Hà Nội - Bài 21:

Điểm mặt các “quan” góp tên nhào nặn nên những cuốn sổ đỏ trên “đất ma”!

(Dân trí) - Sau loạt bài điều tra của Báo Dân trí, ngày 23/01/2017, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hoài Đức đã ra Quyết định khởi tố vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Vậy các cán bộ góp tên nhào nặn nên những cuốn sổ đỏ trên “đất ma” là ai?

Nối tiếp câu chuyện bán đất “ảo” nhưng lại có “sổ đỏ” thật, qua mặt các cơ quan chức năng trong suốt 10 năm trời ngay trên địa bàn thủ đô Hà Nội - câu chuyện tưởng chừng rất khó tin nhưng lại có thật trên thực tế. Câu hỏi được đặt ra là quá trình thẩm định Hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được diễn ra như thế thế nào? Những cán bộ nào đã trực tiếp tham gia vào quá trình thẩm định hồ sơ chuyển nhượng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này?

Theo hồ sơ gia đình bà Ái cung cấp thì ông Ngô Đăng Thọ được cấp GCNQSDĐ số S726276 ngày 18/12/2003 theo Quyết định số 3871/QĐ/UB của UBND huyện Hoài Đức cho 308m2 đất thổ cư tại thửa đất số 75, tờ bản đồ 4B địa chỉ thôn Cao Thượng, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức,tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội) dựa trên việc chuyển nhượng giữa ông Tác và ông Thọ. Sau đó, tháng 2/2004 ông Thọ tiếp tục chuyển nhượng quyền sử dụng thửa đất này cho bà Ái và chiếm đoạt của bà Ái số tiền hơn sáu trăm triệu từ ngày đó cho đến nay. Tuy nhiên, 10 năm sau khi nhận chuyển nhượng thửa đất và đóng thuế đất ở bà Ái mới phát hiện ra thửa đất không có thật trên thực tế.


Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình yêu cầu làm rõ bí ẩn những sổ đỏ trên mảnh “đất ma” tại huyện Hoài Đức.

Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình yêu cầu làm rõ bí ẩn những sổ đỏ trên mảnh “đất ma” tại huyện Hoài Đức.

Chủ sở hữu đầu tiên của thửa đất số 75, tờ bản đồ số 4B nói trên - ông Nguyễn Văn Tác và các con ông đều khẳng định không hề chuyển nhượng thửa đất cho bất kì ai, hiện gia đình ông Tác vẫn đang quản lý và sử dụng thửa đất của mình; thế nhưng trong hồ sơ ông Thọ nộp tại cơ quan chức năng lại xuất hiện Hợp đồng chuyển nhượng có chữ ký của các bên, có đầy đủ xác nhận, con dấu của UBND xã Đức Thượng, cán bộ địa chính xã Đức Thượng, Phòng địa chính huyện Hoài Đức (nay là Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoài Đức) và Quyết định số 5871/QĐ-UB của UBND huyện Hoài Đức về việc cấp GCNQSDĐ cho ông Thọ.

Bằng hợp đồng chuyển nhượng có dấu hiệu giả mạo này, ông Thọ đã khiến cho bà Ái tin mình là chủ sở hữu hợp pháp quyền sử dụng đất tại thửa đất trên nên ngày 25/02/2004 ông Thọ đã tiếp tục ký hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ với bà Ái và chiếm đoạt của bà Ái số tiền 616.000.000đồng (sáu trăm mười sáu triệu đồng).

Theo luật sư Nguyễn Hoàng Việt (Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội) thì căn cứ quy định của Luật Đất đai 2003 và Điều 10, Điều 11 Nghị định 17/1999/NĐ-CP ngày 29/3/1999 về thủ tục chuyển nhượng, chuyển đổi, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế quyền sử dụng đất và thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất và căn cứ hồ sơ thực tế gia đình bà Ái cung cấp, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ ông Ngô Đăng Thọ cho bà Nguyễn Thị Ái được quy định và thực hiện trên thực tế như sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại ủy ban nhân dân xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (hay là thành phố Hà Nội), hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất bao gồm:

1. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được ký giữa ông Thọ và bà Ái được lập tại UBND xã Đức Thượng ngày 25/02/2004;

2. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số S726276 do UBND huyện Hoài Đức cấp ngày 18/12/2003;

3. Sơ đồ thửa đất (trích lục bản đồ thửa đất hoặc trích đo trên thực địa);

Bước 2: Điều 11 Nghị định 17/1999/NĐ-CP ngày 29/3/1999 quy định: trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thẩm tra hồ sơ, xác nhận vào mục 1 Phần II (phần ghi của cơ quan nhà nước) của Bản hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho những trường hợp đủ điều kiện chuyển nhượng và gửi hồ sơ cho Phòng Địa chính quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; nếu không được chuyển nhượng thì trả lại hồ sơ và thông báo cho đương sự biết lý do.

Điểm mặt các “quan” góp tên nhào nặn nên những cuốn sổ đỏ trên “đất ma”! - 2

Mảnh đất ma được nhào lặn thành những cuốn sổ đỏ thật.

Mảnh đất "ma" được nhào lặn thành những cuốn sổ đỏ "thật".

Mục 1 Phần II bao gồm xác nhận về giấy tờ sử dụng đất, hiện trạng thửa đất và điều kiện chuyển nhượng. Cán bộ xã cần phải xác minh tính hợp lệ trong hồ sơ và hiện trạng thực tế thửa đất, điền các thông tin xác nhận và chuyển hồ sơ cho Phòng địa chính huyện.

Thực tế hồ sơ thể hiện ngày 25/02/2004, UBND xã Đức Thượng đã xác nhận:

Về giấy tờ sử dụng đất: GCNQSDĐ số S726276 cấp ngày 18/13/2003;

Về hiện trạng thửa đất: đất thổ cư;

Chủ sử dụng đất: ông Ngô Đăng Thọ là chủ thể trong quan hệ hợp đồng;

Loại đất: Thổ cư; Diện tích: 308m2

Thuộc tờ bản đồ số: 4B; Số thửa đất: 75

Đất sử dụng ổn định, không có tranh chấp: không có tranh chấp

Về điều kiện chuyển nhượng: đủ điều kiện

Nội dung xác nhận trên được ông Nguyễn Xuân Trà - Chủ tịch UBND xã Đức Thượng ký tên và đóng dấu.

Cũng trong ngày 25/02/2004 bà Ái làm đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở nông thôn, đơn đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở nông thôn với thửa đất trên và được chủ tịch UBND xã Nguyễn Xuân Trà, cán bộ địa chính xã Nguyễn Huy Rật ký tên, đóng dấu xác nhận.

Bước 3. Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Phòng Địa chính xem xét hồ sơ, ghi nội dung thẩm tra vào mục 2 Phần II (phần ghi của cơ quan nhà nước) của Bản hợp đồng chuyển nhượng và trình ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Mục 2 phần II bao gồm: “Ý kiến của Phòng Địa chính về kết quả thẩm tra và xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn.:

Để có thông tin điền vào mục này, Phòng Địa chính huyện cần thực hiện thẩm tra thực tế và ra kết luận về tính chính xác của kết quả thẩm tra, xác nhận của UBND xã đã trình lên.

Ngày 22/3/2004, Phòng địa chính huyện Hoài Đức xác nhận kết quả thẩm tra: “Nhất trí với ý kiến của UBND xã Đức Thượng cho phép ông Ngô Đăng Thọ chuyển nhượng 308m2 đất ở cho bà Nguyễn Thị Ái theo luật

Nội dung xác nhận trên được Trưởng phòng địa chính huyện Hoài Đức - ông Nguyễn Đỗ Đức và Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức - ông Nguyễn Xuân Lĩnh ký xác nhận và đóng dấu.

Bước 4. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ do Phòng Địa chính trình, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoàn thành việc xác nhận được chuyển nhượng vào mục 3 Phần II (phần ghi của cơ quan nhà nước) của Bản hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Mục này gồm “Xác nhận được chuyển nhượng của Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh” ra kết luận Hồ sơ chuyển nhượng đất có đủ điều kiện được chuyển nhượng hay không.

Cũng trong ngày 22/03/2004 chủ tịch UBND huyện Hoài Đức - ông Nguyễn Xuân Lĩnh xác nhận đủ điều kiện chuyển nhượng với thửa đất trên.


Cơ quan CSĐT Công an huyện Hoài Đức chính thức khởi tố vụ án liên quan đến việc Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Xuân Lĩnh ký cấp sổ đỏ cho mảnh đất không có thật.

Cơ quan CSĐT Công an huyện Hoài Đức chính thức khởi tố vụ án liên quan đến việc Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Xuân Lĩnh ký cấp sổ đỏ cho mảnh đất không có thật.

Việc thẩm định đất đai và chuyển hồ sơ lên UBND huyện cần có thời gian thực địa trên thực tế, xác nhận của UBND xã sau đó mới chuyển hồ sơ lên UBND huyện xác nhận. Tuy nhiên thực tế cho thấy tất cả các bước thẩm định, kiểm duyệt, xác nhận và chuyển hồ sơ này được tiến hành chỉ trong ngày 22/03/2004. Trong khoảng thời gian chỉ 01 ngày như vậy không thể đủ để các cơ quan chức năng thực hiện đầy đủ các bước thẩm định theo đúng quy trình.

Bước 5. Sau khi được Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh xác nhận được chuyển nhượng, Phòng Địa chính thông báo cho bên chuyển nhượng nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất và bên nhận chuyển nhượng nộp lệ phí trước bạ theo quy định của pháp luật.

Bước 6. Sau khi các bên đã nộp xong thuế chuyển quyền sử dụng đất và lệ phí trước bạ, Phòng Địa chính vào sổ theo dõi biến động đất đai và trả hồ sơ cho các bên. Bên nhận chuyển nhượng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Thực tế hồ sơ thể hiện chủ tịch UBND huyện Hoài Đức - ông Nguyễn Xuân Lĩnh ký Quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho thửa đất số 75, tờ bản đồ 4B, diện tích 308m2 tại thôn Cao Thượng, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức cho bà Nguyễn Thị Ái vào ngày 30/3/2004.

Từ quy trình trên có thể khẳng định, việc để “lọt lưới” Hồ sơ vi phạm pháp luật nghiêm trọng như vậy không thể là lỗi vô ý của cán bộ thẩm định bởi việc thẩm định hồ sơ không chỉ là trách nhiệm, công việc của một người mà là của cả một hệ thống bộ máy hành chính từ cấp xã đến cấp huyện bao gồm nhiều cán bộ, công chức với những bước kiểm tra hoàn toàn độc lập với nhau.

Từ Hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất vi phạm pháp luật nghiêm trọng này, các cán bộ xã Đức Thượng và huyện Hoài Đức đã tiếp tay cho Ngô Đăng Thọ chiếm đoạt của bà Nguyễn Thị Ái số tiền 616.000.000 đồng. Tuy nhiên điều đáng ngạc nhiên trong vụ án này là kẻ đã chiếm đoạt số tiền lớn như vậy nhưng đến nay vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, chưa bị khởi tố, và thậm chí cũng chưa có một Quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đã hơn 02 năm kể từ khi sự việc trên bị gia đình bà Ái phát giác, những cán bộ trên người đã thuyên chuyển công tác, người đã nghỉ hưu, người vẫn đang tại vị tuy nhiên vẫn chưa có một ai phải đứng ra chịu trách nhiệm trước pháp luật về những sai phạm trong quá trình thẩm định hồ sơ, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này. Cho đến nay thì cũng chỉ mới có Quyết định khởi tố vụ án, chứ chưa có Quyết định khởi tố bị can liên quan.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế (thực hiện)