định tại Điều 2 Nghị định 187/2004/NĐ-CP về việc chuyển doanh nghiệp Nhà nước thành công ty cổ phần thì HACINCO đáp ứng đầy đủ các điều kiện để cổ phần hóa. Do vậy, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định 7252/QĐ-UB ngày 29/10/2004 cho phép HACINCO triển khai cổ phần hóa. Ngày 05/5/2005, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương cổ phần hóa tại Hacinco với tiêu chí: “Nhà nước giữ cổ phần ở mức thấp hoặc không giữ cổ phần” (điểm b, khoản 2, Chương I, Phân A, Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 94/2005/QĐ-TTg).
Như vậy, HACINCO chắc chắn sẽ được chuyển thành Công ty cổ phần. Tuy nhiên, công tác cổ phần hóa HACINCO còn đang gặp nhiều vướng mắc nên việc cổ phần hóa chưa thể tiến hành dứt điểm.
Hai là, bản chất HACINCO đã hoạt động như một công ty cổ phần.
Suốt hơn một thập kỷ hoạt động dưới vỏ ngoài là Doanh nghiệp nhà nước, nhưng về bản chất HACINCO là Công ty cổ phần, tỷ lệ vốn Nhà nước sở hữu tại HACINCO theo các Quyết định 6680/QĐ-UB ngày 29/9/2005 (9,11%); Quyết định 7867/QĐ-UB ngày 30/11/2005 (9,65%); Quyết định 1886/QĐ-UBND ngày 22/4/2010 (49,6%) chưa đủ để được coi là chi phối theo Luật doanh nghiệp nhà nước năm 2003, chưa đạt trên 50% vốn điều lệ theo Luật doanh nghiệp năm 2005, và càng không thể được coi là đã nắm giữ toàn bộ 100% vốn điều lệ theo Luật doanh nghiệp năm 2014. Do vậy, cổ phần của HACINCO từ khi được người lao động và các nhà đầu tư mua một cách hợp pháp vào năm 2005 đã chiếm đến gần 90% vốn điều lệ nên về bản chất, HACINCO không thể được coi là một doanh nghiệp Nhà nước nữa.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã thay mặt Ban cán sự Đảng UBND TP Hà Nội ký công văn báo cáo phương án xử lý vụ cổ phần hoá “vịt trời” tại HACINCO.
Mặc khác, theo công văn số 5494/UB-TP ngày 24/11/2006 của UBND TP Hà Nội thì kể từ thời điểm ban hành Quyết định số 6680/QĐ-UB ngày 29/9/2005 phê duyệt giá trị doanh nghiệp và phương án cổ phần hóa, hoạt động sản xuất kinh doanh tại HACINCO liên tục thua lỗ với số tiền lên tới 7.400 triệu đồng, vượt quá số vốn Nhà nước hiện có tại HACINCO (7.189 triệu đồng). Do vậy, từ năm 2005, HACINCO đã sử dụng toàn bộ số tiền trên 23 tỷ đồng (bao gồm: vốn cổ đông mua theo giá ưu đãi là 1.889.790.000 đồng và vốn cổ đông mua đấu giá trên sàn giao dịch là 21.884.770.000 đồng) của người lao động và các nhà đầu tư để sản xuất, kinh doanh thay vì gửi số tiền trên vào tài khoản của doanh nghiệp tại kho bạc nhà nước theo quy định pháp luật. Chính điều này đã giúp công ty đứng vững và phát triển, tạo nên những giá trị lợi nhuận to lớn và thương hiệu lớn mạnh cho HACINCO ngày nay.
Tuy nhiên, nghịch lý lại nằm ở chỗ, HACINCO ngày càng vững mạnh trong khi đó những nhà đầu tư hợp pháp (trong đó có người lao động) đã bỏ tiền mồ hôi, nước mắt mua cổ phần của HACINCO thì lại bị dồn vào “chân tường”, “chết mòn” trong vô vọng. Chính sự nửa vời giữa doanh nghiệp nhà nước và công ty cổ phần tại HACINCO đã tạo điều kiện để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ từ chối công nhận tư cách cổ đông của người lao động và các nhà đầu tư hợp pháp, khiến họ phải long đong, mòn mỏi chờ đợi suốt hơn một thập kỷ qua. Các rủi ro mà họ đã gặp phải, các quyền lợi mà họ chưa từng được “chạm tay” cần phải được xem xét và đảm bảo theo đúng quy định pháp luật để vụ việc cổ phần hóa tại HACINCO được giải quyết nhanh chóng, kịp thời.
PV: Luật sư đánh giá như thế nào về các phương án được Ban cán sự Đảng UBND TP Hà Nội đề xuất báo cáo Thường trực thành uỷ Hà Nội tại công văn số 410-BC/BCS ngày 10/11/2016?
Luật sư Lam Hồng: Trong diễn biến mới nhất của vụ việc, ngày 10/11/2016, Ban cán sự Đảng UBND TP Hà Nội đã có Báo cáo số 410/BC - BCS báo cáo Thường trực thành uỷ Hà Nội về quá trình thực hiện cổ phần hóa và đề xuất 02 phương án xử lý tồn tại vướng mắc để chuyển HACINCO thành Công ty cổ phần:
- Phương án thứ nhất: Tiếp tục thực hiện Quyết định số 1886/QĐ-UNBD ngày 22/4/2010 của Ủy ban nhân dân Thành phố.
- Phương án thứ hai: Thực hiện điều chỉnh quy mô vốn điều lệ và cơ cấu vốn điều lệ theo giá trị thực tế góp vốn của các nhà đầu tư hợp pháp.
Trên thực tế, để giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa HACINCO, cần phải triển khai quá trình cổ phần hóa theo phương án thứ hai được đề xuất tại Báo cáo số 410-BC/BCS ngày 10/11/2016, bởi đây là phương án cổ phần hóa đúng pháp luật và phù hợp với nguyện vọng của các nhà đầu tư và người lao động tại HACINCO. Còn phương án thứ nhất chứa đựng nhiều điểm bất hợp lý và trái quy định pháp luật nếu được triển khai sẽ tiếp tục khiến cho quá trình cổ phần hóa HACINCO rơi vào bế tắc, cụ thể:
Về phương án thứ nhất: Quyết định 1886/QĐ-UB ngày 22/4/2010 của UBND TP Hà Nội là không phù hợp với thực tế và trái quy định pháp luật nên phương án thứ nhất tại Báo cáo số 410-BC/BCS không thể được thực hiện.
Dựa trên đề xuất, tham mưu của Sở Tài chính Hà Nội và Tổng công ty HANDICO, ngày 22/4/2010 UBND TP Hà Nội đã ban hành hành Quyết định 1886/QĐ-UBND về việc điều chỉnh vốn điều lệ và cơ cấu vốn điều lệ, theo đó, cơ cấu vốn điều lệ có sự thay đổi theo hướng tăng tỷ lệ vốn góp của nhà nước từ 9,11% lên 49,6% và Tổng Công ty HANDICO sẽ đầu tư thêm vốn thay thế các cổ phiếu không hợp lệ bị loại. Tuy nhiên, Quyết định 1886/QĐ-UB có rất nhiều điểm bất hợp lý, trái quy định pháp luật, cụ thể:
Một là, việc tăng tỷ lệ cổ phần của nhà nước tại HACINCO theo nội dung Quyết định 1886/QĐ-UB là trái với hình thức cổ phần hóa được quy định tại Điều 3, Nghị định 187/2004/NĐ-CP; đi ngược lại với tinh thần cổ phần hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 94/2005/QĐ-TTg ngày 05/5/2005 “Nhà nước giữ cổ phần ở mức thấp hoặc không giữ cổ phần” (điểm b, khoản 2, Chương I, Phân A, Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 94/2005/QĐ-TTg); trái với chủ trương của Đảng, Nhà nước tạo “sân chơi chung” bình đẳng cho các loại hình doanh nghiệp, doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp nhà nước đều chịu sự điều chỉnh bởi Luật doanh nghiệp năm 2005, thay vì áp dụng theo một đạo luật riêng biệt như trước đây (Luật doanh nghiệp nhà nước năm 2003).
Văn phòng Chính phủ yêu cầu xử lý dứt điểm vụ cổ phần hoá “vịt trời” tại Hacinco.
23 nhà đầu tư đã thanh toán hơn 21 tỷ đồng cho một công ty thuộc quản lý của UBND TP Hà Nội nhưng suốt 10 năm đã bị "ém nhẹm" trái pháp luật.
Hai là, việc Tổng Công ty HANDICO đầu tư thêm số tiền 17.360.450.000 đồng để tăng tỷ lệ cổ phần nhà nước như nội dụng Quyết định 1886/QĐ-UB là không phù hợp với thực tế và quy định pháp luật, bởi căn cứ theo quy định tại Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp (Ban hành kèm theo Quyết định số 76/2003/QĐ-BTC ngày 28/5/2003 của Bộ Tài chính) thì việc sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp của Tổng Công ty HANDICO để thay thế cho những cổ phần chào bán sai quy định nhằm tăng tỷ lệ cổ phần nhà nước không thuộc nội dung hỗ trợ tài chính đối với doanh nghiệp cổ phần hóa (theo quy định từ Điều 10 đến Điều 13). Hơn nữa, thực tế Tổng Công ty HANDICO đầu tư thêm số tiền 17.360.450.000 đồng cũng không phù hợp với thực tế khi HACINCO đã sử dụng số tiền trên 23 tỷ đồng của nhà đầu tư và người lao động suốt hơn 10 năm qua, thì chỉ cần áp theo mức lãi suất ngân hàng của số tiền trên 23 tỷ đồng đã là một số tiền “khủng” khi cộng dồn cả tiền gốc (theo Điều 1 Quyết định 1886/QĐ-UB) và tiền lãi của 10 năm, chứ không thể chỉ là một con số 17.360.450.000 đồng mà thôi.
Như vậy, có thể thấy, giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khắc phục sai phạm trong quy trình cổ phần hoá HACINCO của UBND TP Hà Nội đưa ra tại Quyết định 1886/QĐ-UBND là hoàn toàn không phù hợp với quy định pháp luật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư và người lao động.
Về phương án thứ hai: điều chỉnh quy mô vốn điều lệ và cơ cấu vốn điều lệ theo giá trị thực tế góp vốn của các nhà đầu tư hợp pháp là phù hợp với quy định pháp luật, đảm bảo cân bằng quyền lợi giữa nhà nước, nhà đầu tư và người lao động.
Trong trường hợp của HACINCO, toàn bộ số cổ phần được chào bán sai quy định pháp luật (bao gồm cổ phần ưu đãi cho người lao động tính sai quy định, chuyển nợ lương sai quy định là 3.700.210.000 đồng và số cổ phần vi phạm quy chế bán đấu giá, chuyền nợ thành vốn góp sai quy định là: 15.140.230.000 đồng) sẽ được coi là chưa bán hết và được xử lý theo quy định tại điểm 6.1 phần B, mục V Thông tư 126/2004/TT-BTC ngày 24/12/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 187/2004/NĐ-CP: “Trường hợp nhà đầu tư (bao gồm cả người lao động và nhà đầu tư chiến lược) không mua hết thì số cổ phần còn lại sẽ được bán tiếp cho các nhà đầu tư tham gia đấu giá…”. Trong trường hợp các nhà đầu tư tham gia đấu giá không mua hết số cổ phần bán ra thì thực hiện điều chỉnh quy mô vốn điều lệ và vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định tại điểm 6.2 phần B, mục V Thông tư 126/2004/TT-BTC.
Vì vậy, để giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế trong quá trình cổ phần hóa tại HACINCO, đảm bảo cân bằng quyền lợi hợp pháp của Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động, các cơ quan ban ngành cần xem xét, quyết định điều chỉnh giảm vốn điều lệ tương ứng với số cổ phần không bán được, bán sai quy định để điều chỉnh giảm vốn điều lệ của HACINCO về vốn thực góp theo như nội dung phương án số 2 được UBND TP Hà Nội đề xuất tại Báo cáo số 410/BC-BCS ngày 10/11/2016 báo cáo Thường trực thành ủy Hà Nội như sau:
Tổng vốn điều lệ: 30.964.150.000 đồng, trong đó:
+ Vốn góp của Nhà nước: 7.189.590.000 đồng; tương ứng 23.22 % vốn điều lệ;
+ Vốn góp của cổ đông trong doanh nghiệp mua theo giá ưu đãi: 1.889.790.000 đồng, tương ứng 6.1 % vốn điều lệ;
+ Vốn của cổ đông mua đấu giá trên sàn giao dịch: 21.884.770.000 đồng, tương ứng 70.68 % vốn điều lệ.
Sau khi xử lý kết quả bán cổ phần đúng theo quy định pháp luật, UBND TP Hà Nội sẽ ban hành quyết định điều chỉnh quy mô và cơ cấu vốn điều lệ, làm cơ sở để HACINCO tổ chức Đại hội cổ đông theo đúng quy định của pháp luật hiện hành và ra Quyết định công nhận HACINCO trở thành Công ty cổ phần.
Như vậy, bản chất HACINCO là Công ty cổ phần nhưng lại đang hoạt động dưới tư cách là một Doanh nghiệp Nhà nước. Chính sự nửa vời giữa Doanh nghiệp nhà nước và Công ty cổ phần tại HACINCO đã tạo điều kiện để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ từ chối công nhận tư cách cổ đông của người lao động và các nhà đầu tư hợp pháp, khiến họ phải long đong, mòn mỏi chờ đợi suốt hơn một thập kỷ qua. Đã đến lúc các cơ quan có thẩm quyền phải dứt khoát cổ phần hóa HACINCO theo phương án được Ban cán sự Đảng UBND TP Hà Nội đề xuất tại công văn số 410-BC/BCS ngày 10/11/2016. Mỗi phương án đều có những điểm hợp lý của nó, tuy nhiên để phù hợp với quy định pháp luật và thực tiễn doanh nghiệp thì phương án thứ hai là hợp lý nhất “Thực hiện điều chỉnh quy mô vốn điều lệ và cơ cấu vốn điều lệ theo giá trị thực tế góp vốn của các nhà đầu tư hợp pháp” để vụ cổ phần hóa vịt trời HACINCO đi đến hồi kết.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!
Anh Thế (thực hiện)